Việt Nam có còn ý định mua máy bay vận tải L-410?

Tuấn Trung |

Vào tháng 3/2012, website của Bộ Công thương Cộng hòa Czech đăng thông báo, Việt Nam đang đàm phán để mua 12 máy bay vận tải tầm ngắn L-410.

Thông tin trên được đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech, ông Alexandr Vondara.

Sau đó, theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 17/4/2013 tại Đà Nẵng, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ.

Đối tượng tham dự Hội nghị là 80 đồng chí giữ cương vị chủ nhiệm, phó chủ nhiệm kỹ thuật, trưởng ban, trợ lý kỹ thuật ngành máy bay động cơ của các đơn vị trực thuộc quân chủng.

Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ. Ảnh: Quân đội nhân dân
Hội nghị tập huấn ngành máy bay động cơ. Ảnh: Quân đội nhân dân

Trong thời gian hai ngày tập huấn, các học viên được nghe giới thiệu về nhiều loại vũ khí trang bị mới như máy bay CASA C-212, DH-6, EC-255 và đặc biệt là loại máy bay vận tải hạng nhẹ L-410 do Cộng hòa Czech chế tạo.

Một chiếc L-410 phiên bản dân sự dùng để chở khách

L-410 Turbolet là loại máy bay vận tải tầm ngắn 2 động cơ cánh quạt do hãng LET của Cộng hòa Czech nghiên cứu phát triển và được sản xuất từ năm 1971 tới nay.

Đã có tổng cộng hơn 1.100 chiếc L-410 xuất xưởng, phục vụ trong cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Thông số kỹ thuật cơ bản của L-410: chiều dài 14,42 m; chiều cao 5,83 m; sải cánh 19,48 m; trọng lượng cất cánh tối đa 6,4 tấn; máy bay chở được 1,6 tấn hàng hóa hoặc 19 người.

L-410 được trang bị 2 động cơ turbine cánh quạt Walter M601E cho tốc độ lớn nhất 380 km/h ở trần bay 4,2 km hoặc tốc độ hành trình 365 km, tầm hoạt động 1.400 km.

Điểm nổi bật của L-410 là khả năng cất hạ cánh trên đường băng dã chiến cực ngắn, độ dài yêu cầu chỉ 565 m.

Máy bay vận tải quân sự L-410

Mặc dù có lúc tưởng như hợp đồng mua sắm máy bay vận tải L-410 giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech đã chuẩn bị được ký kết, tuy nhiên từ đó đến nay không có thêm bất cứ một diễn biến nào khác.

Điều này dẫn đến suy đoán, rất có thể L-410 đã không còn nằm trong kế hoạch trang bị của Không quân Việt Nam nữa.

Nhận định trên tỏ ra khá hợp lý vì mặc dù nhỏ gọn, tính cơ động cao nhưng L-410 lại có nhược điểm là sức tải quá thấp. Nếu mua về chỉ để tiếp tế hàng hóa cho Trường Sa thì hơi lãng phí vì nhiệm vụ này đã được trực thăng Mi-17 và EC-225 hoàn thành tốt trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam mới đây đã nhận đủ 3 chiếc C-295M đầu tiên và có ý định sẽ đặt mua thêm loại máy bay vận tải hạng nhẹ cũng có khả năng cất hạ cánh đường băng rất ngắn nhưng lại có tải trọng gấp gần 6 lần càng làm cho cơ hội của L-410 trở nên mờ mịt.

Do vậy, nhiều khả năng là L-410 sẽ không thể có mặt trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại