"Quay lưng" với chiến đấu cơ Nga, Ấn Độ liệu có trụ vững trước Trung Quốc?

Trịnh Ngọc Tiến |

Nếu Ấn Độ loại Su-30MKI ra khỏi biên chế, đó là điều không tưởng và sẽ gây thiếu hụt lực nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cán cân lực lượng với các địch thủ Trung Quốc và Pakistan.

80% máy bay chiến đấu của Ấn Độ có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga

Truyền thông Ấn Độ vừa lên tiếng chỉ trích máy bay chiến đấu của Nga là đắt đỏ và tỏ ra tiếc nuối vì nước này đã không quyết định "xuống tiền" mua tiêm kích Rafale của Pháp từ sớm hơn.

Tuy nhiên, họ không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) lý do tại sao, New Delhi lại mua Su-30MKI và loại máy bay chiến đấu này đã làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự của Ấn Độ với những quốc gia kình địch như thế nào.

Trong quá khứ, từ năm 1962, Ấn Độ bắt đầu nhập từ Liên Xô máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay có tính năng chiến đấu tốt nhất thế giới vào thời điểm đó. Chỉ 5 năm sau, vào năm 1967, Ấn Độ chính thức bắt đầu sản xuất MiG-21 theo giấy phép của Liên Xô. Tổng cộng đã có 657 chiếc MiG-21 được sản xuất với nhiều phiên bản khác nhau.

Quay lưng với chiến đấu cơ Nga, Ấn Độ liệu có trụ vững trước Trung Quốc? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale của Pháp.

Theo thời gian, những chiếc MiG-21 đã dần trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Liên Xô cũng đã ngừng sản xuất MiG-21 từ đầu thập niên 1980 và đưa ra khỏi biên chế vào đầu những năm 1990.

Hiện trong biên chế của Không quân Ấn Độ vẫn còn khoảng 120 chiếc MiG-21 (bản nâng cấp) vẫn đang hoạt động, nhưng cũng đã gần hết niên hạn sử dụng và cần phải tìm nguồn cung thay thế.

Hiện nay, lực lượng không quân của Ấn Độ được trang bị khoảng 80% máy bay có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga; từ những máy bay MiG-21 đến MiG-29 và cường kích MiG-27 và gần đây là Su-30 MKI.

Tuy nhiên, Liên Xô (và Nga) chưa bao giờ là nhà độc quyền cung cấp máy bay chiến đấu cho không quân Ấn Độ; trong biên chế của không quân Ấn Độ còn có 50 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Mirage 2000 (H/TH) và 100 máy bay tiêm kích bom Jaguar (sản phẩm chung của Anh và Pháp); tất cả những máy bay này cũng đều đã lạc hậu, sắp phải đưa ra khỏi biên chế.

Su-30 của Nga làm thay đổi cán cân Không quân Ấn Độ

Sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), vận may đến với Ấn Độ là khi đó Nga quyết định xuất khẩu rộng rãi “bảo bối” của họ, đó chính là máy bay chiến đấu Su-27 và biến thể là Su-30MK; đây là mẫu máy bay tiêm kích tấn công đa năng hạng nặng, hoạt động tầm xa; dùng để chiếm ưu thế trên không và tiến công các mục tiêu trên mặt đất và mặt biển.

Sau gần 2 năm đánh giá và đàm phán, vào ngày 30 tháng 11 năm 1996, Ấn Độ quyết định mua máy bay Su-30 với một hợp đồng trị giá tới 1,462 tỷ USD để mua 40 chiếc Su-30MK.

Số máy bay này được giao thành ba đợt: Đợt thứ nhất gồm 10 chiếc Su-30MK, phiên bản cơ bản của Su-30; đợt thứ hai gồm 8 chiếc Su-30MK với hệ thống điện tử hàng không của Pháp và Israel; đợt thứ ba gồm 10 chiếc Su-30MK có trang bị cánh mũi. Đợt thứ tư và là đợt giao cuối cùng gồm 12 chiếc Su-30MKI trang bị động cơ phản lực cánh quạt đẩy AL-31FP.

Quay lưng với chiến đấu cơ Nga, Ấn Độ liệu có trụ vững trước Trung Quốc? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Su 30-MKI của Không quân Ấn Độ.

Trong số máy bay chiến đấu Su-30 của không quân Ấn Độ, số máy bay phiên bản Su-30 MKI là phiên bản hiện đại nhất; MKI là một biến thể của Su-30, được Tập đoàn Sukhoi của Nga và HAL của Ấn Độ hợp tác cùng phát triển cho Không quân Ấn Độ.

Dù là một biến thể của Su-30, nhưng Su-30MKI hiện đại hơn Su-30 nguyên bản và cả Su-30MKK của Trung Quốc. Hệ thống điện tử hàng không, đặc tính khí động học và các thành phần cấu tạo đều tương tự như Su-35 sau này.

Năm 2000, một thỏa thuận tiếp theo đã được ký kết, cho phép sản xuất theo giấy phép 140 chiếc Su-30MKI tại Ấn Độ.

Việc sản xuất MKI được chia thành 4 giai đoạn, trong khi Giai đoạn I là vận chuyển khối linh kiện máy bay hoàn thiện đến Ấn Độ và lắp ráp lại, thì đến Giai đoạn IV là việc chế tạo MKI từ các nguyên liệu thô trong nước của Ấn Độ, với hệ thống sản xuất nội địa (đạt trên 90% trở lên) của Tập đoàn công nghiệp Hàng không HAL của Ấn Độ.

Hiện nay Tập đoàn HAL có năng lực sản xuất 12 chiếc Su-30MKI một năm; đến tháng 3 năm 2020, HAL sẽ sản xuất chiếc MKI thứ 272.

Không quân Ấn Độ tiếp tục có kế hoạch sử dụng số Su-30MKI cho đến sau năm 2030; và vào tháng 5 năm 2018, Không quân Ấn Độ tiếp tục đặt HAL chế tạo thêm 40 chiếc MKI khác;

Gần đây nhất là vào ngày 9 tháng 7 năm 2019, Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga Vladimir Drozhzhov thông báo rằng, Không quân Ấn Độ sẽ tiếp tục mua 18 máy bay chiến đấu Su-30MKI mới, đưa số lượng Su-30MKI trong biên chế của Không quân Ấn Độ nên 312 chiếc.

Để so sánh: trong biên chế chiến đấu của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga, có chỉ có 103 chiếc Su-30SM và 20 Su-30M2.

Với việc trang bị rộng rãi Su-30MKI, Ấn Độ đã đạt được ưu thế quân sự so với 2 đại kình địch là Trung Quốc và Pakixtan.

Tại sao Ấn Độ lại quay lưng với Su-30MKI?

Vừa qua, tời Thời báo Kinh tế Ấn Độ có những nhận xét về phẩm chất thấp của máy bay chiến đấu Su-30MKI so với chiếc Rafale của Pháp, khi cho rằng, vòng đời sử dụng của Rafale gấp 1,5 lần Su-30MKI; ngoài ra còn cho rằng bán kính hoạt động của Rafale là từ 780 đến 1.055 km, trong khi đó Su-30MKI chỉ là 400-550 km.

Rafale có thể thực hiện năm chuyến bay chiến đấu mỗi ngày và Su-30MKI chỉ là ba chuyến bay/ngày; đồng thời phí bảo dưỡng, sử dụng của Su-30MKI đều cao hơn Rafale.

Nhưng trên thực tế, bán kính chiến đấu của Su-30MKI là 1.500 km; tốc độ 2.125 km/h (nếu bay ở độ cao 10 km); khi bay ở gần mặt đất, tốc độ đạt 1.350 km/h; trần bay thực tế của Su-30MKI là 17.300 mét. Thời gian bay liên tục là 3,5 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.

Với máy bay Rafale, bán kính bay chuyển sân là 1.800 km, bán kính chiến đấu khi mang đầy đủ vũ khí là 1.389 km. Tốc độ tối đa ở độ cao 10 km là 1.915 km/h, trần bay thực tế là 15.240 mét.

Nói chung hai loại máy bay này có tính năng gần tương đương như nhau. Su-30 có chuyến bay đầu tiên vào cuối tháng 12 năm 1989; phiên bản Su-30MKI của Ấn Độ vào năm 1997.

Phiên bản Rafale A, chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 4 tháng 7 năm 1986, bắt đầu hoạt động là vào tháng 5 năm 2001.

Nếu so sánh giữa hai máy bay chiến đấu cùng loại, thì mỗi loại có cả ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi hai loại máy bay gần tương đương tính năng như vậy, thì hiệu quả thể hiện ở việc ai là người cầm lái và kinh nghiệm chiến đấu của anh ta là gì.

Quay lưng với chiến đấu cơ Nga, Ấn Độ liệu có trụ vững trước Trung Quốc? - Ảnh 3.

Hiện trường vụ máy bay MiG-29K của Ấn Độ rơi hôm 16/11/2019.

Nếu nói về tỷ lệ tai nạn bay của Không quân Ấn Độ, thì Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tai nạn máy bay. Theo thống kê, Không quân Ấn Độ đã mất nhiều máy bay chiến đấu Su-30MKI hơn bất kỳ nhà khai thác máy bay nào khác.

Điều này cũng là do thực tế là hầu hết các sân bay quân sự ở Ấn Độ đều nằm gần các thành phố lớn, vùng ngoại ô có rất nhiều bãi rác khổng lồ, có nhiều đàn chim bay xung quanh. Hơn 10% thảm họa với Su-30MKI của Ấn Độ xảy ra là do va chạm với chim trời.

Cùng với đó là trình độ và bản lĩnh của phi công; chẳng hạn, ở Trung Quốc, một phi công PLA sẽ cố gắng cứu máy bay trong tình huống nguy cấp, biết rằng việc đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của phi công; nhưng nếu xảy ra trường hợp tương tự, thì phi công Ấn Độ sẽ nhảy dù để đảm bảo an toàn, kể cả những tình huống vẫn còn có thể xử lý được.

Bên cạnh đó là công tác bảo dưỡng máy bay của Ấn Độ cũng là khâu rất yếu; chẳng phải là máy bay của Nga mà cả là máy bay của Pháp, Anh và thậm chí là vận tải cơ C-130 mới tinh cũng bốc cháy.

Nếu Ấn Độ loại bỏ Su-30MKI ra khỏi biên chế, đó là điều không tưởng và sẽ gây thiếu hụt lực nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cán cân lực lượng với các địch thủ Trung Quốc và Pakixtan; hiện nay một thế hệ phi công Ấn Độ, được Nga đào tạo bài bản sẽ biết cách khai thác hiệu quả số Su-30MKI của họ.

Hiện nay số Su-30MKI của Ấn Độ đã được đưa lên cấp độ 4 ++ và trong ít nhất vài thập kỷ nữa, nó vẫn là nền tảng của sức mạnh không quân Ấn Độ. Việc thay thế số máy bay này cùng một lúc bằng máy bay Rafale chắc chắn sẽ không hiệu quả, bao gồm cả do giá quá cao và Ấn Độ chưa thực sự làm chủ công nghệ với loại máy bay này.

Cũng có thể, động tác “quay lưng” với Su-30MKI của Ấn Độ, chỉ đơn thuần là động tác tâm lý mua hàng, để giảm giá cho những lô Su-30MKI của những hợp đồng tiếp theo; đó là điều Ấn Độ vẫn hay thường làm và cũng mang lại hiệu quả tích cực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại