Quyết định tấn công Iraq của Mỹ có thể mang lại lợi ích cho TQ

Trung Quốc tỏ ra khá bình thản trước việc Tổng thống Obama cho phép tấn công Iraq, bởi nếu ông Obama thắng lợi thì Trung Quốc sẽ có lợi nhất định, nhất là trong khai thác dầu khí.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố vào tối thứ năm (7/8) rằng ông cho phép các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu tại Iraq. Quyết định này đã gây ra những tranh luận trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Bắc Kinh có lợi ích lớn ở Iraq, và có khả năng được hưởng lợi nếu các cuộc không kích ngăn chặn sự phát triển của tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Mặt khác, Trung Quốc lại thường không chấp nhận sự can thiệp của Mỹ vào nước khác, đặc biệt là khi liên quan đến việc sử dụng vũ lực quân sự.

Phản ứng chính thức đến nay của Trung Quốc là trung lập. Theo tờ China Daily, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh “có một thái độ cởi mở đối với bất kỳ hành động nào tạo điều kiện bảo đảm an ninh và ổn định ở Iraq, với điều kiện tiên quyết là tôn trọng chủ quyền của Iraq.” Nói cách khác, Trung Quốc bảo lưu việc quyết định có ủng hộ hay không cho đến khi có bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy các cuộc tấn công sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, bảo tồn chủ quyền Iraq và cải thiện tình hình an ninh nói chung.

Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước cực kỳ nghi ngờ rằng cuộc không kích của Mỹ có thể đạt được những mục tiêu đó. Tờ Tân Hoa Xã cảnh báo rằng IS có thể sẽ bị kích thích bởi sự tham gia của quân đội Mỹ, làm gia tăng bạo lực. Hãng thông tấn này dự đoán ông Obama sẽ bị buộc phải lựa chọn giữa việc phá vỡ lời hứa không gửi lực lượng trên bộ của Mỹ đến Iraq  hoặc đứng nhìn IS tiếp tục gây mất ổn định.

Phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng chỉ ra rằng các cuộc tấn công quân sự không thể giải quyết vấn đề gốc rễ của cuộc khủng hoảng Iraq. Chỉ có một giải pháp chính trị, mà trong đó có được sự thống nhất giữa chính phủ Iraq và người Sunni Iraq mới có thể chấm dứt bạo lực. Ít nhất cả phương tiện truyền thông Trung Quốc và Tổng thống Obama là đồng ý. Trong bài phát biểu của ông Obama về tình hình Iraq, ông thừa nhận “giải pháp quân sự là biện pháp cuối cùng trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn ở Iraq. Giải pháp bền vững là tiến hành hòa giải giữa các cộng đồng Iraq và lực lượng an ninh Iraq”.

Ngoài việc đặt nghi vấn về hiệu quả của các cuộc không kích, Tân Hoa Xã còn tỏ ra hoài nghi về động cơ của ông Obama cho phép các cuộc tấn công. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nhân viên của Mỹ tại Iraq, đặc biệt là ở thủ đô người Kurd tại Erbil.

Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh nhiều hơn về sự cần thiết phải can thiệp từ Mỹ để ngăn chặn IS thực hiện tội ác diệt chủng chống lại cộng đồng tôn giáo thiểu số, chẳng hạn như các Kitô hữu và Yezidis. Song Tân Hoa Xã lại bác bỏ mối quan tâm nhân đạo này như là một lý do tiến hành tấn công. Cơ quan này cho rằng IS đang đe dọa trực tiếp đến lợi ích của nền kinh tế Mỹ và Tổng thống đang chịu áp lực lớn từ các đối thủ chính trị.

Nhưng Tân Hoa Xã cũng tỏ ra mâu thuẫn khi vừa chỉ trích các vụ tấn công, lại vừa cho rằng phản ứng của ông Obama là “yếu ớt”, với lưu ý số lần dùng từ “hạn chế” trong việc mô tả các cuộc không kích. Kỳ lạ thay, phân tích của hãng dường như cho thấy ông Obama nên can thiệp sớm hơn, chứ không phải là không can thiệp. Việc trì hoãn quá lâu một hành động, Mỹ đã quyết định “hỗn loạn có hạn chế” ở Iraq phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Washington.

Sự mâu thuẫn này phản ánh lợi ích hỗn hợp của Trung Quốc tại Iraq. Về nguyên tắc, Trung Quốc chống lại sự can thiệp quân sự trong tranh chấp dân sự của các nước khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có lợi ích riêng của mình khi nhìn thấy cuộc khủng hoảng Iraq có thể được giải quyết nhanh chóng. Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu được dấy lên, Trung Quốc đang có khoảng 10.000 lao động tại đây, chủ yếu tập trung ở phía Nam và phía Bắc khu vực người Kurd kiểm soát.

Dù đã cho di tản không ít, nhưng vẫn còn một lực lượng đông đảo lao động nằm trong vùng nguy hiểm. Nói chung, Trung Quốc có một nhu cầu cấp bách ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan cũng đang hiển hiện trên lãnh thổ nước này. Một chiến thắng IS sẽ là thảm hoạ đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cho đến nay, đóng góp của Trung Quốc đối với việc thúc đẩy sự ổn định ở Iraq vẫn chỉ thuộc dạng cầm chừng. Bắc Kinh biết điều này sẽ không đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang lan rộng, và sự can thiệp quân sự từ Mỹ ít nhất cũng có thể mang lại “hòa bình” trong ngắn hạn. Và có lẽ quan trọng hơn, chính Baghdad đã yêu cầu Mỹ can thiệp quân sự - một sự khác biệt so với các cuộc tấn công trước đó, khi phương Tây và Chính phủ “nước chủ nhà” xung đột lợi ích.

Bên cạnh đó, ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ ở nước thứ ba đi ngược lại với nguyên tắc tự nhiên của Bắc Kinh. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tiếp tục xấu đi, Trung Quốc sẵn sàng chờ đợi và xem chiều hướng phát triển của cục diện chính trị.

Xét trên một khía cạnh nào đó, quyết định của ông Obama sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc: nếu các cuộc không kích thành công, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ một môi trường an ninh được cải thiện, bao gồm phục hồi sự ổn định cho công nhân Trung Quốc và ngành khai thác dầu. Và nếu quyết định của Tổng thống Obama thất bại, Iraq rơi sâu hơn vào hỗn loạn, Bắc Kinh cũng có thể đứng ở tư thế “Tôi đã cảnh báo trước rồi mà”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại