Quyền lực Chu Dung Cơ tái hiện trong hành động lớn của ông Tập

Hải Võ |

Bắc Kinh đang tiến hành cuộc "đại cải cách" doanh nghiệp nhà nước với kỳ vọng thu được những thành quả "thần kỳ" như những gì cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ làm được vào thập niên 1990.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Quốc vụ viện nước này tối 24/9 đã chính thức công bố "Ý kiến về cơ chế sở hữu hỗn hợp doanh nghiệp nhà nước".

Đây là phương án thực hiện quy hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước được Trung Quốc thông báo trước đó vào hôm 13/9.

Lần cải cách này cũng được xem là hành động đáng kể nhất nhằm vào hệ thống doanh nghiệp quốc hữu sau cuộc cải cách mà cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ khởi động vào năm 1994.

Trang Đa Chiều (Mỹ) tiết lộ, tại hội nghị không chính thức ở Bắc Đới Hà hồi đầu tháng 8 vừa qua, giới lãnh đạo Trung Nam Hải đã nhờ sự "tư vấn" của chính "tiền bối" Chu Dung Cơ về vấn đề này.

Cái tên "Chu Dung Cơ" trở lại

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) bình luận, nói cách khác, Trung Nam Hải đang "trao gửi niềm tin" về chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước quy mô 16.000 tỷ USD của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tay ông Chu.

Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, 86 tuổi, được truyền thông Trung Quốc tôn vinh là người đã đem lại sự chuyển minh cho toàn bộ nền kinh tế nước này gần 2 thập niên trước.

Số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy, trong thời kỳ nắm quyền, ông Chu đã đóng cửa khoảng 60.000 doanh nghiệp nhà nước và cắt giảm biên chế của 40.000.000 nhân công.

Đa Chiều bình luận, hành động mạnh tay và táo bạo của Chu Dung Cơ cho đến nay vẫn là điều chưa chắc các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm "chịu" nổi.


Ông Chu Dung Cơ (giữa) tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Bắc Kinh hôm 3/9. Ảnh: Xinhua

Ông Chu Dung Cơ (giữa) tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Bắc Kinh hôm 3/9. Ảnh: Xinhua

Ông Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics và là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc lâu năm đánh giá: "Mục tiêu của chính phủ Trung Quốc thập niên 1990 dưới sự lãnh đạo của Chu Dung Cơ rất rõ ràng.

Ông Chu yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải tinh giản biên chế với quy mô lớn, chỉ giữ lại những bộ phận thực sự có ý nghĩa chiến lược, mạnh tay 'chặt bỏ' những phần thừa thãi."

"Tuy nhiên hiện nay, tư tưởng 'quốc gia phải có sự từ bỏ' không còn hiện hữu rõ nét nữa" - ông Kroeber bổ sung.

Theo Đa Chiều, mặc dù nội dung trao đổi giữa các nhà lãnh đạo cũ-mới tại Bắc Đới Hà không bao giờ được công khai, nhưng việc các nhà cầm quyền đương nhiệm nhờ sự cố vấn từ Chu Dung Cơ về cải cách doanh nghiệp là có khả năng.

Điều này cũng cho thấy cựu Thủ tướng này vẫn duy trì tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Đa Chiều cho biết, nhiều cấp dưới cũ của ông Chu hiện nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong hệ thống kinh tế-tài chính của nước này.

Giám đốc ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên đã giữ chức Phó giám đốc ngân hàng này giai đoạn 1996-1998. Bộ trưởng tài chính đương nhiệm của Trung Quốc Lầu Kế Vĩ cũng là Thứ trưởng Bộ này trong giai đoạn 1998-2007.


Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lầu Kế Vĩ (phải) và Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên (giữa) đều giữ những chức vụ quan trọng từ thời cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lầu Kế Vĩ (phải) và Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên (giữa) đều giữ những chức vụ quan trọng từ thời cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ.

Bắc Kinh kỳ vọng một cuộc chuyển mình tiếp theo

Chính phủ Trung Quốc thông báo, kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước mới cho phép một bộ phận doanh nghiệp quốc hữu lên sàn chứng khoán, đồng thời tiến hành cải tổ, cải cách "doanh nghiệp xác chết" (không có khả năng phục hồi) và phát triển mô hình "hỗn hợp".

Đứng trước hiện trạng kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm qua, chính phủ Trung Quốc kỳ vọng thông qua cải cách tinh giản biên chế, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước để loại bỏ "sức cản" đối với nền kinh tế nước này.

Theo số liệu của Bloomberg, giá trị tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tháng 8/2015 lần đầu tiên có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ năm 2008.

Doanh nghiệp nhà nước phân bố rộng trong đủ các ngành nghề của Trung Quốc, từ điện tới du lịch, từ chế tạo tàu vũ trụ tới giao dịch tơ lụa...

Năm 2013, giá trị của nhóm doanh nghiệp này chiếm 40% tổng giá trị công nghiệp Trung Quốc và số nhân công lao động chiếm 18% tổng số lao động ở thành thị trên toàn quốc. Năm 1998, hai giá trị này lần lượt là 69% và 51%.

Một báo cáo của các nhà kinh tế học thuộc ngân hàng ANZ đánh giá, chiến lược tổng thể của "vòng" cải cách doanh nghiệp nhà nước mới nhất mà Bắc Kinh thực hiện là đưa chính phủ từ người kinh doanh trở thành nhà đầu tư, tạo nên "bước đột biến" của cả nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại