Tình hình Ukraine: Hai năm sau Maidan vẫn hỗn loạn, bất ổn

Đào Cảnh |

2 năm sau sự kiện Maidan, Ukraine vẫn đang trượt dài trong khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị. Cuộc khủng hoảng này đang kéo Ukraine cách xa EU xa hơn cả thời Ukraine còn dưới quyền điều hành của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.

Tháng 2/2014, Pháp và Đức đã đứng ra bảo lãnh cho một thỏa hiệp giữa phe đối lập (đại diện là “tam đầu chế” Klichko-Yatsenuk-Tiagnibok) với Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovich.

Tuy nhiên, thỏa hiệp này nhanh chóng chết yểu ngay sau đó khi nhóm “tam đầu chế” này thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Yanukovich và tuyên bố nhanh chóng đưa Ukraine gia nhập EU.

Thực tế 2 năm sau lại cho thấy những kết quả ngược lại với những tuyên bố trên. Ukraine không những không xích lại được gần với EU mà lại cách xa EU hơn cả thời kỳ Yanukovich.

Nền kinh tế liên tục suy giảm, những phần tử chủ nghĩa dân tộc, dưới sự dung túng của chính quyền, đang làm tất cả những gì có thể để giới đầu tư tránh xa Ukraine. Các đoàn xe tải của Nga bị chặn lại, các chi nhánh ngân hàng Nga tại Kiev và các tỉnh thành khác bị đập phá, cướp bóc.

Ngoài ra, các phần tử này còn nêu ra nhiều yêu sách đối với chính quyền và tổ chức gây bạo loạn, biểu tình ở thủ đô Kiev.

Trước tình thế này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhanh chóng đổ lỗi cho Nga đứng sau các sự vụ này. “Bộ máy tuyên truyền của Kremlin đang làm tất cả để ngày này (kỷ niệm 2 năm sự kiện Maidan) được nhìn nhận theo một cách khác.

Chính vì vậy, họ đã chuẩn bị các khẩu hiệu về Maidan 3.0 và Maidan lần thứ 3. Sự khiêu khích này sẽ không đem lại kết quả. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân Ukraine đã có trách nhiệm hơn nhiều”- ông Poroshenko tuyên bố.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Thỏa thuận Minsk ở đâu?

Trong bối cảnh tình hình Ukraine đang có nhiều diễn biến phức tạp dịp 2 năm sự kiện Maidan, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Eyraud đã bất ngờ đến Kiev.

Thủ tướng Ukraine Yatsenuk vội vã khẳng định rằng chuyến thăm này là “tín hiệu rõ ràng và đầy sức nặng cho thấy Ukraine đã có vị trí trong lòng châu Âu”.

Trên thực tế, sau khi đến Kiev, Ngoại trưởng Đức và Pháp đã bày tỏ sự không hài lòng vì Kiev đã không thực hiện bổn phận của mình đối với Thỏa thuận Minsk.

“Ukraine cần phải thực hiện các cuộc cải cách về thể chế, thực hiện chương trình phi tập trung hóa quyền lực, nhất là liên quan đến tình hình Donbass” - Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh.

Vấn đề là ở chỗ Kiev trên thực tế không tiến hành các cuộc cải cách này vì từ chối thực hiện các điều khoản chính trị trong Thỏa thuận Minsk (yêu cầu chính quyền Kiev tiến hành đối thoại với giới lãnh đạo 2 khu vực tự trị Lugansk và Donetsk).

Thậm chí nếu như chính quyền Poroshenko chịu lắng nghe những tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier rằng “Thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất để Ukraine có thể khôi phục chủ quyền lãnh thổ và sống trong hòa bình” thì chưa chắc Quốc hội Ukraine, với các phần tử quá khích, sẽ chấp nhận phương án này.

Không có sự ổn định

Tại Kiev, Ngoại trưởng Đức và Pháp cũng đã lên tiếng yêu cầu Quốc hội nước này ngừng thực hiện các vụ scandal mà chú tâm vào các hoạt động thực tế theo chức trách của mình.

“Tôi hy vọng rằng Quốc hội Ukraine sẽ thông qua các quyết định phù hợp, đảm bảo cho sự ổn định của Ukraine trong tương lai và trở thành tiền đề để Ukraine tiến bước trên con đường cải cách”- Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh.

Tuyên bố trên của ông Frank-Walter Steinmeier được cho là mang rất nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Ukraine đang đứng trước bờ vực tan rã sau khi nỗ lực phế truất chức vụ Thủ tướng đối với ông Yatsenuk không thành.

Sự kiện này khiến một số đảng phái Ukraine tuyên bố rút lui khỏi liên minh cầm quyền với “Khối Poroshenko” vì cho rằng giới tài phiệt Ukraine đang thao túng toàn bộ chính trường Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bị đại biểu khối Poroshenko lôi ra khỏ bục khi đang đọc báo cáo trước quốc hội.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bị đại biểu khối Poroshenko lôi ra khỏ bục khi đang đọc báo cáo trước quốc hội.

Nhận định này của các đảng phái chính trị nhỏ Ukraine càng có sơ sở hơn khi chính giới chức Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Ukraine phải nhanh chóng đặt “dấu chấm hết” cho sự lũng loạn của giới tài phiệt.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, sự “nắn gân” Kiev này của Mỹ và châu Âu chưa chắc đã làm thay đổi được hành vi của lãnh đạo Ukraine.

Thực tế cho thấy những “sắc lệnh” từ Brussels chỉ xếp hàng thứ yếu so với những “chỉ lệnh” của giới tài phiệt và cuộc chiến tranh giành những “mẩu bánh từ miếng bánh còn sót lại”.

Liệu châu Âu có sẵn sàng thừa nhận rằng đang không kiểm soát được Ukraine? Sự kiện Ukraine đề nghị EU cấp quy chễ miễn thị thực có thể là câu trả lời cho vấn đề này.

Tổng thống Poroshenko đã đề nghị EU nhanh chóng cấp cho Ukraine quy chế này để chứng minh rằng EU vẫn đang có những ủng hộ về chính trị với Ukraine và rằng chính sách liên kết với châu Âu của Ukraine đã đem lại kết quả.

Nếu EU chấp nhận đề xuất của ông Poroshenko thì đồng nghĩa rằng EU đã sẵn sàng hưởng “quả ngọt” trong tiến trình giải quyết tình hình Ukraine mà không cần để ý đến các hành động của Poroshenko và Quốc hội Ukraine.

Khi đó, chính quyền Kiev sẽ mất đi “những nỗi sợ hãi cuối cùng” trước các nhà tài trợ châu Âu và trở nên không thể kiểm soát được.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại