Những vấn đề đối nội đáng chú ý của Nga năm 2016

Đức Dũng |

Sự kiện chính trị nổi bật nhất của Nga trong năm 2016 sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội Nga, dự định vào ngày 18/9/2016. Ngay sau đó, các đảng phái chính trị sẽ phải bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống dự định được tổ chức vào tháng 3/2018.

Ngoài ra, nước Nga năm 2016 sẽ còn chứng kiến nhiều sự kiện đối nội quan trọng khác.

Đảng “Nước Nga thống nhất” và công cuộc giành đa số phiếu trong bầu cử

Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế Nga đã kéo dài năm thứ 3 liên tục, các lệnh cấm vận của phương Tây cũng như các biện pháp trả đũa của Nga đang ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của cử tri, Nga đang cuốn vào giải quyết cuộc xung đột quân sự ở Syria nhưng dự kiến đảng cầm quyền “Nước Nga thống nhất” (ER) sẽ tiếp tục giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 9/2016.

Xét bối cảnh chính trị Nga hiện nay, nhiều khả năng sẽ chỉ có 3 đảng chắc chân có ghế trong Quốc hội mới của Nga gồm đảng ER, đảng Cộng sản Nga và đảng Dân chủ Tự do (LDPR).

Khả năng đảng “Nước Nga công bằng” có vượt qua được mốc tối thiểu 5% phiếu bầu hay không vẫn đang là câu hỏi. Các đảng phái khác còn lại như Đảng “Quả táo”, “Tổ quốc”, “Những người yêu nước Nga”, “Đảng những người hưu trí” hay đảng PARNAS sẽ chỉ có thể giành được một vài % phiếu bầu.

Cho đến ngày bầu cử, nhiều khả năng “bức tranh tổng thể” này sẽ không có sự thay đổi nào đáng kể.

Vấn đề quan tâm chính hiện nay là liệu ER có thể giành được chiến thắng áp đảo hay không.

Những cản trở chính đối với mục tiêu này của ER có thể là các nhân tố như khủng hoảng kinh tế kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút (trong đó có thu nhập của người về hưu), khả năng gia tăng bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, uy tín chưa thực sự cao của Thủ tướng Medvedev (hiện là Chủ tịch ER), cũng như mong muốn của điện Kremlin trong việc gia tăng khoảng cách giữa Tổng thống với đảng.

Đảng cầm quyền - Nước Nga thống nhất ER
Đảng cầm quyền - Nước Nga thống nhất ER

Khả năng có những sự thay đổi trong điện Kremlin và Chính phủ trước bầu cử Quốc hội và liệu Chính phủ có hoạt động đến cuối năm hay không

Tại cuộc họp báo ngày 17/12/2015, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định niềm tin vào Chính phủ hiện nay do Thủ tướng Medvedev đứng đầu.

Theo đó, ông Putin không dự định sẽ thực hiện sự thay đổi lớn nào về thành phần nhân sự trong thời gian tới vì Thủ tướng Medvedev sẽ đứng đầu danh sách ứng cử viên ER tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội mới.

Chính vì vậy, kịch bản này cũng loại trừ khả năng Medvedev từ chức Thủ tướng ít nhất cho đến khi kết quả bầu cử được công bố. Tuy nhiên, những sự luân chuyển nhân sự trong điện Kremlin và trong thành phần chính phủ vẫn có thể được thực hiện song song với nhau.

Nguyên nhân có khá nhiều: khủng hoảng kinh tế, chiến dịch chống tham nhũng, thay đổi cơ cấu chính quyền hành pháp, chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống…

Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ khác đi sau bầu cử Quốc hội.

Sau cuộc bầu cử này, những thay đổi lớn về nhân sự trong chính phủ và Văn phòng Tổng thống sẽ được thực hiện sau khi Quốc hội mới được hình thành. Không loại trừ khả năng sẽ thay đổi toàn bộ thành phần Chính phủ dù kịch bản này ít có khả năng xảy ra.

Liệu Thủ tướng D.Medvedev sẽ trở thành đối tượng để phe đối lập và giới cầm quyền công kích do lo ngại triển vọng Medvedev sẽ quay lại nắm quyền Tổng thống?

Hiện cả phe đối lập có ghế cũng như không có ghế trong quốc hội đều đang tận dụng chiến dịch vận động tranh cử để chỉ trích Chính phủ Nga. Hơn nữa, phe đối lập có thể sẽ cố gắng biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý về niềm tin của người dân đối với Chính phủ.

Tuy nhiên, Kremlin vẫn sẽ coi những chỉ trích đối với chính phủ của phe đối lập là hợp pháp. Kịch bản tiêu cực đối với Chính phủ Medvedev là tiếp tục bị lặp lại tình trạng mất đi sự kiểm soát đối với chiến dịch “tất cả chống lại ER” như đã diễn ra vào cuộc bầu cử năm 2011.

Kịch bản tiêu cực nhất đối với Chính phủ Medvedev là khả năng sẽ có một bộ phận quan chức trong chính phủ kết hợp với lực lượng đối lập để tạo nên một liên minh không chính thức nhằm loại bỏ khả năng Medvedev sẽ tham gia vào cuộc đua tìm người kế nhiệm Tổng thống Putin.

Khi đó, ER trở thành mục tiêu rõ ràng nhất để công kích. Kịch bản ER giành dưới 226 ghế trong Quốc hội Mỹ sẽ bị coi là thất bại của cá nhân ông Medvedev và khiến kịch bản ông Medvedev quay trở lại điện Kremlin gần như bằng không.

Việc biến bầu cử Quốc hội trở thành “cuộc chiến” giữa các tầng lớp lãnh đạo là kịch bản tiêu cực nhất đối với cuộc bầu cử này. Khi đó, các nhân vật theo trường phái tự do cực đoan sẽ lên tiếng công kích Tổng thống Putin và ê kíp của Tổng thống.

“Chiến tranh thông tin” sẽ được lực lượng đối lập thực hiện nhằm hạ thấp uy tín của ông Putin trước thềm bầu cử năm 2018 và cuộc bầu cử Quốc hội Nga năm 2016 được coi là bước đi đầu tiên thực hiện chiến dịch này.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev

Mâu thuẫn trong chính sách giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương tiếp tục tồn tại

Năm 2015 là năm ghi nhận những xung đột căng thẳng giữa chính quyền trung ương (trước hết là giữa lực lượng điều hành chính sách đối nội của Kremlin và phe sức mạnh) với những quan chức đứng đầu khu vực.

Cuộc xung đột này thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Mặt trận Dân tộc toàn Nga (ONF) trở thành công cụ chính để Kremlin tiến hành các chiến dịch chống lại những người đứng đầu địa phương không chấp hành các chỉ thị từ trung ương.

Khủng hoảng kinh tế khả năng biến thành khủng hoảng chính trị do các cuộc biểu tình gây nên

Sự gia tăng tâm lý phản ứng trong xã hội là một trong những nhân tố tiềm ẩn ở xã hội Nga năm 2016. Bản thân chính quyền Nga cũng phải thừa nhận khả năng xảy ra các cuộc biểu tình do những thiệt hại về kinh tế người Nga đang phải gánh chịu.

Sự sụt giảm thu nhập, gia tăng các loại thuế gián tiếp đã trở thành nguyên nhân tạo nên một số làn sóng biểu tình năm 2015. Tuy nhiên, dù các đảng chính trị đối lập đã cố gắng thúc đẩy làn sóng biểu tình nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà mục đích này không đạt được.

Trong năm 2016, nước Nga sẽ xuất hiện 2 nhân tố để có thể làm bùng phát biểu tình quy mô lớn là khủng hoảng kinh tế và tổ chức bầu cử Quốc hội. Những cuộc biểu tình này có thể làm thay đổi tiến trình tổ chức các cuộc vận động tranh cử và thay đổi cả kế hoạch của các đảng phái chính trị.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong năm 2016, nước Nga cũng sẽ phải chứng kiến nhiều rủi ro tiềm ẩn bùng phát biểu tình với kịch bản có thể được phe đối lập sử dụng là cáo buộc Kremlin gian lận phiếu bầu.

Kịch bản này nếu không được ngăn chặn sẽ có những tác động tiêu cực đến chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống vào năm 2018 của đảng ER.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại