Indonesia hòa giải biển Đông nhưng sẵn sàng đối đấu Trung Quốc

Trong khi Thái Lan được đánh giá có phương pháp ngoại giao mềm dẻo, thì Indonesia lại nổi lên như một nhà hòa giải nguyên tắc và cứng rắn.

Nhà hòa giải năng nổ

Có thể nói, trong vai trò là người trung gian hòa giải về vấn để biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, Indonesia đã thể hiện một hình ảnh vô cùng năng động và trách nhiệm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa. Ảnh: gazette
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa. Ảnh: gazette

Vào tháng 7/2012, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị cho Ngoại trưởng nước này thực hiện chuyến công du con thoi sang một số nước thành viên ASEAN để tìm kiểm giải pháp xử lý những mâu thuẫn nội khối xung quanh vấn đề biển Đông sau khi lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không có thông cáo chung.

Theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa, mục đích cuối cùng trong những nỗ lực của Indonesia là làm cho ASEAN có một tiếng nói đối với vấn đề biển Đông. Ông sẽ cố gắng thuyết phục Campuchia với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN hàn gắn các rạn nứt nội khối về vấn đề biển Đông. Việc ASEAN phải có giải pháp đối với những bất đồng là vô cùng quan trọng, “nếu chúng ta không làm gì, chúng ta biết thiệt hại sẽ lớn hơn”, ông Marty Natalegawa khẳng định.

Mặc dù Indonesia không còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN trong thời gian này, nhưng theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa, Indonesia vẫn muốn hành động như là một thành viên có trách nhiệm của khối ASEAN.

Tháng 9/2012, Indonesia đã đề xuất dự thảo Qui tắc ứng xử Biển Đông với mục tiêu tìm được tiếng nói chung giữa các nước trong khu vực nhằm giải quyết căng thẳng biển Đông. Dự thảo bao gồm các chi tiết về cách thức thực thi Bộ quy tắc, khu vực áp dụng, cơ chế giám sát - báo cáo cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp. Bộ quy tắc đề xuất sẽ được "áp dụng tại tất cả các khu vực lãnh hải chưa được giải quyết giữa các bên liên quan trên biển Đông".

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa phát biểu: "(Chúng tôi đề xuất) dự thảo này nhằm hối thúc họ (xây dựng một bộ quy tắc ứng xử)". Tuy nhiên theo Ngoại trưởng Indonesia, dự thảo trên không bao gồm những quy định liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, cho rằng điều này "phải được giải quyết trực tiếp giữa các bên có tranh chấp." Tuy nhiên, nỗ lực này đã gặp phải thất bại khi Trung Quốc chỉ muốn đối thoại riêng với từng quốc gia, trong khi đó ASEAN muốn có đàm phán chung với tất cả các nước liên quan và rạn nứt giữa chính các quốc gia trong khối.

Gần đây nhất, vào tháng 4/2013, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng đã ra lời kêu gọi các thành viên ASEAN thống nhất về vấn đề biển Đông. Theo AFP, lời kêu gọi của ông được đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào giữa tuần tại Brunei. Ông nói: “ASEAN chỉ có thể phát triển nếu chúng ta mạnh. Chúng ta cần có chung quan điểm”.

Vai trò hòa giải của Indonesia còn được khẳng định chắc chắn khi chính Trung Quốc cũng đã lên tiếng thừa nhận Indonesia là trung gian hoà giải tranh chấp Biển Đông. Tháng 8/2012,  trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Indonesia, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Indonesia với tư cách nhà trung gian hòa giải không chính thức giữa Trung Quốc với những nước có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh trên biển Đông.

Ngày 2/5, trong khuôn khổ chuyến thăm bốn nước Đông Nam Á Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với người đồng cấp Indonesia tại Jakarta (Indonesia). Ngoại trưởng Marty Natalegawa  nhắc lại rằng cần thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nhấn mạnh các bên liên quan cần đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Trong hội đàm, hai bên đã đồng ý lập đường dây nóng về biển Đông để bộ trưởng Ngoại giao hai bên liên lạc nhanh chóng khi có diễn biến đáng chú ý ở biển Đông.

Mặc dù đóng vai trò là người hòa giải nhưng Indonesia vẫn liên tục nâng cao cảnh giác với Trung Quốc. Tháng 4/2012, khi trả lời phỏng vấn báo Financial Times (Anh), Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết: Vài tuần sau khi Bắc Kinh cho lưu hành hộ chiếu đường lưỡi bò, chính quyền Jakarta đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Trung Quốc. 'Chúng tôi đánh giá việc lưu hành hộ chiếu đó không thể được xem là sự công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc (ở biển Đông)', ông Natalegawa nói. Ngoại trưởng Indonesia cũng khẳng định: 'Chúng tôi áp dụng các biện pháp ngoại giao thầm lặng nhưng vẫn bày tỏ chính kiến của mình'.

Trước đó, vào thời điểm Trung Quốc có bước đi gây tranh cãi nói trên, ông Natalegawa đã công khai gọi đó là động thái 'xảo trá' và 'phản tác dụng'.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế của Indonesia cũng đã nhận định, hiện nay, tuy Indonesia và Trung Quốc không có tranh chấp gì trên biển Đông nhưng không có nghĩa là nó không xảy ra vì hiện Trung Quốc đang tập trung vào những đối thủ khác. Vì vậy, Indonesia cần tập trung nâng cao năng lực tác chiến tổng hợp cho lực lượng hải quân nước mình, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo Phó đô đốc Amarullah Octavia, chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm chiến đấu trên biển của Hạm đội miền Tây, các cuộc diễn tập quân sự của Indonesia, ví dụ như diễn tập “Rồng Komodo” 2014 phải chú trọng vào nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc đòi chủ quyền vùng biển Natuna, tránh lặp lại vụ Sipanda - Ligitan. Chuẩn bị trước để đối phó với Trung Quốc trên biển Đông không bao giờ là quá sớm.

Đề cao cảnh giác với Trung Quốc

Với nhiệm vụ nâng cao cảnh giác với Trung Quốc, thời gian gần đây Indonesia đã có những nỗ lực không nhỏ trong việc tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân.

Indonesia có dân số đông và lãnh thổ rộng lớn bao trùm hàng ngàn hòn đảo, có quân đội rất lớn, nhưng không được trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Sở dĩ có tình trạng đó một phần là do không có những mối đe dọa lớn từ bên ngoài. Tuy  nhiên, gần đây, do lo ngại về Trung Quốc cộng thêm với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ Indonesia mạnh tay chi tiền mua một loạt tàu ngầm từ Hàn Quốc và nhập khẩu các hệ thống radar bờ biển từ Trung Quốc, Mỹ  để bảo vệ những tuyến đường biển của mình.

Tàu hộ vệ lớp SIGMA 9113 (số hiệu 365) của Hải quân Indonesia
Tàu hộ vệ lớp SIGMA 9113 (số hiệu 365) của Hải quân Indonesia

Theo đó, Indonesia quyết định sẽ chi 1,56 tỷ USD trong năm nay cho việc nâng cấp hệ thống vũ khí sau khi tăng ngân sách quốc phòng lên 8 tỷ USD nhằm đối phó với những diễn biến an ninh nóng trong khu vực thời gian gần đây. Theo kế hoạch, quân đội Indonesia sẽ tậu thêm 24 máy bay trực thăng, xe tăng Leopard, cùng nhiều pháo và rocket có tầm bắn đến 100 km. Hiện tại, nước này cũng đang đàm phán mua 20 máy bay trực thăng ó đen.

Trước đó, giới chức không quân Indonesia thông báo kế hoạch trang bị thêm 102 máy bay mới các loại trong năm nay. Đây là một phần trong chương trình phát triển chiến lược quốc gia giai đoạn 2010-2014.

Chính phủ Indonesia quyết định nâng ngân sách quốc phòng năm 2013 lên 8 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm ngoái và sẽ nâng lên thành 16,7 tỷ USD vào năm 2015 để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa các lực lượng quân đội, đáp ứng tình hình mới trong bối cảnh an ninh khu vực liên tiếp xuất hiện nhiều diễn biến nóng trong những năm gần đây.

Tháng 3/2013, Indonesia và Trung Quốc đã thực hiện thỏa thuận chuyển giao công nghệ quốc phòng, trong đó Bắc Kinh sẽ hỗ trợ công nghệ để nước này có ngành công nghiệp sản xuất vũ khí độc lập. Trong khi đó, Mỹ cũng đưa ra chính sách cân bằng quan hệ với Indonesia khi đề nghị cung cấp lô máy bay F-16. Mới đây, ngày 1/6, Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất hợp tác, hỗ trợ Indonesia hiện đại hóa quân đội.

Rõ ràng Indonessia đóng vai trò là người hòa giải tranh chấp trên biển Đông chính là để giành được sự tín nhiệm của các quốc gia trong khu vực, và chuẩn bị sẵn cho cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại