Chính phủ Mỹ đóng cửa, chính sách xoay trục về châu Á hụt hơi

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Nếu Tổng thống Mỹ không có bất kỳ điểm dừng chân nào ở Châu Á như dự kiến, đó sẽ là tổn thất rất to lớn.

Khi cánh cửa chính phủ Mỹ còn chưa biết khi nào sẽ được mở ra thì Tổng thống Obama lại đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn về việc liệu có đến Châu Á tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào tuần tới hay không.

Sức ép lại càng đè nặng lên ông Obama khi nhiệm kỳ đầu đã cam kết sẽ đẩy mạnh chính sách chuyển hướng hay còn gọi là “xoay trục” về châu Á.

Chính sách xoay trục về châu Á của nước Mỹ có thể ảnh hưởng nặng nề vì chính phủ đóng cửa
Chính sách xoay trục về châu Á của nước Mỹ có thể ảnh hưởng nặng nề vì chính phủ đóng cửa

Ngày 2/10, Nhà Trắng đã phải công bố Tổng thống Obama quyết định hoãn chuyến thăm tới Kuala Lumpur và Manila vì chính phủ đóng cửa.

Ít nhất là cho tới thời điểm này, ông Obama vẫn còn có kế hoạch sẽ rời Washington vào thứ Bảy tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bali, Indonesia và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Darussalam, Brunei. Nhưng Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng sự tham gia của Tổng thống Obama là điều chưa chắc chắn.

“Nếu thực sự ông Obama quyết định phải hủy bỏ chuyến thăm, các hậu quả địa chính trị để lại sẽ rất lớn” Ernest Bower, chuyên gia phân tích Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.

Hôm thứ Tư, Nhà Trắng đã đổ lỗi cho các đảng viên Cộng hòa về việc buộc ông Obama phải hủy bỏ chuyến thăm đến Malaysia và Philippines.

“Việc đóng cửa đáng ra hoàn toàn có thể tránh được này đang cản trở khả năng thúc đẩy xuất khẩu và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ ở khu vực mới nổi lớn nhất thế giới”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Caitlin Hayden chỉ trích.

Nhà Trắng coi chuyến công cán đã được hoạch định từ rất lâu này có vai trò rất quan trọng đối với cái gọi là chính sách “xoay trục” trở lại châu Á của chính quyền Tổng thống Obama, một mặt vì tầm quan trọng kinh tế của khu vực nhưng mặt khác là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đo đó, nếu hủy bỏ toàn bộ chuyến công cán có thể làm nảy sinh những câu hỏi mới về việc liệu Mỹ có thực sự kiên trì với cam kết tập trung chính sách đối ngoại ở khu vực.

Trong chuyến thăm dự kiến đến Kuala Lumpur, ông Obama có kế hoạch tham dự một hội nghị doanh nhân quốc tế tại đây và đó cũng là chuyến công du đánh dấu chuyến viếng thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Malaysia kể từ sau chuyến công cán của Lyndon Johnson năm 1966.

Với Philippines, Mỹ đang trong giai đoạn đàm phán được tiếp cận rộng lớn hơn các căn cứ quân sự của Manila. Chuyến thăm của ông Obama được coi là một cử chỉ thiện chí quan trọng giúp thúc đẩy những nỗ lực này cũng như vận động Tổng thống Aquino ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các cuộc đàm phán về TPP dự kiến ​​sẽ là nội dung trọng tâm của hội nghị APEC với sự tham gia của đại diện 19 quốc gia Thái Bình Dương, gồm cả Hồng Kông và Đài Loan.

Trong những ngày sắp tới, ông Obama sẽ phải quyết định đưa ra giải pháp tốt nhất dựa trên những toan tính thiệt hơn giữa việc ở lại Washington và công du châu Á.

“Nếu Tổng thống không có bất kỳ điểm dừng chân nào ở Châu Á như dự kiến, đó sẽ là tổn thất rất to lớn”, Matthew Goodman, cựu điều phối viên Nhà Trắng về các hội nghị thượng đỉnh APEC và Đông Á trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama nhận xét. “Có thể nước Mỹ sẽ khôi phục được nhưng sẽ để lại những tác động lâu dài”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại