Quyền lực "cánh tay phải Kim Jong Un" vừa qua đời lớn đến đâu?

Hải Võ |

Ủy viên Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang Gon, "cánh tay phải" của ông Kim Jong Un, được đánh giá là một quan chức có quyền lực rất vững chắc, không bị biến động.

Quyền lực không lay chuyển

Ủy viên Bộ chính trị trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang Gon đã thiệt mạng lúc 6h15 sáng 29/12 trong một vụ tai nạn xe hơi, theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA.

Việc Bình Nhưỡng ngay lập tức thông báo tổ chức quốc tang cho ông Kim vào ngày 31/12 đã khiến truyền thông quốc tế phải chú ý đến vị thế của ông trong giới lãnh đạo Triều Tiên.

Lần gần nhất nước này tổ chức quốc tang là dành cho Nguyên soái Ri Ul Sol ngày 11/11 vừa qua, trong khi trước đó là quốc tang của nhà lãnh đạo Kim Jong Il vào cuối tháng 12/2011.

Hệ thống nhân sự của CHDCND Triều Tiên đã có nhiều biến động kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền.

Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc chỉ ra rằng, Kim Yang Gon là nhân vật duy nhất chưa từng bị dính líu hay gặp bất kỳ rắc rối nào với các vấn đề nhân sự từ Bình Nhưỡng.


Kim Yang Gon (trái) là người phụ trách toàn bộ các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc của CHDCND Triều Tiên kể từ 2007. Ảnh: Huanqiu

Kim Yang Gon (trái) là người phụ trách toàn bộ các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc của CHDCND Triều Tiên kể từ 2007. Ảnh: Huanqiu

Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) hôm 15/7 đưa tin, rất nhiều người đánh giá Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong Hae hay Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên đương nhiệm Hwang Pyong So là những nhân vật xoay quanh vị trí "quyền lực số 2" của ông Kim Jong Un.

Trong khi đó, những quan chức từng là cốt cán của Bình Nhưỡng như chú rể của Kim Jong Un là ông Jang Song Thaek hoặc cựu Bộ trưởng quốc phòng Hyon Yong Chol đều không thoát khỏi bị thanh trừng.

JoongAng cho hay, một quan chức cao cấp cấp cao (giấu tên) thuộc Cơ quan tình báo chính phủ Hàn Quốc (NIS) tiết lộ "cần phải chú ý đến Kim Yang Gon".

Ông Kim, giữ chức Bí thư kiêm Bộ trưởng Bộ chiến tuyến thống nhất (Mặt trận thống nhất) của Triều Tiên kể từ tháng 3/2007 cho đến khi qua đời. Ông được gọi là "tổng phụ trách các vấn đề về Hàn Quốc".

Theo quan chức trên, "Ủy viên thứ nhất Ủy ban quốc phòng Kim Jong Un hết sức tin tưởng ông Kim Yang Gon".

Thông tin tình báo do NIS thu được còn tin rằng Kim Yang Gon là người đã ủng hộ và hỗ trợ rất lớn cho bà Ko Yong Hui, mẹ ruột ông Kim Jong Un, trong nỗ lực đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên đến vị trí hiện tại. Kim Jong Un cũng được cho là xưng hô với vợ ông Kim Yang Gon bằng cách gọi thân mật là "dì".

Hồi cuối tháng 6, truyền thông Hàn Quốc đưa tin về cuộc thị sát sân bay quốc tế Bình Nhưỡng của Kim Jong Un có Kim Yang Gon tháp tùng và đánh giá ông này "có tác phong, dáng đứng thoải mái, không căng thẳng như các quan chức cấp cao khác".

Việc quan chức cấp cao phụ trách vấn đề thống nhất 2 miền bán đảo tháp tùng cuộc thị sát sân bay cũng được báo chí Hàn Quốc cho là "không hợp lý" và phân tích rằng Kim Yang Gon "không chỉ phụ trách vấn đề Hàn Quốc, mà còn là trợ lý của Kim Jong Un trong toàn bộ công tác quản lý".

Ông này cũng được cho là nằm trong nhóm 8 quan chức thân cận tham gia họp bàn cùng Kim Jong Un tại núi Paektu, Triều Tiên vào tháng 11/2013, trước khi Bình Nhưỡng xử lý ông Jang Song Thaek vào tháng 12 cùng năm.

Theo đánh giá từ phía Hàn Quốc, Kim Yang Gon là nhân vật duy nhất có sự nghiệp bằng phẳng, "không lên không xuống" suốt 4 năm từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền.

Trong giai đoạn từ 1997-2007, Kim Yang Gon giữ chức Bộ trưởng ngoại giao dưới thời ông Kim Jong Il va được đánh giá là có quyền lực vững chắc trong ngành ngoại giao Triều Tiên.


Kim Yang Gon bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Hong Yong Pyo sau thỏa thuận tại Bàn Môn Điếm ngày 25/8. Ảnh: Chinanews

Kim Yang Gon bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Hong Yong Pyo sau thỏa thuận tại Bàn Môn Điếm ngày 25/8. Ảnh: Chinanews

"Tổng phụ trách" các vấn đề về Hàn Quốc

Dù Kim Yang Gon được ông Kim Jong Il và cả Kim Jong Un tin tưởng ở vị trí lãnh đạo Bộ chiến tuyến thống nhất, thúc đẩy quá trình thống nhất 2 miền bán đảo Triều Tiên, nhưng theo JoongAng Ilbo, thành tích của ông trên cương vị này không thực sự xuất sắc.

Vào tháng 4/2013, Bình Nhưỡng gần như đã "tự nếm trái đắng" khi định gây áp lực lên chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye - khi đó vừa lên nắm quyền 1 tháng - bằng khu công nghiệp Kaesong, nơi các doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng nhân lực từ Triều Tiên.

Phía Triều Tiên "trở tay không kịp" khi Seoul bất ngờ ra quyết định rút toàn bộ công dân Hàn ra khỏi Kaesong.

Tháng 7/2015, sau khi 2 miền đạt thỏa thuận về thời gian tổ chức chuyến thăm Bình Nhưỡng của phu nhân cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, bà Lee Hee Ho, theo lời mời của chính ông Kim Jong Un, thì Triều Tiên lại đe dọa hủy hoạt động này.

Đây được cho là hành động của Ủy ban hòa bình châu Á-Thái Bình Dương mà ông Kim Yang Gon làm Tổng thư ký.

Theo Chinanews (Trung Quốc), Bộ trưởng Bộ chiến tuyến thống nhất Hàn Quốc Hong Yong Pyo cũng đã gửi điện chia buồn vào lúc 10h40 sáng nay, 30/12, tới cơ quan đồng cấp của Triều Tiên về việc ông Kim Yang Gon qua đời.

Đây là lần đầu tiên sau 8 năm chính phủ Hàn Quốc gửi điện chia buồn về việc quan chức cấp cao Triều Tiên qua đời. Lần gần nhất là sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Paek Nam Sun mất tháng 1/2007.

Được biết, Seoul có thông lệ gửi điện chia buồn sau khi các quan chức Triều Tiên phụ trách vấn đề đối ngoại với Hàn Quốc hoặc quốc tế qua đời.

Dù vậy, chính phủ Hàn Quốc cho biết không tính tới việc cử đoàn đại biểu tham dự lễ quốc tang ở Bình Nhưỡng ngày mai.

Người phát ngôn Bộ chiến tuyến thống nhất Hàn Quốc cũng cho biết, việc ông Kim qua đời ảnh hưởng ra sao đến quan hệ 2 miền bán đảo "vẫn còn phải quan sát", đồng thời hé lộ đây "có thể xem là lần đầu tiên Triều Tiên công khai nguyên nhân tử vong của quan chức cấp cao kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại