Báo Nga: "Moscow cần dạy cho bạn bè mình bài học về tình bạn"

Ngọc Minh |

Quan hệ giữa 4 đồng minh của Nga với phương Tây hiện nay đã khiến báo Nga Pravda tỏ ra rất khó chịu. Tờ này thậm chí còn nhấn mạnh, Nga nên dạy cho họ "một bài học về tình bạn".

"Hoặc cùng hợp tác, hoặc đường ai nấy đi"

Mới đây, Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic đã chấp nhận đề nghị từ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu là giúp bình thường hóa quan hệ với Nga.

Cái gật đầu này đã khiến ông Nikolic trở thành trung gian hòa giải thứ tư cho Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, sau các Tổng thống Azerbaijan, Kazakhstan và Belarus - những người tuyên bố rằng quan hệ của họ với Ankara rất tốt đẹp.

Điều đó, theo báo Nga Pravda, chỉ là một trong số các động thái cho thấy 4 quốc gia nói trên - vốn luôn thân thiết và nhận được nhiều ưu đãi từ Nga - lại đang tìm cách gần gũi, lấy lòng phương Tây, bất chấp những sự kiện và cáo buộc nhằm vào Nga khiến Kremlin tức giận.

Pravda cho rằng, rõ ràng là Lukashenko đang khởi động mối quan hệ với Ankara. Mới đây, 2 bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên giữa Viện Khoa học Belarus, Viện Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ và Ủy ban Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ.

Kazakhstan thì bí mật đàm phán để gia nhập WTO, còn Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko dường như sẵn sàng hợp tác với người đồng cấp Ukraine.

Ông Lukashenko đã tuyên bố "các vị (Ukraine) yêu cầu bất cứ thứ gì, chúng tôi sẽ thực hiện nó trong vòng 1 giờ", đồng thời bán các sản phẩm làm từ dầu thô của Nga cho Ukraine.

Báo Nga tỏ rõ sự khó chịu tới mức cho rằng, Kremlin nên dạy cho các đồng minh này của mình "một bài học về tình bạn".

Báo Nga
Pravda
Với Serbia và Kazakhstan, không phải việc duy trì quan hệ với Nga quan trọng hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO hay sao?... Việc cúi mình nịnh nọt Thổ Nhĩ Kỳ, với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Serbia Nikolic mà nói, dường như không phải là động thái hợp lý.

Đồng quan điểm với Pravda, ông Aleksei Bychkov, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị CIS nhận định. "Kremlin cần phải đưa ra giải pháp nhằm đối phó với định hướng đa phương của các đối tác của mình ở Liên minh Kinh tế Á - Âu.

"Chắc chắn là cần phải đấu tranh chống lại điều này. Hoặc là chúng ta cùng phát triển và hợp tác, hoặc là chúng ta sống và làm việc hoàn toàn tách biệt như trước đây.

Điều này không phải là nhằm làm tổn thương các đối tác của chúng ta ở Liên minh Kinh tế Á- Âu. Điều này là nhằm xác định xem liệu chúng ta có đi chung một con đường hay không.

Moscow cần phải xây dựng chiến lược hợp tác không phải từ quan điểm kinh tế, mà còn phải là từ góc nhìn chính trị".

"Hãy nhìn gương Yanukovych"

Cũng trong bài báo, Pravda chỉ ra một vài ví dụ cho thấy mối quan hệ bạn bè, đồng minh thân thiết giữa Nga và nhà lãnh đạo 4 quốc gia Serbia, Azerbaijan, Kazakhstan và Belarus cũng như mối đe dọa do phương Tây gây ra với họ.

Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic đã đứng về phía Nga khi không đồng ý để NATO triển khai quân đội trên lãnh thổ nước mình và từ chối tư cách thành viên của Liên minh châu Âu EU cũng như tham gia trừng phạt Moscow.

Đổi lại, Serbia đang hưởng khoản vay trị giá hàng triệu USD mỗi năm từ Nga. Quốc gia này có khu vực thương mại tự do với Nga và dự kiến, kim ngạch thương mại 2 chiều sẽ còn tăng lên.

Hiện nay, Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Nga đang triển khai dự án trị giá 940 triệu USD tại Serbia, trong đó, 800 triệu USD là tới từ Nga.

Tương tự, tại Azerbaijan, ngân hàng Gazprom của Nga đang hỗ trợ công ty dầu khí nước này khoản vay 420 triệu USD để triển khai dự án xây dựng nhà máy hóa chất.

Kazakhstan và Belarus đều là đối tác của Nga tại Liên minh kinh tế Á - Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.

Nga đã cho Kazakhstan và Belarus hưởng ưu đãi thương mại, mua nguyên liệu với giá thấp hơn, hỗ trợ nguồn lực tài chính và bảo đảm viện trợ quân sự theo khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazhakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan).

Trong khi đó, cả Serbia và Azerbaijan đều đang chịu chung mối đe dọa rình rập từ phương Tây.

Pravda dẫn lại Tổng thống Azerbaijan Ilkham Aliyev cáo buộc các lực lượng phá hoại ở phương Tây đang liên kết để chống lại nước này, bởi họ "không muốn các quốc gia Hồi giáo phát triển".

Báo Nga
Pravda
Washington đã mơ tới việc thay đổi chế độ ở Kazakhstan và Belarus, biến nó trở thành chế độ như chúng ta thấy ở Ukraine ngày nay... Nhưng Yanukovych (cựu Tổng thống Ukraine) đã đi đâu sau khi bị truất quyền ở Ukraine? Chính xác. Ông ta tới Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại