Myanmar săn lùng quả chuông khổng lồ huyền thoại

Myanmar đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm chiếc chuông Dhammazedi huyền thoại, một trong những bí ẩn lớn nhất và là nỗi ám ảnh kéo dài cả đời với không ít người ở nước này.

Một lịch sử đầy bão tố

Truyền thuyết và cả các tài liệu lịch sử cổ nói rằng chuông Dhammazedi được đặt theo tên vị vua trị vì Vương quốc Hanthawaddy từ năm 1471 tới năm 1492. Là một tín đồ Phật giáo sùng đạo, Dhammazedi đã cho đúc cái chuông vào năm 1490 để tặng chùa Shwedagon - ngôi chùa thiêng nhất Myanmar.

Được làm từ 290 tấn vàng, bạc, đồng và thiếc, chuông này đã nặng gấp đôi Chuông may mắn ở Trung Quốc, nặng 116 tấn và giữ kỷ lục thế giới kể từ khi nó được đúc xong. 100 năm sau khi chuông Dhammazedi được đúc, sự tồn tại của nó đã được xác nhận trong nhật ký của Gaspero Balbi - một người buôn kim hoàn tới Myanmar từ Venice, Italia. Ông đã ghé thăm chùa Shwedagon và viết trong nhật ký rằng cái chuông có kích cỡ rất lớn, chứa nhiều chữ mà ông không thể hiểu nổi.

Chuông nằm yên tại chùa Shwedagon cho tới năm 1608, khi lãnh đạo vùng đất Thanlyin gần đó quyết định rằng, ông ta sẽ dùng cái chuông cho mục đích mới. Thời đó Thanlyin đang nằm dưới sự kiểm soát của tay lính đánh thuê Filipe de Brito e Nicote - người gốc Bồ Đào Nha. Nhân vật này đã lãnh đạo quân đội Rakhine thiểu số cướp phá Thanlyin và Bago - thủ đô Hạ Myanmar.

De Brito (được biết tới ở Myanmar với tên Nga Zinga) đã bị dân địa phương căm ghét do đun chảy nhiều quả chuông để đúc đại bác gắn trên các chiến hạm của ông ta. Tuy nhiên chính quyết định đánh cướp chuông Dhammazedi phục vụ việc đúc đại bác đã khiến tên tuổi nhân vật này bị lưu truyền mãi ở Myanmar.

Sau khi cướp chuông thành công, De Brito đã dùng voi và lao động cưỡng bức để đưa chuông tới sông Yangon. Tiếp đó chuông được đặt lên tàu để đi tới Thanlyin. Tuy nhiên kế hoạch của De Brito đã không thành khi tàu bị vỡ trước sức nặng của chuông, khiến báu vật khổng lồ chìm xuống đáy sông.

5 năm sau sự kiện, vua Anaukpetlun thuộc triều Taungoo đã chiếm lại Thanlyin. Anaukpetlun sau đó đã hạ lệnh dùng cọc xuyên qua người De Brito - hình phạt dành cho việc ông ta đã cướp phá các ngôi chùa Phật giáo. De Brito chết nhưng câu chuyện ông ta cướp chuông Dhammazedi vẫn được lưu truyền sau 4 thế kỷ, ám ảnh người Myanmar và một bộ phận không nhỏ dư luận thế giới.

Các thợ lặn tham gia hoạt động tìm chuông chỉ sử dụng phương tiện rất thô sơ và nhận sự chỉ dẫn của một nhà sư.

Theo thời gian, quả chuông được so sánh với tích Chén Thánh trong Công giáo. Nhiều người tin rằng việc tìm thấy cái chuông sẽ giúp Myanmar thoát khỏi vị trí một trong những nước nghèo nhất Châu Á hiện nay. Niềm tin rằng cái chuông gắn với định mệnh của dân tộc cũng dẫn tới nhiều nhiệm vụ tìm kiếm bất thành.

Lời nguyền bí hiểm

Cụ thể trong 25 năm qua, đã có tổng cộng 7 lần người ta tiến hành tìm kiếm quả chuông, sử dụng rất nhiều công nghệ hết sức hiện đại như rađa âm (sonar) quét đáy sông và thiết bị hỗ trợ lặn. Năm 2001, kế hoạch tìm kiếm chi tiết do Mike Hatcher và đội cộng sự của ông nêu ra còn tính tới việc dùng sonar cá nhân, kính nhìn đêm và thiết bị phát hiện hợp kim sulphate đồng để xác định vị trí quả chuông.

Tuy nhiên nước sông quá đục, đáy sông quá nhiều bùn, dòng chảy xiết, nhiều xác tàu đắm và 4 thế kỷ thay đổi dòng chảy đã khiến việc tìm chuông trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Việc không thể tìm thấy chuông đã khiến người ta kháo nhau rằng quả chuông được rắn thần Naga bảo vệ và có một lời nguyền hình thành quanh nó. Jim Blunt - một thợ lặn người Mỹ tới từ California - là một trong những nhân vật tin vào lời nguyền. Ông này từng hợp tác với chính quyền Myanmar để tìm chuông vào năm 1995.

Chuông Tharawaddy Min hiện là quả chuông lớn nhất ở chùa Shwedagon, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với Dhammazedi.

“Vài thợ lặn đã chết khi tìm cái chuông huyền thoại, gồm 2 thợ lặn Hải quân Myanmar, những người đã bị mắc kẹt trong một xác tàu đắm và chết một cách thảm khốc” - Blunt kể với tờ The Independent của Anh.

Trong khi đó, nhà văn kiêm sử gia U Chit San Win gần như đã dành cả đời để tìm chuông Dhammazedi và chính ông đã tổ chức vài cuộc sục sạo đáy sông Yangon. Ông cũng ghi lại nỗ lực của mình trong cuốn “Tìm kiếm chiếc chuông của vua Dhammazedi” xuất bản năm 1996.

Trong cuốn sách, ông cho biết có một niềm tin cho rằng chuông Dhammazedi được ngạ quỷ bảo vệ. “Người ta nói quả chuông liên quan tới các ngạ quỷ và có tin đồn nó hay nổi lên vào dịp trăng rằm. Tôi còn nghe một số người nói rằng họ thấy chuông trôi trên sông vào các đêm trời sáng trăng” - ông viết.

Dù không có chứng cứ nào cho thấy chuông Dhammazedi được quỷ bảo vệ, nhiều người vẫn chỉ vào việc con trai Nay Oo của U Chit San Win chết khi ông đang tìm chuông, là bằng chứng về việc có sự tồn tại của một lời nguyền bí hiểm. “Nay Oo là đứa con tôi yêu quý nhất. Khi mất cháu, người ta nói rằng đó là vì tôi dính lời nguyền của những con quỷ bảo vệ chuông. Tôi không mê tín, nhưng đã không muốn tiếp tục tìm chuông sau khi Nay Oo chết” - U Chit San Win chia sẻ.

Một tin đồn khác nói rằng ngoài quả chuông, De Brito còn mang đi một hộp báu từ chùa Shwedagon. Khi xảy ra vụ chìm tàu, hộp báu này cũng đã chìm xuống sông. Do hộp báu này cũng được bảo vệ bởi các linh hồn nên việc tìm chuông càng gặp khó khăn lớn.

Khi bắt tay vào hoạt động tìm kiếm chuông Dhammazedi hồi năm 2010, nhà làm phim người Australia Damien Lay có nghe nói về những lời nguyền. Tuy nhiên ông không ngán những tin đồn này, thậm chí còn khẳng định nó mang tới nét độc đáo, thú vị cho cuộc tìm kiếm chuông Dhammazedi.

Nói từ Sydney với Hãng tin BBC, Lay cho biết ông đã tìm kiếm ở một vị trí khác xa các cuộc tìm kiếm trước đây. Lay và đội của ông đã tiến hành khảo sát nhiều đoạn sông rộng tới 6 km2 bằng sonar. Cả nhóm xác định được tổng cộng 14 xác tàu đắm trong cuộc tìm kiếm và 2 địa điểm nghi vấn cao, được cho là nơi chiếc chuông đã chìm xuống. “Chúng tôi có những dữ liệu vô cùng đặc biệt” - Lay nói, cho biết đã chuyển dữ liệu tới chính quyền Myanmar - “Chúc họ may mắn. Cái chuông cần phải được tìm thấy”.

Chuông quý có tồn tại hay không?

Được biết trong hoạt động tìm kiếm mới nhất, người ta sẽ sục sạo tại một khu vực là giao điểm của 3 con sông ở Myanmar, gồm có sông Yangon và Bago. Những người tổ chức tìm kiếm đã quyên được hơn 250.000USD và mỗi ngày hàng trăm người lại tụ tập tới hai bờ sông Bago để hóng tin. “Tôi không biết quả chuông nằm ở đâu, nhưng có đủ chứng cứ lịch sử cho thấy nó ở đó và chúng tôi phải tìm nó” - một nhân viên đường sắt đã về hưu nói với BBC, tay ông nắm chặt một tờ rơi về chuông Dhammazedi.

Những người khác chăm chú theo dõi cuộc tìm kiếm qua ống nhòm. Kẻ hiếu kỳ thậm chí còn thuê tàu chạy ra gần khu vực tìm kiếm để có thể quan sát rõ hơn. “Tôi không thấy gì nhiều” - Htein Lin - một doanh nhân với nụ cười rộng rãi nói - “Nhưng nếu chúng tôi tìm thấy quả chuông, đất nước sẽ trở nên nổi tiếng thế giới. Đó là lý do vì sao tôi phấn khích thế. Tôi thực sự hy vọng họ sẽ tìm thấy quả chuông”.

Nhưng nếu người ta hy vọng sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của công nghệ cao trong cuộc tìm kiếm mới này thì họ đã lầm. Ngoài một cái máy nạo vét đáy sông, một nhà thuyền và 2 chiếc thuyền gỗ, đội thợ lặn chẳng còn thiết bị nào khác. Họ cũng không dùng thiết bị định vị vệ tinh GPS hoặc các bản đồ đáy sông hiện đại mà tìm kiếm qua sự chỉ dẫn của một nhà sư có “năng lực ngoại cảm”, người ngồi trên nóc một con thuyền để điều phối hoạt động tìm kiếm.

Từ xa, hoạt động tìm kiếm trông thật ngớ ngẩn. Các “thợ lặn” về cơ bản chỉ là những thanh niên mặc áo phông, đeo mặt nạ lặn rất đơn giản, miệng ngậm ống thở lao xuống đáy sông để tìm kiếm. Nước sông chảy rất xiết nên chỉ sau chừng 1 hoặc 2 phút, họ lại nổi lên và được người ta kéo trở lại thuyền, trước khi lặn xuống tiếp.

Rõ ràng cuộc tìm kiếm đang dựa vào sức mạnh siêu nhiên thay vì khoa học. “Nếu chỉ dựa vào công nghệ hiện đại, chúng tôi sẽ gặp nhiều vấn đề hơn” - San Lin, lãnh đạo nhóm thực hiện hoạt động tìm chuông cho biết. Ông nói rằng do ngạ quỷ ngăn cản hoạt động tìm chuông nên nhóm đã phải tiến hành công việc theo một cách thức đầy màu sắc tâm linh.

Với nhiều học giả Myanmar, cách tìm kiếm của San Lin và cộng sự khiến họ không khỏi thấy hổ thẹn. Dù có viết sách về yếu tố tâm linh và lời nguyền quanh chuông Dhammazedi, U Chit San Win vẫn cho rằng chỉ có thể tìm thấy quả chuông bằng công nghệ cao. Ông chỉ ra rằng năm ngoái, một đội tìm kiếm với ngân sách 10 triệu USD tới từ Singapore tuyên bố đã sẵn sàng. Nhưng nay họ vẫn chưa thể vào cuộc vì còn chờ sự phê chuẩn của chính quyền.

Khi phóng viên BBC gặp U Chit San Win ở chùa Schwedagon, ông đã lôi ra nhiều tấm bản đồ, nói rằng do cả sông Yangon lẫn sông Bago đều thay đổi dòng chảy trong 400 năm qua nên cuộc tìm kiếm có thể đã diễn ra sai vị trí. Đáng ngại hơn, sau khi khảo cứu nhiều tác phẩm văn học, lịch sử Myanmar để tìm dấu tích về cái chuông huyền thoại, giờ ông đang rất nghi ngờ về sự tồn tại của nó.

“Tôi thực sự hy vọng cái chuông này có thực vì nó sẽ khiến tôi rất tự hào về đất nước mình” - ông nói - “Nhưng nếu chúng ta nhìn vào 3 cuốn sách sử Myanmar được biết 200 năm sau khi chuông bị chìm, không cuốn nào nói về nó cả”.

Không hề bị ảnh hưởng bởi những luồng ý kiến khác nhau đó, các thợ lặn của San Lin nói rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động tìm kiếm trong vài tuần tới. Họ khẳng định bản thân chẳng hề nghi ngờ gì về việc chuông Dhammazedi huyền thoại đang nằm lẩn khuất đâu đó dưới đáy sông, chờ những người thực sự xứng đáng tới vớt nó lên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại