Tiết lộ cơ cấu tổ chức nắm giữ "vũ khí thần diệu" của Triều Tiên

My Lan |

"Triều Tiên đang theo đuổi khả năng chiến tranh mạng như là hình thức chiến tranh bất đối xứng, giảm sức mạnh quân sự riêng biệt của Mỹ-Hàn Quốc", chuyên gia Singapore nhận định.

2 năm, quân số tăng gấp đôi?

Theo Korea Herald, Tổng Cục do thám Triều Tiên (GBR) được thành lập năm 2009, sau khi cơ quan do thám của Bộ Quốc phòng sáp nhập với Phòng 35 và cơ quan phụ trách hành động của đảng Lao Động cầm quyền nước này.

Cùng với GBR, Bộ Tổng tham mưu là 2 cơ quan phụ trách tất cả các đơn vị chiến tranh mạng của Triều Tiên. Trong số đó, Đơn vị 121, hay còn gọi là Cục 121, được cho là nơi quy tụ các thành phần ưu tú nhất.

Trong báo cáo của mình, Hewlett Packard, Tập đoàn công nghệ đa quốc gia nổi tiếng của Mỹ nhận định, đơn vị 121 được đánh giá đơn vị tấn công mạng lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga.

Dựa vào thông tin từ Sách Trắng năm 2012 của Hệ sau đại học về An ninh Thông tin, thuộc Đại học Hàn Quốc, Korea Herald đã tổng kết sơ đồ cơ cấu toàn bộ bộ máy chiến tranh mạng của Triều Tiên.

Hồi tháng 7 vừa qua, Korea Herald dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho hay, số lượng các chiến binh mạng của Triều Tiên đã tăng gần như gấp đôi trong vòng 2 năm qua, ước tính có khoảng 6.000 chiến binh mạng.

Khoảng 1.200 binh sĩ trong đó, bao gồm những nhân sự được bố trí ở nước ngoài được cho là các hacker chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, con số này gần như không đồng nhất. Chưa một nguồn tin nào có thể cung cấp thông tin tin cậy về việc, hiện đội ngũ chiến binh mạng của Triều Tiên - được cho là rất tinh nhuệ, gồm có bao nhiêu người.

Ưu tiên chiến lược quan trọng

Năm 2013, chính nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố rằng, ngoài vũ khí hạt nhân, thì khả năng tấn công mạng là "vũ khí thần diệu" giúp quân đội nước này nhằm vào Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Triều Tiên không chỉ mới tập trung vào khả năng tấn công mạng dưới thời Kim Jong Un, mà cha ông này, cố lãnh đạo Kim Jong Il cũng đã nhận thức được sự quan trọng của cuộc chiến tranh hiện đại đó.

Trả lời phỏng vấn tờ Aljazeera năm 2011, Jang Se Yul, một hacker từng làm việc cho Triều Tiên, nói: "Có nhiều binh sĩ Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài, họ xâm nhập vào các hệ thống mạng nước ngoài nhằm thu thập thông tin tình báo về kinh tế.

Tuy nhiên, nhiệm vụ thực sự của họ là phát triển các chương trình tấn công nhằm vào các vùng lãnh thổ họ được chỉ định làm việc. Ví dụ, những người được cử tới châu Âu được giao tấn công các quốc gia NATO".

Thông tin mới nhất mà tôi được nghe là có khoảng 600 hacker, được chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 300 người, hoạt động ở nước ngoài. Họ luân chuyển 1 - 2 lần mỗi năm và những người quay trở về Triều Tiên tiếp tục trở thành nhà nghiên cứu".

Jang cũng tiết lộ, các cuộc tấn công mạng không bao giờ diễn ra ở Triều Tiên bởi nó có thể dễ dàng bị truy ngược nguồn tới một vài trung tâm máy tính và trường đại học có kết nối mạng.

Triều Tiên liên tục tập trung phát triển khả năng tấn công mạng. 

Triều Tiên liên tục tập trung phát triển khả năng tấn công mạng. 

Giáo sư Lee Dong Hoo tại Hệ sau đại học về An ninh thông tin, Đại học Hàn Quốc, nhận định: "Bằng việc tiến hành tấn công mạng, Bình Nhưỡng có thể đạt được nhiều thành quả quan trọng với mức chi phí thấp".

Trong khi đó, Michael Raska, chuyên gia an ninh tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đánh giá: "Triều Tiên đang theo đuổi khả năng chiến tranh mạng như một hình thức chiến tranh bất đối xứng nhằm làm giảm sức mạnh quân sự riêng biệt của Mỹ - Hàn Quốc".

"Triều Tiên có thể thích nghi. Họ liên tục nghiên cứu cách các lực lượng Mỹ - Hàn chiến đấu, phát triển năng lực và tận dụng điểm mạnh của mình đối phó với điểm yếu của Hàn Quốc."

"Vì vậy, nâng cao khả năng chiến tranh mạng sẽ là ưu tiên chiến lược ngày càng quan trọng đối với họ".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại