Putin đáp trả EU: Quan chức càng ít ra nước ngoài, càng tốt!

Hồng Anh |

Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc EU liệt thêm các quan chức Nga vào danh sách đen sẽ không gây bất cứ thiệt hại lớn nào với Nga.

Theo hãng tin Nga Itar-Tass, phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng hải SCO hôm 12/9, Tổng thống Nga Putin nói rằng: "Các chuyến đi ra nước ngoài của quan chức và giám đốc điều hành những công ty lớn của chúng ta càng ít, họ càng chú tâm hơn vào công việc bình thường và các đại biểu của Duma Quốc gia cũng vậy - họ nên giao tiếp với cử tri thường xuyên hơn thay vì dành thời gian đi nghỉ dưỡng đâu đó ở nước ngoài".

Ông Putin cũng cho biết, ông đồng ý với đề xuất áp đặt trừng phạt nhằm đáp trả lại những lệnh trừng phạt mới từ phương Tây, miễn là chúng vì lợi ích của các nhà sản xuất tại Nga. "Nếu chính phủ kết luận rằng một vài bước đi phù hợp với lợi ích của nền kinh tế, thì chúng ta sẽ làm như vậy... Nhưng nếu nó chỉ nhằm mục đích cho thấy chúng ta cứng rắn thế nào, nhằm giơ nanh vuốt để chống trọi với sự tổn thất, thì ta sẽ không làm".

Ông Putin nhận định, gói trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga "có điều gì kì lạ", bởi động thái này thực sự phá vỡ tiến trình hòa bình ở Ukraine.

"Tôi từng nói chuyện điện thoại với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và sau khi tôi đề xuất kế hoạch giải quyết cuộc xung đột này một cách hòa bình, góc nhìn của chúng tôi đã trùng khớp nhau nhiều hơn". Ông Putin cho hay, kế hoạch của ông đã được sử dụng như một cơ sở cho thỏa thuận hòa bình được thông qua trong cuộc họp ở Minsk, Belarus, hồi đầu tháng 9.

Tổng thống Nga bày tỏ sự hài lòng khi cho rằng, tiến trình hòa bình đã bắt đầu được thực hiện khi các chiến dịch chiến đấu cũng như những cuộc tấn công của lực lượng ly khai đông Ukraine đã ngừng lại. Thêm vào đó, quân đội Ukraine "đã có những bước đi tương ứng theo các thỏa thuận: họ đã rút pháo binh và các hệ thống tên lửa phóng loạt ra khỏi khu vực đông dân cư".

Ông Putin cũng tin tưởng rằng "quá trình này sẽ đưa lại triển vọng mở đầu cho một giải pháp chính trị, ít nhất là tạm thời".

Cũng trong cuộc trả lời báo chí, ông Putin cáo buộc phương Tây "đầu tiên là khiến sự việc (ở Ukraine) trở thành một cuộc đảo chính chống hiến pháp và sau đó là ủng hộ các hoạt động mang tính trừng phạt ở đông nam. Rồi giờ đây, khi tình hình đã chuyển sang được dàn xếp bằng hòa bình, thì ai đó lại tiến hành các động thái nhằm phá vỡ tiến trình hòa bình".

Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức và công ty của Nga, bao gồm cấm thị thực, đóng băng tài sản và hạn chế hoạt động của một số lĩnh vực. Lệnh trừng phạt từ phương Tây sau đó tiếp tục được áp đặt lên Nga cùng với những cáo buộc Moscow có liên quan tới các cuộc biểu tình và xung đột ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ những cáo buộc này.

Để đáp trả, hồi tháng 8, Nga cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lớn, thịt gia cầm, cá, pho mát, trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa từ Úc, Canada, Mỹ, Na Uy và EU. Lệnh cấm của Nga có hiệu lực trong vòng 1 năm.

Hôm 12/9 mới đây, EU và Mỹ lại một lần nữa đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong thời điểm mà lệnh ngừng bắn ở khu vực miền Đông Ukraine, được thông qua sau các cuộc đàm phán do OSCE làm trung gian, có hiệu lực 1 tuần.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại