Nhật gọi liên tục từ tháng 1, đến tháng 3 TQ mới chịu nhấc máy

Đức Huy |

Ngày 14/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấc máy, sau khi người đồng cấp phía Nhật Bản Fumio Kishida gọi điện liên tục từ 6/1, ngày xảy ra vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Theo nhà báo Hiroyuki Akita của tờ Nikkei, thì chi tiết này đã nói lên tất cả về tình hình quan hệ Trung-Nhật ở thời điểm hiện tại.

Sau 2 tháng lảng tránh, Vương Nghị đã cùng Fumio Kishida đối thoại gần 45 phút. Trong khoảng thời gian này, hai vị Ngoại trưởng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, cũng như quan hệ giữa hai nước.

Theo một quan chức Nhật có thông tin nội bộ về nội dung cuộc gọi, hai bên đã thống nhất sẽ hợp tác áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hạt nhân của Triều Tiên. Lịch trình chuyến công du Trung Quốc của ông Kishida cũng đã được ấn định trong cuộc điện thoại.

Tuy nhiên, nhà báo Akita nhận định, 45 phút trò chuyện của hai vị Ngoại trưởng không có mấy tác dụng trong việc hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ Trung-Nhật.

Theo Nikkei, ông Vương và ông Kishida đã tranh cãi gay gắt về vấn đề Biển Đông. Sau đó, Ngoại trưởng Nhật có nói với báo giới rằng ông sẽ "không đi vào chi tiết" nội dung cuộc gọi.

Theo một số nguồn tin Nikkei thu thập được, ông Vương đã đề nghị phía Nhật Bản không đề cập tới vấn đề này trong cuộc họp các Bộ trưởng G7 sẽ diễn ra vào tháng 4 tới, cũng như trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 một tháng sau đó. Tokyo sẽ là chủ nhà của cả 2 sự kiện.

Sự thận trọng của Vương Nghị

Tháng 11 năm ngoái, quan hệ Trung-Nhật đã có dấu hiệu được cải thiện sau cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng hai nước, Shinzo Abe và Lý Khắc Cường.

Người đứng đầu chính phủ hai nước đã thống nhất sẽ tổ chức diễn đàn Đối thoại Kinh tế Cấp cao Trung-Nhật sớm nhất có thể, nối lại đàm phán hợp tác phát triển khai thác dầu khí trên biển Hoa Đông.

Ngoài ra, đôi bên cũng nhất trí sẽ sớm đưa vào hoạt động bộ Phương thức Liên lạc Hàng hải và Hàng không Trung-Nhật (JCMACM) nhằm ngăn chặn các biến cố hay va chạm có thể gây hiểu nhầm.

Nhưng cũng kể từ đó, Bắc Kinh gần như phớt lờ mọi động thái của Nhật Bản. Một số hi vọng cuộc đối thoại Vương - Kishida sẽ đem lại kết quả nhất định, song đến nay vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể.

"Lý do chủ đạo dẫn đến đàm phán song phương Trung-Nhật giậm chân tại chỗ có lẽ là do Vương Nghị thận trọng, chứ không phải vì Tập Cận Bình nghi ngại" - một quan chức ngoại giao giấu tên phát biểu trên Nikkei.

Trên thực tế, các hiệp định do ông Tập kí kết đã được bộ Ngoại giao Trung Quốc dọn đường từ trước, do đó nhiều khả năng chính ông Vương trực tiếp phớt lờ Nhật chứ không phải do ông Tập chỉ đạo.

Khi xưa, Vương Nghị từng là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và được cho là khá "thân" Nhật, nên theo quan chức đối ngoại nói trên, "có lẽ ông Vương đang muốn tránh làm những việc có thể bị tô vẽ là mang tính hòa giải với Nhật".


Sợ bị đánh giá là thân Nhật, ông Vương đang tỏ ra hết sức thận trọng. Ảnh: Nikkei

Sợ bị đánh giá là thân Nhật, ông Vương đang tỏ ra hết sức thận trọng. Ảnh: Nikkei

Về phần mình, Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản trì hoãn quá trình hòa giải giữa hai nước, với việc liên tục can thiệp vào tình hình Biển Đông.

"Nhật Bản cứ nói đến chuyện cải thiện quan hệ, nhưng rồi lại bắt tay Mỹ và các nước khác trong khu vực để bao vây Trung Quốc. Tại sao một kẻ ngoại đạo như Nhật Bản lại cứ nhúng tay vào những việc này" - Nikkei dẫn một thông điệp ngoại giao không chính thức Bắc Kinh gửi tới Tokyo.

Trong một cuộc họp báo hôm 8/3 vừa qua, Vương Nghị cũng chỉ trích chính phủ Abe với nội dung tương tự.

Tuy nhiên, theo nhà báo Akita, việc chính phủ Tokyo thể hiện quan điểm về Biển Đông không có gì mới, ông Abe đã chỉ trích các hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc suốt từ năm ngoái.

Do đó, lấy những màn đấu khẩu về Biển Đông ra để lý giải tại sao Bắc Kinh phớt lờ các động thái của Nhật có vẻ không thực sự thuyết phục cho lắm. Và theo ông Akita, những diễn biến mới đây tại Đài Loan mới thực sự là nguyên do tại sao Trung Quốc đang dè chừng Nhật Bản.

Đài Loan - kẻ thay đổi cán cân

Nhà báo Akita nhận định, chính quyền Đài Loan dưới sự lãnh đạo của Mã Anh Cửu và Quốc dân đảng hiện nay có thiên hướng hòa hảo với Trung Quốc, và tập trung phát triển kinh tế.

Tháng 11 năm ngoái tại Singapore, cuộc gặp mặt Mã Anh Cửu - Tập Cận Bình đã đánh dấu lần đầu tiên kể từ nội chiến 1949, người đứng đầu chính quyền Đài Loan đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc.

Nhưng sau cuộc bầu cử mới đây với thắng lợi thuộc về bà Thái Anh Văn của đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), các quan chức Trung Quốc lo ngại Tokyo sẽ "làm thân" với chính quyền mới của Đài Loan hòng gây áp lực lên Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng có lý do để lo ngại.

Theo ông Akita, Thủ tướng Abe luôn giữ liên lạc với bà Thái. Ông từng thăm Đài Loan khi còn chưa lên Thủ tướng và gặp riêng lãnh đạo DPP. Tháng 10 năm ngoái, khi Thái Anh Văn tới Nhật, em trai ông Abe, nghị sĩ Nobuo Kishi, đã đưa bà tham quan một vòng quê hương Yamaguchi của ông.


Bà Thái Anh Văn trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2015. Ảnh: China Post

Bà Thái Anh Văn trong chuyến thăm Nhật Bản năm 2015. Ảnh: China Post

Ngoài ra, có một số tin đồn cho rằng ông Abe và bà Thái đã có một cuộc gặp bí mật tại Tokyo, song đôi bên đều phủ nhận thông tin này.

Hiện nay, Bắc Kinh chưa từng công khai thể hiện mối quan ngại về quan hệ Nhật Bản - Đài Loan. Trên lý thuyết, Bắc Kinh vẫn coi các vấn đề liên quan tới Đài Loan là việc nội bộ. Do đó, làm to chuyện chẳng khác gì Trung Quốc tự đặt mình vào thế khó.

Với những tranh chấp trên biển Hoa Đông, đấu khẩu về Biển Đông, cũng như giao tranh trong lịch sử, quan hệ Trung-Nhật đã đủ phức tạp. Nay, với chính quyền mới tại Đài Loan, căng thẳng giữa hai nước nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong một khía cạnh nữa.

Nếu vậy, nếu nhìn vào lịch sử cuộc gọi trong điện thoại của ông Vương Nghị, có lẽ danh sách các "cuộc gọi nhỡ" từ Tokyo sẽ còn kéo dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại