Síp - ’Lỗ thủng' trên bức tường chắn Nga của EU

Phạm Khánh |

Theo Huffington Post, gần đây Síp đã kí thỏa thuận cho phép tàu hải quân Nga tiếp cận cảng của quốc đảo này. Đó chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Síp sẽ là “chìa khóa” để Moscow “tấn công" EU.

Ngay sau khi kí kết thỏa thuận, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades biện minh rằng đó đơn thuần chỉ là đổi mới mang tính biểu tượng của một thỏa thuận từ năm 1996 giữa hai nước.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích phương Tây, thỏa thuận trên là một phần trong chiến lược của Nga nhằm tăng cường sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu, mở rộng ảnh hưởng chính trị của Moscow trong khu vực cũng như củng cố vị trí của Nga tại khu vực Balkan và Trung Đông. Và Síp là một đối tượng lý tưởng để Moscow thực hiện kế hoạch đó.

Ảnh hưởng từ Nga đối với Síp từ lâu được đánh giá là mạnh hơn so với ảnh hưởng từ phần còn lại của châu Âu với nước này vì nhiều lý do.

Thứ nhất, Síp được coi là một ‘bến đậu’ về ngân hàng nước ngoài cho hàng ngàn nhà đầu tư Nga trong nhiều thập kỷ qua. Cho tới nay, The Moscow Times ước tính, các doanh nghiệp Nga chiếm khoảng 10% nền kinh tế Síp.

Ngoài ra, Nga và Síp có điểm chung về tôn giáo khi Giáo hội Chính thống đóng vai trò lớn trong cả hai xã hội. Không nên đánh giá thấp mối liên hệ đó bởi yếu tố tôn giáo thường có ảnh hưởng đến các chính sách đối nội và đối ngoại của điện Kremlin.

Tuy nhiên, lập luận quan trọng nhất cho thấy tầm quan trọng của Síp dưới con mắt của người Nga là vị trí địa lý của nước này.

Nằm ở vị trí ngã ba chiến lược giao giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, cách phía nam Thổ Nhĩ Kì và phía tây Syria khoảng vài trăm dặm, quốc đảo nhỏ bé được xem là một tuyến đường liên kết tuyệt vời giữa Kitô giáo châu Âu và Hồi giáo Trung Đông.

Ông Putin kêu gọi nước Nga dùng các biện pháp trừng phạt từ EU làm động lực phát triển kinh tế.

Hơn nữa, Síp là nước thành viên EU thân cận nhất với Trung Đông, một "chìa khóa" giúp Nga tiếp cận Trung Đông.

Trong khi cuộc nội chiến chưa có hồi kết tiếp tục tàn phá Syria, Nga có thể thấy Síp là một sự thay thế hoàn hảo cho cảng Tartus của Syria, căn cứ quân sự duy nhất của điện Kremlin bên ngoài khu vực Liên xô cũ.

Do vậy, thỏa thuận mới cho phép Nga tiếp cận các cảng của Sip sẽ giúp Moscow tiếp tục có ảnh hưởng tại Trung Đông.

Và tất nhiên, châu Âu cũng là khu vực mà Nga muốn tăng cường ảnh hưởng từ lâu. Síp và Hy Lạp là những ví dụ hoàn hảo cho thấy các quốc gia đang ngập trong nợ nần gần đây đã thể hiện thái độ ủng hộ Nga bằng cách lên án các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.

EU đang bị chia rẽ vì các biện pháp trừng phạt Nga.

Một lần nữa, Nga lại đang gặp “thiên thời” khi Hy Lạp và Síp đang tìm cách thoát khỏi các khối nợ và coi Nga như một đồng minh mạnh mẽ trong khi họ ngày càng thấy vọng về EU.

Một cuộc thăm dò dư luận của Ủy ban châu Âu được công bố hồi cuối năm 2014 cho thấy, tại Síp, có 38% số người được hỏi có ấn tượng tiêu cực về EU, 79% không tin EU sẽ lắng nghe tiếng nói của họ.

Ngược lại, người Síp thấy ở Nga là một đồng minh kinh tế và một người bạn địa chính trị tiềm năng mà họ có thể tin tưởng để thoát ra khỏi bất ổn tài chính và khủng hoảng kinh tế.

Hơn nữa, quốc đảo này còn coi Nga là một ‘vệ sĩ’ ngoại giao quan trọng chống lại các hành động hung hăng có thể từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nga là nước duy nhất ngoài Pháp đang cung cấp vũ khí cho Síp để đối mặt với mối đe dọa này.

Bằng cách tăng cường mối quan hệ với Sip, Nga đang muốn gửi cho EU thông điệp rằng Moscow không chỉ đang củng cố vị trí quân sự và địa chiến lược ở châu Âu mà còn có thể gây ảnh hưởng tới các quyết định của EU.

Thỏa thuận giữa Síp và Nga là một phần của chiến lược nhằm đưa Moscow vượt qua các biện pháp trừng phạt, ổn định và tăng mở rộng các mối quan hệ trong EU, Đông Địa Trung Hải và Trung Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại