Vũ khí Mỹ ồ ạt đến châu Á-TBD, Trung Quốc 'giật mình thon thót'

Đây là lần đầu tiên Washington điều nhiều máy bay chiến đấu loại này tới Philippines đến như vậy.

Vũ khí Mỹ ồ ạt đến châu Á-TBD, Trung Quốc 'giật mình thon thót'
Chiến đấu cơ F/A-18 sẽ đến Philippines

Đây là lần đầu tiên Washington điều nhiều máy bay chiến đấu loại này tới Philippines đến như vậy.

F/A-18 là một loại máy bay phản lực chiến đấu hiện đại có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Nó được thiết kế và chế tạo với khả năng tấn công cả các mục tiêu trên không và dưới mặt đất.

Nhiệm vụ chính của chiến đấu cơ F/A-18 là hộ tống máy bay ném bom, bảo vệ hạm đội, tiêu diệt lực lượng phòng không của đối phương, ném bom chiến thuật, yểm trợ mặt đất và trinh sát. Nó có tính linh hoạt và khả năng tin cậy cao. Chiến đấu cơ loại này có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 2000 km/h.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Thiếu tá Emmanuel Garcia cho hay sự hiện diện của các máy bay F/A-18 không liên quan đến những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông nói: "Các cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ cách đây hơn một năm, rất lâu trước những gì đang xảy ra trong khu vực".

Theo Thiếu tá Garcia, các hoạt động quân sự song phương này, với sự tham gia của 8.000 binh sỹ Mỹ và Philippines bắt đầu từ ngày 5/4, sẽ tiến hành đánh trận giả và diễn tập cách ứng phó thiên tai.

Ngoài 12 máy bay tiêm kích F/A-18 nêu trên, Mỹ cũng sẽ đưa tàu đổ bộ USS Tortuga cùng 14 máy bay quân sự khác tham gia cuộc tập trận, trong đó có các máy bay vận tải C-130 và máy bay trực thăng.

Tháng 3/2013, tàu chiến USS Feedom của Mỹ đã bắt đầu vượt qua Tây Thái Bình Dương đến Singapore. Đảo quốc này dự kiến sẽ cho đồn trú tối đa 4 tàu chiến Mỹ.

Trong khi đó, với cái cớ Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân và tên lửa vào Mỹ và các căn cứ Thái Bình Dương của Mỹ, Mỹ đã ồ ạt tung ra những vũ khí đáng sợ hàng đầu để uy hiếp Triều Tiên. Cụ thể, nước này điều ba tàu khu trục USS John McCain, USS Fitzgerald và USS Decatur tới bờ biển Hàn Quốc.

Hai chiến đấu cơ tàng hình F-22 từ căn cứ không quân Mỹ tại Okinawa (Nhật) đã có mặt tại Hàn Quốc.

Trước đó, pháo đài bay B-52 và máy bay ném bom tàng hình B-2 đã đến tập trận tại Hàn Quốc.

Hải quân Mỹ cũng đang di chuyển giàn khoan dầu SBX-1 có đặt hệ thống radar giám sát tới gần bờ biển Triều Tiên. Còn Lầu Năm Góc sẽ đưa hệ thống lá chắn tên lửa mặt đất THAAD tới bảo vệ các căn cứ quân sự ở Guam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á diễn ra ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Leon Panetta đã lần đầu tiên thông báo chi tiết về chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, Mỹ tuyên bố sẽ đưa 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến khu vực Châu Á vào năm 2020. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong tay lực lượng gồm 282 tàu chiến. Như vậy, trong vài năm nữa, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ thường xuyên đóng tại khu vực. Hải quân Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì hơn một nửa (6) trong số 11 tàu sân bay khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Những hoạt động quân sự dồn dập trên đây cho thấy Mỹ đang thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Obama công bố hồi cuối năm 2011.

Và tất nhiên, chúng hẳn khiến Trung Quốc 'giật mình thon thót'.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại