Chuyên gia VN: "Quyền lực mềm của Trung Quốc đang rất yếu"

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Trung Quốc ngày càng cho thấy sự trỗi dậy của mình rất không hòa bình và trở nên như một đế quốc mới: hung hăng, thúc đẩy chạy đua vũ trang, bắt nạt các nước nhỏ.

 Phẫn nộ: Giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Vụ giàn khoan: VN có nên lập "vành đai an ninh biển"?

Trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận tiến bộ trên thế giới, chúng tôi xin gửi tới độc giả cuộc của trao đổi với TS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển, Học giả Fullbright trường Luật, Đại học Tổng hợp Boston, Hoa Kỳ về bối cảnh các mối quan hệ quốc tế ở Biển Đông.

TS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển.

TS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển.

PV: Tiến sỹ đánh giá như thế nào về cán cân cảnh hưởng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác?

TS Hoàng Ngọc Giao: Nói về cán cân thực lực quân sự, có lẽ Trung Quốc chưa thể được coi là một cường quốc về hàng hải mặc dù có nhiều tiền để mua sắm vũ khí.

Về sức mạnh mềm, quyền lực mềm ảnh hưởng, Trung Quốc đang tự tay phá vỡ sức mạnh mềm của mình trong khu vực và quốc tế. Trung Quốc ngày càng đánh mất đi tính chính danh dù luôn miệng nói là “trỗi dậy hòa bình”. Họ ngày càng tỏ ra sự trỗi dậy của mình rất không hòa bình: hung hăng, thúc đẩy chạy đua vũ trang, bắt nạt các nước nhỏ. Rõ ràng, Trung Quốc đã không còn giữ được bộ mặt sạch để thế giới tin họ đang trỗi dậy hòa bình.

Với việc đặt giàn khoan HD - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang cho thấy moọt sự trỗi dậy không hòa bình

Với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang cho thấy một sự trỗi dậy không hòa bình

PV: Ý ông là Trung Quốc đang muốn áp đặt lối chơi của mình lên cộng đồng quốc tế bằng những biện pháp mà các nước thực dân đã áp dụng từ lâu và nay đã lạc hậu…

TS Hoàng Ngọc Giao: Đúng vậy. Cách áp đặt lối chơi đó rất lạc hậu, thô thiển. Có thể nói quyền lực mềm của Trung Quốc rất yếu, họ đang một mình một sân. Họ đừng có tưởng rằng Nga đang gặp khó khăn thì sẽ gắn kết với họ như hồi Chiến tranh lạnh. Và ngay trong thời Chiến tranh lạnh, giữa Nga và Trung Quốc đã có mâu thuẫn phải giải quyết bằng quân sự.

Đến giờ Nga đã học được nhiều bài học với Trung Quốc. Hơn nữa, Nga cũng cần quan hệ với Nhật Bản, với Ấn Độ, và với các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, cho dù đang có sự kiện khủng hoảng ở Ukraine. Trung Quốc đang ở thế không thuận lợi chưa kể trong nội bộ của đất nước của họ đang chứa chất rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội đầy mâu thuẫn. Hành vi của Trung Quốc tổn hại đến hình ảnh và niềm tin của các nước đối với họ.

PV: Ngay sau khi Trung Quốc có hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á đã có chuyến thăm Việt Nam và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh. Động thái này từ Mỹ có liên quan gì tới tuyên bố trước đây của Mỹ về việc chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Giao: Việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một đường lối ngoại giao rất rõ ràng. Tôi đánh giá chính sách ngoại giao của Mỹ là minh bạch. Họ đã nói là làm, tất nhiên mức độ làm đến đâu còn phụ thuộc hoàn cảnh. Còn việc họ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì không phải vì Việt Nam hay Philippines mà vì lợi ích chiến lược toàn cầu của họ. Và việc tuyên bố chuyển chiến lược trọng tâm này được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang thực hiện đường lối ngoại giao: muốn sắp đặt lại quan hệ địa chiến lược trong khu vực và muốn xây dựng vùng đệm chiến lược ở Biển Đông cũng như mở rộng ra Tây Thái Bình Dương.

Việc “xoay trục” đồng thời phù hợp phần nào đó với lợi ích của các quốc gia trong khu vực đang bị Trung Quốc đè nén, gây sự. Và tôi cho rằng khi chúng ta có phù hợp về lợi ích thì không có lý do gì sự hợp tác lại không cần được tăng lên.

Nhật Bản và Mỹ từng là cựu thù trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Khi hai bên có một số điểm chung về lợi ích, giá trị, Mỹ đã giúp Nhật Bản phát triển. Việt Nam cũng vậy. Chúng ta gác lại những gì đã qua của chiến tranh để cởi mở với các nước khác trong đó có Hoa Kỳ. Chúng ta phải tranh thủ điều kiện này trong khi Hoa Kỳ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

PV: Thưa Tiến sỹ, những tín hiệu từ việc Trợ lý ngoại trưởng Mỹ sang Việt Nam cùng việc một số Thượng Nghị sỹ Mỹ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 đã tác động như thế nào tới Trung Quốc và việc đó liệu có liên quan gì đến việc Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đang có chuyến thăm Hoa Kỳ?

TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi nghĩ rằng chuyện đó là đương nhiên. Việc Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc thăm Hoa Kỳ nằm trong sách lược: vừa bắt nạt các nước nhỏ và vừa đi ve vãn các nước lớn của Trung Quốc.

Nhưng quan trọng là thái độ của nước được ve vãn như thế nào và thái độ đó đã được Tổng thống Mỹ tỏ rõ khi có chuyến công du 4 nước châu Á mới đây với những tuyên bố rất rõ ràng. Cho nên cũng không thể có chuyện vì một chuyến thăm của ông Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tới Hoa Kỳ mà Hoa Kỳ thay đổi chính sách. (Trong khi Hoa Kỳ là quốc gia có chính sách đối ngoại là nhất quán, rõ ràng chứ họ không lắt léo theo kiểu của Trung Quốc: Hôm nay nói thế này, mai nói thế khác). Vì thế việc Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc có chuyến thăm Hoa Kỳ thì đó là việc của họ.

Đã có những nhận định trong giới nghiên cứu quốc tế cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay nhau như 2 siêu cường duy nhất để thống trị thế giới. Cho đến nay, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ hướng đến một mối quan hệ như vậy.

Mỹ vẫn duy trì đường lối đối ngoại thẳng thắn trong quan hệ với Trung Quốc: Không đối đầu, không gây chiến nhưng cũng kiên quyết lên án những hành động sai trái của Trung Quốc.

PV: Trở lại vấn đề về giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo ông, Trung Quốc lo sợ những khả năng, yếu tố nào sẽ diễn ra tiếp theo?

TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi nghĩ rằng nói là Trung Quốc sợ thì cũng không đúng bởi sợ thì đã không làm. Nhưng Trung Quốc phải dè chừng với những khả năng nào có hại cho họ nhất. Có rất nhiều khả năng xảy ra và những khả năng đó còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình. Đó là việc Việt Nam phản ứng thế nào, ASEAN phản ứng ra sao, Mỹ phản ứng ra sao và các quan hệ kinh tế, quan hệ quốc tế tác động như thế nào tới lợi ích của Trung Quốc.

PV: Trong vụ việc này, Trung Quốc mất nhiều hơn hay được nhiều hơn, thưa ông?

TS Hoàng Ngọc Giao: Theo tôi đánh giá, Trung Quốc sẽ mất nhiều, họ mất cả uy tín, mất cả quyền lực mềm.

PV: Ông có nghĩ chính chính sách ngoại giao nói dối của Trung Quốc chính là tử huyệt của họ trong đối nội không, khi những hành động vừa qua chưa hẳn đã nhận được sự đồng thuận của người dân Trung Quốc?

TS Hoàng Ngọc Giao: Tôi nghĩ đó cũng là một cái mất của họ, nhưng đến thời điểm này là không nhiều bởi Trung Quốc tuyên truyền và ngăn cản thông tin rất mạnh. Chỉ các học giả, những người hiểu biết thì mới lên tiếng. Lãnh đạo Trung Quốc rất giỏi trong việc kích động tinh thần Đại Hán dân tộc. Câu chuyện giữa họ và Nhật Bản đã cho thấy điều đó khi họ kích động tinh thần Đại Hán dân tộc dù chiến tranh Trung - Nhật đã qua lâu.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại