Xe bọc thép Humvee và Tigr - Ai mạnh hơn?

Ly Vy |

Humvee và Tigr là hai dòng xe bọc thép phổ biến trong quân đội Mỹ, Nga. Bài so sánh dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về sức mạnh của chúng.

Về thiết kế

Xe bọc thép HumveeTigr không có quá nhiều khác biệt, đây đều là hai mẫu xe 4 x 4 được thiết kế để vận chuyển một nhóm nhỏ binh lính cùng với thiết bị trên nhiều điều kiện địa hình khác nhau.

Ngoài ra, chúng còn có thể thực hiện thêm một số nhiệm vụ như: trinh sát, hỗ trợ hỏa lực,...

Xe bọc thép Humvee.

Xe bọc thép High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle - HMMWV (Humvee).

Xe bọc thép Humvee bắt đầu đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 1984 nhằm thay thế các mẫu xe Jeep trứ danh vốn đã không còn đáp ứng được yêu cầu tác chiến.

Cho đến nay, Humvee là một trong những loại xe bọc thép được chế tạo với số lượng lớn nhất (hơn 280.000 chiếc) và có mặt trong biên chế quân đội nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong quân đội Mỹ, Humvee đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc chiến như: Chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan, Iraq,...

Xe bọc thép Tigr.

Xe bọc thép GAZ-2975 Tigr.

Xe bọc thép GAZ-2975 Tigr phục vụ quân đội Nga từ năm 2006. Xe có thiết kế truyền thống với động cơ đặt phía trước, kíp xe ở giữa và khoang chứa hàng nằm phía sau.

Tigr cũng xuất hiện trong biên chế "người lịch sự" - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc Nga lấy lại Crimea.

Về tính năng kỹ chiến thuật

Mặc dù có nhiều điểm chung về thiết kế cũng như nhiệm vụ nhưng xe bọc thép Humvee và Tigr lại có tính năng kỹ chiến thuật khác biệt:

Humvee có chiều dài 4,57 m; rộng 2,16 m; cao 1,83 m; khối lượng 2.676 kg. Xe được trang bị động cơ diesel V8 6,2 lit hoặc động cơ turbo diesel V8 6,5 lit giúp đạt tốc độ tối đa 113 km/h.

Trong khi đó Tigr có chiều dài 5,7 m; rộng 2,4 m; cao 2,4 m; khối lượng 7.200 kg. Động cơ Cummins 5,9 lit của Tigr cho phép chạy với tốc độ 140 km/h trên đường nhựa

Có thể thấy xe bọc thép Tigr có kích thước lớn hơn, nặng hơn nhưng tốc độ di chuyển lại cao hơn Humvee. Nhưng trên chiến trường thì khả năng chiến đấu mới là yếu tố quan trọng nhất cần xét đến:

Do nhiệm vụ chuyên chở một nhóm nhỏ binh lính nên khả năng bảo vệ của xe là rất quan trọng. Năng lực vận hành trên nhiều điều kiện địa hình phức tạp và hỏa lực trang bị trên xe cũng là yếu tố cần xét đến.

1 chiếc Humvee bị dính IED.

Một chiếc Humvee bị trúng mìn tự tạo.

Chuyên gia Sergei Suvorov cho biết lớp bảo vệ trên xe bọc thép Humvee không thể nào so sánh được với Tigr, khi mà xe của Nga được trang bị giáp cấp 5 có thể chống đạn súng máy 7,62 mm.

Humvee của Mỹ ban đầu rất dễ bị tổn thương bởi đạn súng máy, đến nỗi Mỹ phải chế tạo phiên bản M998 với lớp bọc thép dày hơn và cửa kính chống đạn nhằm hạn chế thương vong cho binh lính.

Tuy nhiên Humvee vẫn gặp một vấn đề lớn khi tham gia chiến đấu, đó là sự xuất hiện của các thiết bị nổ tự chế (IED). Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2006, tại chiến trường Iraq đã có 67 lính Mỹ thiệt mạng trong xe Humvee.

Việc những chiếc Humvee quá dễ tổn thương trước IED khiến người Mỹ phải tìm cách khắc phục điều này bằng cách lắp thêm các lớp giáp bổ sung.

Mặc dù tỏ ra khá hiệu quả nhưng do bổ sung giáp cũng như tháp súng nên đã khiến khối lượng xe tăng vọt, dẫn đến không tin cậy và tăng nguy hiểm trong trường hợp bị lật.

Còn với xe bọc thép Tigr, chuyên gia Suvorov cho biết nó có thể chịu được sức công phá của 600 gam TNT đặt dưới xe, bảo vệ được kíp lái.

Xe bọc thép Humvee trang bị cùng tên lửa chống tăng BGM-71 TOW.

Xe bọc thép Humvee trang bị tên lửa chống tăng BGM-71 TOW.

Về vũ khí trang bị, trên nóc xe bọc thép Humvee và Tigr đều cho phép lắp đặt thêm nhiều loại vũ khí khác nhau.

Nếu như lính Mỹ thường lắp đặt súng máy hạng nặng M2 12,7 mm thì với xe bọc thép Tigr, lính Nga thường lắp đặt súng máy Pecheneg 7,62 mm hay súng phóng lựu AGS-17.

Cả hai loại xe đều có thể lắp đặt thêm tên lửa chống tăng, ở Humvee là BGM-71 TOW còn Tigr mang được tới 8 tên lửa Kornet-EM.

Biến thể trang bị 8 tên lửa chống tăng Kornet-EM của xe bọc thép Tigr.

Biến thể trang bị 8 tên lửa chống tăng Kornet-EM của xe bọc thép Tigr.

Về khả năng hoạt động trên nhiều địa hình

Không thể phủ nhận rằng Humvee là loại xe bọc thép hoạt động khá tốt trên nhiều điều kiện địa hình phức tạp khác nhau.

Bản thân việc so sánh khả năng vận hành của hai xe cũng chỉ được chuyên gia Suvorov lựa chọn ở môi trường tuyết dày 40 - 50 cm tại Nga.

Trong trường hợp này, Humvee chỉ di chuyển được 1 m và sau đó bị mắc kẹt trong khi Tigr có thể vận động bình thường và không gặp bất cứ vấn đề nào.

Kết luận

Qua một số so sánh trên có thể thấy rằng xe bọc thép Humvee tỏ ra thua kém Tigr ở khả năng bảo vệ khi mà nó dễ bị tổn thương bởi các loại súng máy và IED. Ngoài ra, Humvee còn thua trên "đường đua tuyết trắng" tại Nga.

Nhưng xét một cách khách quan thì bản thân xe bọc thép Tigr ra đời sau chiếc Humvee rất lâu, người Nga có đủ thời gian để nghiên cứu những nhược điểm của chiếc Humvee để thiết kế ra một loại xe tốt hơn.

Nếu như tương lai của Humvee trong quân đội Mỹ đã kết thúc khi mà lính thủy đánh bộ Mỹ chuyển sang dùng xe MRAP còn lục quân Mỹ đang tìm kiếm phương án thay thế, thì với Tigr, hiện nay nó mới bắt đầu trang bị rộng rãi trong các lực lượng thuộc quân đội Nga.

Chuyên gia Suvorov so sánh tính năng xe bọc thép Tigr và Humvee

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại