Nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc bị tẩy chay, ế khách

Bích Ngọc |

Chuyện CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân ngày 6.1 và tên lửa ngày 7.2 đã khiến nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc bị tẩy chay, ế khách, theo hãng tin AP.

Nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc bị tẩy chay do chính phủ Hàn Quốc cấm công dân Hàn Quốc không đến ăn khi đi TQ du lịch.

Chiến dịch vận động tẩy chay nhà hàng Triều Tiên của Seoul xem ra phát huy hiệu quả. AP đã mở cuộc thăm dò trong một đêm tại nhà hàng Okryugwan (một chi nhánh của một nhà hàng nổi tiếng bên sông Taedong ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên) ở Bắc Kinh.

Kết quả: chỉ có 2 bàn có thực khách Hàn Quốc và họ đều biết sự cảnh cáo của chính phủ Hàn Quốc. Các bàn còn lại là khách cao tuổi TQ và bàn của nhân viên nhà hàng cùng khách người Triều Tiên, theo các nhân viên cho biết.

AP kể sau 19 giờ 30 tối 18.2, tại Okryugwan, một nhà hàng Triều Tiên lớn nhất ở Bắc Kinh, các nữ tiếp viên trở thành ca sĩ, đàn hát trong những bộ váy dạ hội láng bóng, mang  giày gót cao.

Vào những đêm trước, nhà hàng chật kín du khách Hàn Quốc, uống rượu soju say ngất rồi vỗ tay, hát hò cùng các đồng bào qua TQ làm ăn.

Nhưng nay, nhà hàng Okryugwan ở Bắc Kinh chỉ thưa thớt khách, không còn cảnh từng đoàn khách du lịch từ xe buýt đổ bộ vào ăn.

Nữ tiếp viên Han Ahn-min người Triều Tiên nói bằng tiếng Hoa: “Chúng tôi thường có nhiều bàn khách du lịch Hàn Quốc, nhưng nay hoạt động của nhà hàng chẳng được tốt. Thời tiết xấu nhưng cũng vì hiện có nhiều yếu tố khác”.

Cô gái 24 tuổi kể ra nhiều này không muốn nói đến Hàn Quốc và chính trị. Nhưng sự ế khách chính vì chính phủ Hàn Quốc kêu gọi đồng bào của họ tẩy chay các nhà hàng Triều Tiên mở ở nhiều nước châu Á, nhất là ở TQ, theo AP.

Nữ tiếp viên chuyển thành nhóm nhạc
Nữ tiếp viên chuyển thành nhóm nhạc

Nữ tiếp viên có nhiệm vụ bán càng nhiều bia Triều Tiên càng tốt

Các chuyên gia nói: nhà hàng Triều Tiên cũng là điểm đến văn hóa. Nhân viên có học như cô Han (theo khoa quản trị kinh doanh) sẽ phải về nước sau 3 năm làm việc.

Các món ăn không mắc cũng chẳng rẻ, như một dĩa thịt chó hấp giá 10 USD, một đĩa sushi giá 20 USD.

Nhân viên nhà hàng có nhiệm vụ thúc đẩy sản phẩm nội địa Triều Tiên, như bia Daedongjiang (6 USD/chai), thuốc lá Daedongjiang (5 USD/gói) và các bộ sưu tập tem (100 USD/cuốn).

Han hỏi: “Người TQ nghĩ gì về Triều Tiên?” và sau vài câu trả lời của thực khách, cô hô khẩu hiệu: “Hoan hô tinh thần hữu nghị Triều-Trung!”, rồi giới thiệu bộ tem chân dung nhà lập quốc Triều Tiên Kim Il-sung, cố lãnh tụ TQ Mao Trạch Đông.

Lee Seunghyun, một doanh nhân đồ gỗ Hàn Quốc ở Bắc Kinh, cho biết cô cùng bạn trai đến nhà hàng này vì ông bà của Lee rời Triều Tiên trước khi Triều-Hàn bị chia rẽ, dù họ biết lệnh cấm của chính phủ Hàn Quốc, do Bộ Ngoại giao gởi qua tin nhắn điện thoại di động cho công dân đi TQ.

Dù Lee và bạn cảm thấy thú vị, nhưng họ sẵn sàng ra về vì nữ tiếp viên sa sầm mặt do Lee và bạn không mua trọn két bia và trọn gói thuốc lá. Trước đó, nữ tiếp viên cùng họ chụp ảnh “tự sướng”, nói chuyện tương đối công khai về chuyện nhà hàng ế khách.

Vậy là chỉ còn một bàn của thực khách Hàn Quốc: đoàn của một hãng thông tấn Hàn Quốc đến TQ làm phim tư liệu. Họ biết rõ lệnh cấm của chính phủ, theo một nhân viên đoàn phim.

Nhân viên này nhăn mặt khi biết anh nói chuyện với một nhà báo. Nhưng rồi anh vẫn trao đổi, sau đó năn nỉ quên cuộc trò chuyện với AP: “Làm ơn đi, đồng nghiệp với nhau mà. Lẽ ra chúng tôi không được đến đây”, trước khi anh trở vào nhà hàng ế ẩm này.

Dù vậy, các tiếp viên trở thành ca sĩ vẫn nhiệt tình hát nhiều bài hát Triều Tiên, TQ, liên tục thay đổi trang phục, biểu diễn (hoặc giả bộ )các ngón đàn, kèn.

Khi nhà hàng đóng cửa, giọng ca nữ chính được một tiếp viên khác lên tặng một bó hoa.…

Báo Triều Tiên nặng lời với nữ Tổng thống Hàn Quốc

Theo AP, các nhà hàng Triều Tiên khác ở Bắc Kinh, Bangkok (Thái Lan) và Phnom Penh cũng ế khách, cảnh tượng mỗi tối chẳng khác cảnh ở nhà hàng Okryugwan.

Tại Bangkok, các nữ tiếp viên - ca sĩ sau khi rời sân khấu, liền sà tới các vị khách lớn tuổi, nhưng nụ cười thương mại của họ biến mất khi khách tỏ ý không muốn chuyện trò với họ.

Nhà hàng Triều Tiên từng nổi tiếng là thức ăn ngon, phục vụ ân cần, cũng là điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc muốn biết thông tin về láng giềng phía bắc.

Các nữ tiếp viên được chính phủ Triều Tiên huấn luyện kỹ, trả lời nhiều câu hỏi một cách thẳng thắn, nhưng khéo léo tránh các câu hỏi nhạy cảm.

Tình báo Hàn Quốc ước tính Triều Tiên điều hành 130 nhà hàng ở nước ngoài, thu về hơn 100 triệu USD/năm, tức tương đương số tiền mà 45.000 lao động Triều Tiên nộp cho chính phủ Kim Jong-ul hồi năm 2015.

Đó là tiền công mà các công ty Hàn Quốc trả cho họ, những người làm việc ở khu công nghiệp Kaesong, một liên doanh trên đất Triều Tiên giữa hai chính phủ Hàn-Triều.

Nhưng sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa ngày 7.2, nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phản ứng bằng cách đóng cửa Keasong, khiến nhân công Triều Tiên lâm cảnh thất nghiệp.

Hàn Quốc nói các hoạt động thương mại ở nước ngoài của Triều Tiên là để thu ngoại tệ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bà Park nói với Quốc hội Hàn Quốc: nếu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thay đổi cách điều hành, chế độ của ông chắc chắn sẽ sụp đổ.

Tuyên bố này chọc tức Triều Tiên. Bình Nhưỡng phản ứng bằng cách điều quân kiểm soát Kaesong, cắt đường dây nóng với Hàn Quốc.

Báo Rodong Sinmun thuộc nhà nước Triều Tiên gọi bà Park là “kẻ phản bội”, “con điếm già điên không đuôi gieo đau khổ cho nhân dân ta vốn đã chịu đau khổ vì thảm kịch bị chia rẽ đất nước” và “con quỷ giết người”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại