Triều Tiên sắp có cuộc chiến tranh giành quyền lực?

"Nếu người chú bị lật đổ và cộng sự của ông ấy bị xử tử, điều đó rõ ràng cho thấy ông Jang bị hất cẳng trong cuộc chiến giành quyền lực ở Triều Tiên..."

Việc người chú dượng nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo quân đội và một số cộng sự của ông này bị xử tử được xem là biến động chính trị lớn nhất tại Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền thay cha, làm gia tăng sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Đánh giá nói trên của giới phân tích được đưa ra sau khi cơ quan tình báo Hàn Quốc cho hay, hai trong số những nhân vật thân cận nhất của ông Jang Song-thaek bị công khai xử tử tháng trước vì tội tham nhũng và chống lại Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên.

Tình báo Hàn Quốc cũng nói rằng, ông Jang - 77 tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia đầy quyền lực của Triều Tiên kiêm một số chức danh quan trọng khác trong đảng và chính phủ - đã không xuất hiện trong gần 1 tháng - một dấu hiệu cho thấy ông này đã mất vị thế được ân sủng.

"Nếu người chú bị lật đổ và những cộng sự của ông ấy bị xử tử, điều đó rõ ràng cho thấy rằng ông Jang bị hất cẳng trong cuộc chiến giành quyền lực khốc liệt" - Giáo sư Đại học nghiên cứu Hàn Quốc ở Seoul, ông Yang Moo-jin - nói.

Giáo sư Yang dự đoán rằng với việc bãi bỏ chức vụ của ông Jang, Triều Tiên có thể bước vào các cuộc chiến tranh giành quyền lực lớn nhỏ khác nhau và có thể làm suy yếu đất nước.

Quan điểm này cũng được Giáo sư Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk chia sẻ. Ông Kim dự đoán rằng, việc ông Jang bị thất sủng có thể là dấu hiệu của những sự thay đổi nhanh chóng ở Triều Tiên. "Sự ổn định tổng thể của Triều Tiên sẽ suy giảm" - học giả này nhận xét.

Theo các nhà quan sát Triều Tiên, những diễn biến này hoàn toàn không phải là tin tốt lành cho khu vực, bởi một Triều Tiên bất ổn càng có khả năng hành động khiêu khích và châm ngòi căng thẳng với các nước láng giềng nhằm phân tán sự chú ý từ các vấn đề nội bộ. Gia tăng căng thẳng có thể tạo động lực để người dân tập hợp xung quanh giới lãnh đạo.

Điều này sẽ được chứng minh là đúng, đặc biệt nếu những người bảo thủ mang đường lối cứng rắn thay thế chỗ trống của ông Jang. Ông Jang thường được xem là một người ủng hộ cải cách kinh tế và thay đổi trong nước.

"Dựa trên đánh giá những hành vi trong quá khứ, Triều Tiên có thể có những hành động hiếu chiến chống lại Hàn Quốc và làm trầm trọng thêm mối quan hệ băng giá giữa hai miền" - ông Yang nói.

Phản ứng trước những mối quan ngại này, giới chức an ninh cấp cao ở Seoul cho hay họ đang theo dõi chặt chẽ khả năng quân đội được trao thêm nhiều quyền lực hơn. "Nếu ông Jang bị bãi chức khỏi vị trí lãnh đạo quân đội, sẽ có một nguy cơ căng thẳng gia tăng trong quan hệ liên Triều" - một nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.

Trong khi đó, một số nguồn tin khác nói rằng việc ông Jang bị bãi nhiệm là điều hoàn toàn bất ngờ, bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã tạm thời sử dụng người chú nhằm củng cố quyền lực của mình sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời.

Liên quan đến những diễn tiến tiếp theo, Giáo sư Kim Keun-sik thuộc Đại học Kyungnam cho rằng, việc ông Jang ra đi không dẫn đến sự thay đổi mục tiêu chính sách chủ chốt của Triều Tiên. "Mục tiêu của Triều Tiên là đồng thời đẩy mạnh xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng hạt nhân sẽ không bị thay đổi". Tuy nhiên, ông Kim cho hay Triều Tiên có thể có lập trường cứng rắn hơn so với trước đây.

Nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hòa bình và Thống nhất, Đại học Quốc gia Seoul lại cho rằng, việc ông Jang bị bãi chức và cộng sự bị xử tử không nhất thiết chứng tỏ ông này bị loại bỏ khỏi chính trường. "Có thể ông ta sẽ án binh bất động, chờ thời điểm và cơ hội thích hợp để quay lại".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại