"Thắng lợi của Putin ở Syria khiến Nga gặp kẻ thù mới mạnh hơn"

Ngọc Minh |

Chiến lược của Nga ở Syria đang dần thành công, song nó cũng khiến nước này phải đối mặt với nguy cơ gặp phải kẻ thù mạnh hơn ngay tại đây, theo học giả người Anh.

Thành công đang đến ở đoạn cuối cuộc chiến

Nhà bình luận chính trị người Anh Owen Matthews đánh giá, các cuộc không kích của Nga và đồng minh vào thành phố Aleppo mới đây đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Putin hiện đang là người quyết định đoạn kết của cuộc chiến ở Syria.

Mỹ, Anh và thế giới có thể không hài lòng với tham vọng của Putin ở Trung Đông hay cách thức ông đạt được điều đó.

Nhưng ý tưởng giải quyết vấn đề bằng cách hậu thuẫn cho "phe đối lập ôn hòa" ở Syria của phương Tây rõ ràng chỉ là ảo tưởng - điều đó đã "nhường lại sân" cho Putin và Assad.

Cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ đều tìm cách can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria, song chỉ có Nga thành công.

Hơn 4.000 cuộc không kích mà Mỹ tiến hành nhằm hỗ trợ cho phe đối lập ôn hòa ở Syria và làm suy yếu IS đều không gây được nhiều ảnh hưởng về mặt chiến lược, còn chiến dịch của Nga thì rất dứt khoát.

Hành động của Nga đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Assad, làm hồi sinh các lực lượng vốn đã rất rệu rã của quân đội Syria.

Bên cạnh đó, Putin vẫn tìm cách hòa giải các phe phái trong cuộc chiến ở Syria.

Trong khi Lầu Năm Góc đã tiêu tốn hàng triệu USD để huấn luyện đội quân ôn hòa mà trên thực tế là không tồn tại, thì tình báo quân sự Nga lại chọn cách làm việc với các đối tác Syria nhằm xác định các nhóm nổi dậy sẵn sàng bắt tay với Assad.

Theo một nguồn tin ngoại giao đáng tin cậy ở Nga, Kremlin đã lên danh sách 38 nhân vật đối lập có khả năng thành đồng minh và tích cực lôi kéo họ từ tháng 10 năm ngoái.

Cuối năm qua, một số thủ lĩnh nổi dậy đã tới Moscow bàn về các điều khoản hợp tác - và đã có thành công.

Cho tới nay, lệnh ngừng bắn một phần ở Syria - đạt được hồi tuần trước ở Munich – cũng chỉ nhằm củng cố khái niệm quyền lực của Putin, ông Matthews đánh giá.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, tất cả các tay súng phải ngừng bắn, trong khi viện trợ nhân đạo được chuyển vào những khu vực do nổi dậy kiểm soát, hiện đang bị quân chính phủ bao vây.

Tuy nhiên, nó không tác động nhiều tới Nga và Syria, bởi Moscow vẫn khẳng định, các máy bay chiến đấu của lực lượng này tiếp tục ném bom bởi mục tiêu của họ là khủng bố.

Cây viết người Anh
Owen Matthews
Kế hoạch của Moscow - về cơ bản là khôi phục quyền lực của đồng minh Bashar al-Assad - đang nhanh chóng trở thành sự thực mà cả thế giới sẽ buộc phải chấp nhận.

Chuẩn tướng Manaf Tlass, một đồng minh thân thiết của Assad đã vạch ra một "dự án quốc gia" gồm 11 điểm, khái quát lệnh ngừng bắn nói chung, và sau đó là một cuộc tấn công do chính phủ và nổi dậy hợp sức chống lại IS.

Theo cây viết người Anh, bản kế hoạch này được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ủng hộ và là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn Nga đã từng áp dụng thành công ở Chechnya đầu những năm 2000.

"Bước đi mạo hiểm nhất"

Những người bạn tốt mà Nga mới có được ở Syria là người Kurd.

Hồi đầu tháng qua, Chính quyền Dân chủ Tự quản Rojava đã đơn phương tuyên bố lập chính phủ mới trong khu vực cho người Kurd kiểm soát ở bắc Syria, chọn Moscow là nơi mở văn phòng đại diện đầu tiên của mình ở nước ngoài.

200 cố vấn quân sự Nga cũng đã được triển khai tới thị trấn Qamishli do người Kurd kiểm soát gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo an ninh cho một sân bay quân sự mà Nga đang sử dụng.

Nhờ vậy, Nga đã có một thành trì để từ đó tấn công IS ở phía đông bắc Syria và bảo vệ người Kurd khỏi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nó không chỉ làm xáo trộn chính sách của Mỹ ở Syria - bởi trong mắt Mỹ, người Kurd luôn là các đồng minh thân cận trong suốt nhiều năm, mà còn đặt Moscow vào thế đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cây viết người Anh
Owen Matthews
Sự hợp tác rộng lớn hơn giữa Nga và người Kurd có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với Assad, nhưng cũng có nguy cơ khiến xung đột ở Syria trở thành cuộc chiến trên diện rộng hơn.

Hồi tuần trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng lớn thứ hai trong khối NATO, đã khai hỏa nhằm vào các vị trí của YPG theo lệnh của Erdogan, với lý do là tự vệ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc tới việc có thể thiết lập một vùng đệm ở Syria cho quân đội của mình nếu cần.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chuyển vũ khí cho các nhóm nổi dậy bên trong lãnh thổ Syria thông qua các cửa khẩu ở khu vực biên giới Bab al-Salam. Người Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ rồi sẽ còn đi xa hơn nữa.

Tình hình cũng thêm phức tạp khi Ả Rập Xê-út đưa máy bay chiến đấu sang Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần qua nhằm tiến hành không kích ở Syria.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập đều thống nhất rằng, lực lượng đặc nhiệm Ả Rập sẽ tham gia các chiến dịch trong tương lai nhằm giải phóng Raqqa khỏi tay IS.

"Một cuộc can thiệp toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn không thể tránh khỏi", ông Fyodor Lukyanov - chủ tịch Ủy ban Chính sách Quốc phòng và Đối Ngoại Nga phát biểu với hãng tin Bloomberg.

"Nó sẽ dẫn tới một cuộc xung đột hoàn toàn khác - lực lượng chiến đấu của đối thủ sẽ lớn hơn rất nhiều và nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều khả năng một cuộc đụng độ khác - bắt đầu bằng một cuộc không kích nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria - sẽ leo thang nhanh chóng.

Trong trường hợp đó, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ viện tới Điều 5 trong Hiệp ước thành lập NATO - "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một thành viên sẽ được coi là nhằm vào tất cả liên minh".

Rồi kết quả đáng sợ sẽ là cuộc chiến giữa NATO và Nga, theo ông Matthews.

Nhà bình luận người Anh cho rằng, một phần trong kế hoạch của Putin ở Syria là nhằm đánh lạc hướng quốc tế khỏi chiến dịch can thiệp còn dang dở ở miền đông Ukraine - vốn đã khiến Nga phải trả giá không ít.

Ngoài ra, Putin cũng tham vọng khôi phục vị thế siêu cường thế giới của Nga, đồng thời chứng minh cho các đồng minh tiềm năng ở Trung Đông và cả thế giới biết rằng, Nga luôn sát cánh bên bạn bè.

Soi chiếu vào những tham vọng trên, “nếu nước cờ mới nhất của Nga mang lại hòa bình cho Syria, thậm chí là sự yên ổn cho Assad, thì nó đã được coi là thành công. Nhưng nó cũng là bước đi mạo hiểm nhất của Putin, và còn tiếp tục mạo hiểm hơn nữa.

Trong cuộc chiến ở Syria, ông phải đối mặt với một nhà lãnh đạo nóng nảy và vô tình - Erdogan, cùng một Ả Rập Xê - Út ngày càng hiếu chiến.

Triển vọng hòa bình ở Syria giờ đây đang phụ thuộc vào sự khôn ngoan, kiềm chế, thiện chí của Putin và Erdogan, song đó là viễn cảnh khiến cho người ta phải lo ngại”, ông Matthews kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại