Vụ Mistral: 2 rào cản khiến TQ có muốn "cứu" Pháp cũng không được

Nhật Minh |

Theo một bài bình luận đăng trên trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh), khả năng Trung Quốc mua tàu đổ bộ lớp Mistral của Pháp rất mong manh, thậm chí bằng 0.

Chuyến thăm từ ngày 9/5 – 15/5 của Hải quân Pháp (với sự có mặt của tàu Mistral) tới Thượng Hải đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu Pháp có tìm cách lôi kéo Trung Quốc mua loại tàu này?

Đặc biệt là trong bối cảnh 2 tàu Mistral mà Pháp đóng cho Nga đã bị trì hoãn chuyển giao vô thời hạn vì khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, theo trang mạng Sina Military, gần như không có khả năng Trung Quốc mua lại 2 tàu của Nga.

Đầu tiên, ngay cả khi Trung Quốc có hứng thú với những con tàu này thì vẫn có 2 trở ngại lớn từ bên ngoài phải vượt qua.

Một là Mỹ, quốc gia không chỉ từng áp đặt lệnh cấm bán vũ khí và công nghệ quân sự cho Trung Quốc, mà còn gây áp lực để các nước khác phải theo sự dẫn dắt của họ.

Sina cho biết, tàu sân bay Varyag (mà Bắc Kinh mua lại từ Ukraine và tân trang thành tàu Liêu Ninh) từng suýt không được bán cho Trung Quốc do sự can thiệp của Mỹ.

Do đó, Bắc Kinh đã phải dựa vào công nghệ quân sự của Nga để tránh bị tụt hậu quá xa, mặc dù nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì điều này cũng giúp Trung Quốc phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước.

Thứ hai là lệnh cấm hợp tác quân sự và bán vũ khí cho Trung Quốc do Liên minh châu Âu (EU) thiết lập vào năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn.

Mặc dù lệnh cấm này không được ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý nhưng Mỹ vẫn tiếp tục tìm cách đảm bảo lệnh cấm được thi hành.

Như vậy, bất cứ nỗ lực nào để mua các tàu Mistral từ Pháp đều không khả thi, bởi nó chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ Mỹ.

Bên cạnh đó, theo Sina, còn một vấn đề lớn hơn là liệu Trung Quốc có cần những chiếc tàu đổ bộ này không?

Các dự án phát triển, nghiên cứu quân sự, thậm chí quyết định nhập khẩu của Trung Quốc luôn được đưa ra dựa trên kế hoạch chiến lược toàn diện của quốc gia.

Trước khi mua bất cứ khí tài quân sự nào, Trung Quốc luôn tiến hành nghiên cứu và phân tích trước tiên để xem họ có nhu cầu không và khí tài này có thể thỏa mãn nhu cầu đó không.

Sina cho rằng tàu Mistral (trên) không có nhiều điểm vượt trội so với tàu đổ bộ Type 071 (dưới) do Trung Quốc chế tạo.

Sina cho rằng tàu Mistral (trên) không có nhiều điểm vượt trội so với tàu đổ bộ Type 071 (dưới) do Trung Quốc chế tạo.

Sina nhận định, Trung Quốc hiện không có nhu cầu đối với các tàu Mistral bởi đã có tàu vận tải đổ bộ Type 071.

Cho tới nay, 4 chiếc Type 071 đã được hoàn thiện và lô tàu thứ 2 đang trong quá trình chế tạo.

Ngoài ra, giá trị hợp đồng giữa Nga và Pháp cho thấy tàu Mistral đắt gấp vài lần tàu Type 071. Trong khi đó, Type 071 còn có thêm một lợi thế sẵn có là được chế tạo theo tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia.

Theo Sina, ngoài hệ thống động cơ đẩy điện có phần vượt trội hơn, tàu Mistral của Pháp không tiên tiến hơn tàu Type 071 ở những phương diện khác.

Type 071 có hệ thống chỉ huy và kiểm soát toàn diện, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống cảnh báo, hệ thống phòng không tầm ngắn, hệ thống pháo, hệ thống chỉ huy đổ bộ cũng như thiết bị liên lạc vệ tinh và liên kết dữ liệu tiên tiến.

Nếu mua tàu Mistral của Pháp, Trung Quốc sẽ phải tìm cách tích hợp chúng với các hệ thống sẵn có của quân đội Trung Quốc.

Sina cho rằng, số tiền cần có để tiến hành những thay đổi cần thiết này sẽ là rất lớn.

>>> Báo Nga: Đánh chìm tàu Mistral chẳng khác nào "sát nhân"!

>>> Nếu Pháp không giao tàu, Nga có thể tự đóng Mistral ở đâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại