Trung Quốc đang tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm

Chuyên gia Philippines cho rằng Trung Quốc tạo ra tiền lệ nguy hiểm là "một quốc gia có thể lợi dụng quy mô và sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng, phớt lờ luật pháp quốc tế".

 Phẫn nộ: Giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục bị dư luận quốc tế lên án. Nhiều chính khách, học giả, báo chí các nước liên tục có những tuyên bố, phân tích, đánh giá về hành động sai trái của Trung Quốc và bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút bỏ giàn khoan và các tàu của Trung Quốc khỏi vùng biển Việt Nam.

Cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng”

Trong một bài viết, trang ngôn luận Interpreter của Viện chính sách quốc tế Lowy tại Australia nêu rõ: Hành động của Trung Quốc đã thể hiện cách cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện. Học giả Julian Snelder nói với Interpreter rằng, vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Australia, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc nhà nước của nước này.

Chuyên gia David Zweig tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong thậm chí còn nói: “Nếu tôi là một người Mỹ, tôi ắt hẳn đã nói “cảm ơn Trung Quốc” vì nước này đã khiến cho mọi người thấy được sự hiếu chiến của mình. Rõ ràng có căng thẳng tại toàn bộ Biển Đông và điều này đã không xảy ra trước khi Trung Quốc mạnh lên”.

Học giả Malcolm Cook, nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy cũng khẳng định rằng hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002, làm mất đi sự tin tưởng vào DOC như một công cụ ngoại giao hiệu quả để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Trong khi đó, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo CEFMA, Bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng Cộng sản Argentina, Jorge Alberto Kreyness, đã nêu bật sự cần thiết tôn trọng nguyên tắc chung sống hòa bình, luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS 1982. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và có những hành động khiến căng thẳng leo thang, ông A. Kreyness bày tỏ tin tưởng các quốc gia liên quan sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ông Kreyness nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và tự do hàng hải trên Biển Đông. Theo ông, phần lớn các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển, đảo tại khu vực Mỹ La-tinh được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và đây là những kinh nghiệm tốt để các nước có tranh chấp tham khảo.

Trong bức thư gửi Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt Len Aldis bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến hiện nay trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Len Aldis kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cũng như các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam.

Phá vỡ nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác, hữu nghị

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đánh dấu sự leo thang trong ý đồ của Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa những tuyên bố về nguồn tài nguyên ở đây. Chuyên gia Theresa Fallon thuộc Viện Nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Bỉ, khẳng định với WSJ, với việc đặt giàn khoan lớn ở Biển Đông cùng với việc huy động các tàu hộ tống, Bắc Kinh đã “vượt qua một lằn ranh quan trọng”.

Trong một bài viết mới nhất, tờ New York Times của Mỹ thẳng thắn chỉ ra rằng, Trung Quốc đã làm gia tăng tình hình căng thẳng Biển Đông với việc lần đầu tiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bài viết cho rằng những lập luận phản đối của Trung Quốc không mang tính thuyết phục vì sẽ chẳng có đối đầu nếu nước này không triển khai giàn khoan.

Trong khi đó, theo ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga, chiếu theo UNCLOS 1982, vị trí hạ giàn khoan Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông A. Svetov cho rằng các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ nhưng “lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn”. Lý giải cho nhận định của mình, ông Svetov nhấn mạnh, Trung Quốc không dừng lại ở việc va chạm thông thường giữa các tàu của hai bên mà đi xa hơn với một hành động được lên kế hoạch bài bản. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 đã đủ nói lên tất cả.

Trung Quốc đưa nhiều tàu đến bảo vệ giàn khoan trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSB VN/Vietnamplus.

Trung Quốc đưa nhiều tàu đến bảo vệ giàn khoan trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSB VN/Vietnamplus.

Chuyên gia Vladimir Kolotov thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Nga) nhận xét hành động của Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng tình hình, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch đã tuyên bố về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị. “Các kế hoạch của Trung Quốc còn nguy hại ở chỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể mối quan hệ với Việt Nam nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng. Căng thẳng không chỉ diễn ra hiện nay mà còn có thể tiếp tục tái diễn trong tương lai trung và dài hạn, và gây ra hậu quả nghiêm trọng, tiêu cực đối với Trung Quốc”, chuyên gia này nhận định.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Oh Ei Sun, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore cho rằng, thái độ của Trung Quốc đang gây ra sự khó hiểu: “Bắc Kinh luôn nói rằng muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng nhưng họ lại đang cố tình hành động ngày càng quyết liệt hơn”.

Tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế

Tờ Manila Bulletin dẫn lời Giám đốc Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Tổng cục Du lịch Philippines Floro M. Mercene khẳng định, hành động của Trung Quốc tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, đó là “một quốc gia có thể lợi dụng quy mô và sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng, phớt lờ luật pháp quốc tế”. Theo M.Mercene, nếu hành động này không bị lên án và ngăn chặn, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động khiêu khích, đưa thế giới trở lại thời kỳ hỗn loạn với sức mạnh quân sự và sự hiếu chiến có thể tạo ra sự thống trị của mỗi quốc gia. Đây không phải là điều mà các dân tộc yêu chuộng hòa bình mong đợi vì nó đi ngược lại lợi ích của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, Giáo sư Jonathan London thuộc Đại học HongKong cho rằng, thách thức chủ yếu của Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay là phải đối mặt với một Trung Quốc “dường như không có thiện chí giải quyết vấn đề này”.

“Bản thân hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã là một hành động vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa tàu của mình vào cản trở việc thực thi pháp luật của phía Việt Nam. Như vậy, cùng một lúc, Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế khi vừa cố tình tìm cách khai thác khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa có những hành động cố tình khiêu khích Việt Nam trong khi phía Việt Nam đang rất kiềm chế để tránh xung đột”, Giáo sư London nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại