TQ và mưu đồ xây "tàu sân bay không thể đánh chìm" trên Biển Đông

My Lan |

(Soha.vn) - Giáo sư chính trị học Richard Javad Heydarian (Philippines) nhận định, động thái xây đảo nhân tạo cho thấy sự thay đổi chính sách của TQ từ phòng thủ sang tấn công.

“Tàu sân bay không thể đánh chìm”

Tháng 5/2014, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Wu Shicun, người hiện đang tham gia nhóm nghiên cứu liên kết với Chính phủ Trung Quốc trên đảo Hải Nam bao biện trên truyền thông rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại đá Gạc Ma (thuộc Trường Sa của Việt Nam), cũng như tiến hành cải tạo đất (trái phép) tại nhiều rạn san hô thuộc Trường Sa của Việt Nam, là nhằm tăng cường quản lý thủy hải sản và khả năng cứu trợ nhân đạo, chứ không nhằm mục đích quân sự.

Tuy nhiên, những lời biện hộ này của Wu Shicun đã bị chính những động thái thực tế đầy hung hăng của Trung Quốc “vạch trần”.

Ngay trong bản thiết kế 3D chi tiết đảo nhân tạo tại Gạc Ma mà Viện Nghiên cứu và Thiết kế đóng tàu số 9 (NDRI) thuộc Tổng công ty đóng tàu Quốc gia Trung Quốc đăng tải trên website của mình, đã xuất hiện các khu vực được cho là quân cảng và sân bay.

Nhiều học giả thế giới đều cho rằng, Trung Quốc sẽ xây dựng tại đảo nhân tạo này một căn cứ hậu cần tiếp tế cho các tàu và máy bay Trung Quốc hoạt động tại biển Đông, đồng thời thiết lập trái phép các trạm giám sát ở các khu vực này.

Sự thay đổi của đá Gạc Ma qua quá trình Trung Quốc khai thác trái phép từ tháng tháng 3/2012 đến tháng 2/2014 (thứ tự thời gian từ trái qua phải, từ trên xuống dưới). Ảnh do Philippines công bố.

Sự thay đổi của đá Gạc Ma qua quá trình Trung Quốc khai thác trái phép từ tháng tháng 3/2012 đến tháng 2/2014 (thứ tự thời gian từ trái qua phải, từ trên xuống dưới). Ảnh do Philippines công bố.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez lo ngại rằng, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên đá Gạc Ma sẽ giống như “một tàu sân bay không thể đánh chìm”. Ông Golez giải thích: “Gạc Ma giống như một chấm ở giữa vòng tròn với bán kính khoảng hơn 1.600 km. Do vậy, căn cứ của Trung Quốc ở đây có thể đe dọa và khống chế một vùng biển rộng lớn”.

Tờ New York Times dẫn lời các học giả thế giới cho rằng, lấy cơ sở là đảo nhân tạo trên đá Gạc Ma, cùng những đảo nhân tạo khác mà Trung Quốc có thể xây dựng trái phép trên biển Đông, Trung Quốc có thể đơn phương tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở mỗi đảo. Nhà khoa học chính trị M. Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định, Trung Quốc có thể sẽ trắng trợn tận dụng điều này làm bằng chứng khi đối mặt với các những chỉ trích của cộng đồng thế giới, hoặc thậm chí là tòa án quốc tế, nhằm chứng minh cho những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của mình ở biển Đông, từng bước “hợp thức hóa” Đường 9 đoạn.

Lợi dụng giàn khoan Hải Dương 981 làm nghi binh

Một số nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc cố tình đẩy căng thẳng xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là đòn nghi binh nhằm tiến hành các hoạt động xây dựng trên bãi đá Gạc Ma với mục đích còn thâm hiểm hơn nhiều.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Hoa Kỳ VOA, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng, việc Trung Quốc triển khai máy bay tới khu vực giàn khoan Hải Dương 981 mà nước này hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam là dấu hiệu cho thấy “có thể Trung Quốc đang thử nghiệm khả năng của họ để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), buộc các máy bay khác phải báo cáo khi bay ngang qua một vùng không phận giới hạn trên Biển Đông...”.

Nhiều chuyên gia nhận định giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam chỉ là nghi binh cho kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở Gạc Ma.

Nhiều chuyên gia nhận định giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam có thể là nghi binh cho kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở Gạc Ma.

Cùng trong thời điểm đó, liên quan tới những bằng chứng mà chính phủ Philippines công bố về các hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở Gạc Ma, ông Peter Paul Gazlev, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nhận định, diện tích đất mà Trung Quốc khai thác tại đây có thể lên tới 31 hecta – phù hợp với kích thước của một đường băng. Nguy hiểm hơn, trả lời câu hỏi liệu việc này có phải là bước đầu trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đơn phương thiết lập ADIZ ở biển Đông hay không, ông Gazlev nói: “Có thể”.

Nhiều chuyên gia, nhà phân tích quốc tế cũng chia sẻ những mối nghi ngại tương tự về một vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc tại biển Đông. Ông Richard Bitzinger, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định Bắc Kinh cần có máy bay đóng ở biển Đông nếu muốn thực thi ADIZ, và đường băng nhân tạo giúp ích cho bước đi này.

Cụ thể, ông Robert D. Kaplan, chuyên gia trưởng Stratfor, một cơ quan phân tích toàn cầu, chỉ ra rằng, các rạn san hô trên Biển Đông nằm cách bờ biển Trung Quốc tới 1.500 dặm, còn chiến đấu cơ Trung Quốc không có tầm xa như vậy để tuần tra các vùng trời trên Biển Đông. Vì vậy Bắc Kinh đã tính tới việc xây đảo mới để đặt các đường băng cho máy bay quân sự. Sau khi sân bay ở Gạc Ma hoàn thành, với sân bay (trái phép) có sẵn ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh sẽ có cơ sở thiết yếu để thành lập cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không trên biển” bao trùm cả Biển Đông.

Đồng quan điểm này, Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng ở Gạc Ma là nhằm tạo đường đi ra của nước này từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa, rồi xuống sâu dưới Trường Sa. Đây có thể là một phần của chiến lược lâu dài, nhằm thực hiện giấc mộng Trung Hoa - cường quốc biển, cường quốc đại dương.

Tuy nhiên, những hành động gây hấn của Trung Quốc trong thời gian tới chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các qốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, cũng như sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Thậm chí, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những động thái mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Nhật báo Pháp La Croix dẫn lời chuyên gia Valérie Niquet, người đứng đầu bộ phận châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược FRS cảnh báo, mặc dù rất khó để xác định ranh giới mà Trung Quốc không được phép vượt quá tại biển Đông, song với riêng Mỹ, “lằn ranh đó là việc Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không như đã làm ở Hoa Đông”.

Xem thêm Video: Nhìn lại 2 tháng hung hăng, ngang ngược của TQ tại biển Đông

Nguồn: Tuổi Trẻ

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại