Biểu tình lớn ở Campuchia

Vũ Vũ |

Công nhân may mặc tại 2 đặc khu kinh tế ở Campuchia đòi tăng lương, biểu tình, ném đá vào cảnh sát buộc dùng vòi rồng trấn áp.

Theo thông tin từ báo Cambodia Daily, sáng thứ Hai, ngày 21/12, các công nhân tại hai đặc khu kinh tế (SEZ) Manhattan và Tai Seng ở thị trấn Bavet, tỉnh Svay Rieng, miền Đông Campuchia đã ném đá vào lực lượng an ninh và làm 2 sỹ quan quân cảnh bị thương.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Svay Rieng Hou Rattanak cho biết: "Trong sáng Thứ Hai, hàng nghìn công nhân ở các đặc khu kinh tế Manhattan và Tai Seng vẫn tiếp tục biểu tình, ném đá vào lực lượng an ninh và các xe cứu hỏa làm 2 sỹ quan quân cảnh bị thương và một xe cứu hỏa bị hư hỏng nặng".

Ông Hou Rattanak khẳng định cảnh sát buộc dùng vòi rồng để trấn áp người dân. "Nếu chúng tôi không hành động, họ sẽ phá hủy các nhà máy", ông Rattanak nói. Đồng thời, ông cũng phủ nhận việc ném bom khói vào đám người biểu tình.

Phó Tỉnh trưởng cho hay xung đột diễn ra khi những người biểu tình tràn sang các công xưởng khác, lôi kéo công nhân tham gia biểu tình.

Chea Oudom, một sĩ quan cấp tỉnh với Liên minh tập thể của Phong trào Công nhân (CUMW), cho biết các vụ đụng độ kéo dài khoảng 30 phút.

"Các công nhân bắt đầu ném các thùng nhựa nước, miếng băng và đá nhỏ vào cảnh sát và sau đó cảnh sát đã quyết định sử dụng chiếc xe cứu hỏa để phun nước vào họ", anh Oudom nói.

Trưởng phòng Cảnh sát Campuchia về tội phạm vị thành niên thuộc Công an Tỉnh  Svay Rieng cho hay có khoảng 500 nhân viên an ninh đã được triển khai xung quanh các đặc khu kinh tế.

Chỉ huy quân sự tỉnh này, ông Ser Vuthy cho biết, "Sau khi giáo dục 4 người bị bắt và yêu cầu ký vào thỏa thuận không sử dụng bạo lực, phá hoại tài sản của người khác trong tương lai, chúng tôi đã thả những người này về cha mẹ, người giám hộ của họ để quay trở về nhà".

Ông Tep Phalla cho biết 4 người bị bắt cuối tuần trước gồm Van Vichet (24 tuổi),  Paldy Somalyda (27 tuổi), Sok Kong (28 tuổi), Cheng Sopha (35 tuổi) có thể phải chịu mức án 12 năm tù vì vi phạm bạo lực và gây thiệt hại nghiêm trọng có chủ ý.

Hàng nghìn công nhân tại 2 đặc khu kinh tế trên đã tham gia các cuộc biểu tình từ hôm 16/12 để đòi tăng lương tối thiểu lên mức 148 USD từ mức được chính phủ phê duyệt là 140 USD.

Ông Mao Kosal, người quản lý hoạt động tại đặc khu kinh tế Tai Seng cho biết khoảng 70% trong số khoảng 10.000 lao động làm việc ở đây đã quay trở lại làm việc bình thường vào Thứ Hai tuần này.

Ông Men Chivoan, quản lý hoạt động tại đặc khu kinh tế Manhattan cho rằng đã có 23.000 công nhân đi làm ngày đầu tuần và vắng mặt khoảng 400 người.

Các nghiệp đoàn Campuchia phủ nhận liên đới đến vụ việc trên. Hiện cảnh sát Campuchia đang điều tra đối tượng đứng sau các vụ biểu tình.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại