Tổng thống Putin vẫn chiếm thế thượng phong ở Ukraine

Phạm Khánh |

Theo tờ The New York Times (Mỹ), khi ngồi với các nhà lãnh đạo Ukraine, Đức và Pháp tại hội nghị thượng đỉnh ở Minsk, Belarus hôm 11/2, Tổng thống Nga Putin vẫn đang nắm quân bài mang tính quyết định.

Trong nhiều tháng nay, các nhà lãnh đạo châu Âu luôn có chung một quan điểm về Ukraine, bao gồm không sử dụng giải pháp quân sự, yêu cầu tất cả các bên tìm cách giải quyết vấn đề bằng ngoại giao.

Tuy nhiên, tại Minsk, họ lại phải đối mặt với thực tế rằng ông Putin vẫn giữ thế thượng phong.

Cho tới tận bây giờ, ông Putin vẫn đang thắng thế trong cuộc xung đột Ukraine.

Thực hiện đúng như quan điểm chung của châu Âu, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật chính trị có sức ảnh hưởng nhất châu Âu và Tổng thống Pháp François Hollande, nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất châu Âu, đã cùng tới Minsk hôm 11/2 với hy vọng thiết lập lại thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.

Bà Merkel và ông Hollande vẫn nỗ lực bất chấp việc Phát ngôn viên của bà Merkel, Steffen Seibert, cho rằng chỉ có một tia hy vọng nhỏ nhoi về việc đạt được mục tiêu trên.

Bà Fiona Hill, sĩ quan tình báo hàng đầu của Mỹ ở Nga từ năm 2006 đến năm 2009 cho hay: "Ông Putin đang chơi một trò chơi lâu dài.

Ông ấy chơi trên nhiều mặt trận. Khi chúng ta mới bắt đầu bàn về phản ứng quân sự thì ông ấy chuyển sang nói về ngoại giao”.

Bà Hill còn dự đoán rằng, bất kì thỏa thuận ngừng bắn mới nào cũng chỉ là tạm thời như thỏa thuận ngừng bắn cũ vì ông Putin liên tục thay đổi giữa các giải pháp ngoại giao và quân sự.

Sự thay đổi này phụ thuộc vào việc ông ấy thấy lựa chọn nào là tốt nhất cho Nga.

Bà nói thêm, phương Tây đang vô tình hỗ trợ cho chiến thuật của Nga bằng cách luôn cho biết sẽ làm gì tiếp theo trong khi ông Putin lại khiến mọi người phải dự đoán.

Bà nói: “Bạn có thể dễ dàng giành chiến thắng nếu đối thủ của bạn luôn cho bạn biết họ đang định làm gì”.

Tổng thống Ukraine và Tổng thống Putin xuất hiện trước cuộc họp tại Minsk hôm 11/2/2015.

Phát biểu trong cuộc họp các ngoại trưởng châu Âu tại Brussels hôm 9/2, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán tại Minsk giữa Pháp, Đức, Nga, Ukraine vào ngày 11/2 sẽ phải tăng cường chứ không phải lặp lại thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9/2014.

Amanda Paul, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Chính sách châu Âu cho rằng, sự khác biệt giữa chính sách ngoại giao bền bỉ của châu Âu và chiến lược của ông Putin ở Ukraine đã khiến cho Moscow và phương Tây tham gia vào các cuộc chơi hoàn toàn khác nhau.

Ông nói: "Ông Putin có thể qua mặt chúng tôi bởi vì ông ta biết chúng tôi có những hạn chế gì. Ông ấy biết chúng tôi sẽ không triển khai quân đội.

Ông ấy biết, ngay cả khi Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine thì Nga vẫn đủ mạnh để đánh bại Ukraine”.

“Ngược lại,  phương Tây không hề biết những hạn chế của ông Putin là gì. Ông ấy không bao giờ cho biết mình có những quân cờ gì trong tay.

Chúng ta luôn phải đoán”, ông Paul nói thêm.

Người dân ở miền Đông Ukraine đang dùng túi bóng để che cửa sổ bị đạn pháo bắn vỡ.

Thứ duy nhất Nga không bao giờ che dấu là mong muốn chia rẽ Liên minh châu Âu bằng cách tiếp cận với các quốc gia như Hungary và Hy Lạp.

Linas A. Linkevicius, Ngoại trưởng Lithuania, một trong số ít các quốc gia châu Âu hỗ trợ vũ khí cho Ukraine cho biết: “Các nỗ lực ngoại giao tất nhiên là đáng quý, nhưng chúng ta không thể đánh giá về hiệu quả của chúng, thậm chí ngay cả khi Nga chịu kí một thỏa thuận”.

Ông nói thêm: "Chúng ta không thể tin thêm một lời nào của các nhà lãnh đạo Nga”.

Tuy nhiên, mặc dù ngày càng bực tức vì cho rằng Nga đang liên tục hỗ trợ cho ly khai nhưng các quốc gia châu Âu vẫn đưa ra những lập luận mạnh mẽ để bác bỏ phương án cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Thay vào đó, họ chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hôm 11/2, trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni cho hay: "Thứ duy nhất ông Putin không sợ là vũ khí.

Nga yếu trong nhiều lĩnh vực nhưng lại rất mạnh về vũ khí”.

Theo ông, việc Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine có thể khiến ông Putin có cớ để hành động mạnh mẽ hơn ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại