Vì sao VN không trang bị S-300F để phủ 'lưới lửa' khắp biển Đông?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Đã có S-300PMU1, tại sao Việt Nam không trang bị S-300F? Phải chăng Việt Nam đang bỏ quên hệ thống phòng không trên biển Đông?

Với những điểm ưu việt của tổ hợp S-300F mà chúng ta tìm hiểu ở kỳ trước, tại sao cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa sở hữu bất kỳ tổ hợp S-300F nào? Chúng ta thử tìm hiểu xem những trở ngại nào đối với Việt Nam trong vấn đề này.

Chi phí khổng lồ

Việc sở hữu tổ hợp S-300F hoặc các biển thể của nó khiến Việt Nam phải chi trả một khoản chi phí rất lớn. Ngoài việc sở hữu tên lửa và các thiết bị phóng cũng như hệ thống điều khiển, trinh sát đi kèm thì tổ hợp này cần phải được một tàu có lượng giãn nước lớn chuyên chở.

Tàu chiến lớn nhất Việt Nam hiện nay là 2 tàu lớp Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, trọng tải lên đến 2100 tấn, mức mớn nước 5,3 m, thủy thủ đoàn 98 người.

	Hai chiến hạm lớn nhất của Việt Nam mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có lượng giãn nước 2100 tấn

Hai chiến hạm lớn nhất của Việt Nam mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có lượng giãn nước 2.100 tấn

Còn các tàu trang bị S-300F của Nga là  lớp Slava Project 1164 Atlant có dài 186,4m, rộng 20,8m, mớn nước 8,4m, tải trọng tiêu chuẩn 10.000 tấn, đầy tải 12.500 tấn, thủy thủ đoàn từ 476-529 người.

Tàu chiến lớp Kirov dài 252m (tương đương tàu sân bay hạng nhẹ và tàu đổ bộ tấn công hiện đại), rộng 28,5m, mớn nước 9,1m, lượng giãn nước khổng lồ lên tới 28.000 tấn. Trong khi đó, tàu Type 051C của Trung Quốc có chiều dài 155 m, chiều rộng 17 m, mớn nước 6 m, lượng giãn nước 7.100 tấn, thủy thủ đoàn 290 người.

Giá trị hợp đồng 2 tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mà phía Việt Nam phải thanh toán cho phía Nga là 350 triệu USD, nhỏ hơn nhiều nếu so với loại tàu nhỏ nhất mang S-300F là Type 051C của Trung Quốc với chi phí sản xuất lên đến 800 triệu USD mỗi tàu.

Không chỉ chi phí chế tạo ban đầu mà chi phí bảo dưỡng, sữa chữa và duy trì hoạt động thường xuyên của các loại tàu này cũng cực kỳ lớn. Hiện tại do thiếu chi phí, Nga chỉ duy trì hoạt động của 2 tàu lớp Kirov là Admiral Nakhimov (đang bảo dưỡng cho tới năm sau) và  Pyotr Velikhiy (soái hạm của hạm đội biển Bắc). Còn 1 chiếc đã bị rã ra lấy phụ tùng thay thế cho 3 chiếc còn lại.

Số lượng tuần dương hạm lớp Slava trong biên chế Hải quân Nga cũng chỉ có 3 chiếc: chiếc tuần dương hạm Moskva hiện tại là soái hạm của Hạm đội Biển Đen; tuần dương hạm Varyag là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, chiếc tuần dương hạm còn lại mang tên Marshal Ustinov hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc.

	Tàu lớn nhất được trang bị S-300F là tuần dương hạm lớp Kirov với lượng giãn nước khổng lồ 28 000 tấn

Tàu lớn nhất được trang bị S-300F là tuần dương hạm lớp Kirov của Nga với lượng giãn nước khổng lồ 28.000 tấn

	Tàu nhỏ nhất được trang bị S-300F là Type 051C của Trung Quốc với lượng giãn nước 7.100 tấn.

Tàu nhỏ nhất được trang bị S-300F là Type 051C của Trung Quốc với lượng giãn nước 7.100 tấn.

Phía Trung Quốc đã có 2 tàu (Thẩm Dương-115 và Thạch Gia Trang-116) được đưa vào sử dụng và đều biên chế trong Hạm đội Bắc Hải. Với Trung Quốc thì vấn đề chi phí có thể được đặt sau các yếu tố khác bởi tham vọng của Trung Quốc là rất lớn đối với chiến lược biển xanh.

Đòi hỏi số lượng lớn con người có trình độ cao

Việc sở hữu một tàu lớn đòi hỏi một đội ngũ kỹ thuật lớn có trình độ cao mới có thể duy trì và phát huy hết uy lực của tổ hợp. Chỉ tính riêng thủy thủ đoàn trên tàu cho thấy cần phải có một đội ngũ rất đông mới duy trì được hoạt động của những chiến hạm này.

Hai tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có thủy thủ đoàn 98 người ít hơn nhiều so với tàu lớp Slava Project 1164 Atlant có thủy thủ đoàn từ 476-529 người, tàu chiến lớp Kirov thủy thủ đoàn 710 người, tàu Type 051C của Trung Quốc có thủy thủ đoàn 290 người.

Để đào tạo và duy trì được đội ngũ đông đảo như vậy cần rất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra vấn đề bảo đảm hậu cần cho việc tuần tra trên biển cũng hết sức phức tạp.

Đấy là chưa kể đội ngũ rất lớn các nhân viên kỹ thuật cần thiết ở các căn cứ để bảo dưỡng, bảo trì các chiến hạm khổng lồ này.

	Cơ sở bảo dưỡng, sữa chữa tàu chiến lớn nhất của Việt Nam là Hải Minh (X51)

Cơ sở bảo dưỡng, sữa chữa tàu chiến lớn nhất của Việt Nam là Hải Minh (X51)

Hạn chế về tác chiến chống ngầm

Trở ngại tiếp theo đó là vấn đề chống ngầm cho các tàu trên, khi mà các đòn đánh trên cao không phát huy hiệu quả, đối phương sẽ tính đến phương án sử dụng đòn đánh từ dưới mặt nước.

Là các tàu thiết kế chuyên cho nhiệm vụ phòng không tầm xa và tầm trung nên khả năng chống ngầm của các tàu này sẽ phần nào hạn chế. Nhiệm vụ chống ngầm sẽ được đảm nhiệm bởi các tàu ngầm, máy bay săn ngầm, vũ khí chống ngầm trên các tàu mặt nước đi kèm. Do vậy nếu sở hữu tàu này, Việt Nam cần trang bị và nâng cao khả năng tác chiến chống ngầm của các tàu chiến, tàu ngầm tạo ra một hành lang an toàn cho tổ hợp. Việc này sẽ kéo theo hàng loạt dự án khổng lồ.

	Lực lượng tàu chống ngầm của Việt Nam là các tàu lớp Petya II/III (project 159A/159AE) được sử dụng khoảng 50 năm

Lực lượng tàu chống ngầm của Việt Nam là các tàu lớp Petya II/III (project 159A/159AE) được sử dụng khoảng 50 năm

Phòng không trên biển Đông theo cách Việt Nam

Với phương châm mua sắm vũ khí chỉ phòng vệ và bảo vệ chủ quyền đất nước, không phải để đi bành trướng nên Việt Nam tránh lao vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Việt Nam chọn hướng đi riêng để hoàn thiện hệ thống phòng không của mình không chỉ trên biển Đông mà còn nhiều vùng trên đất nước chưa được bao phủ bởi các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa.

Với kinh nghiệm trong cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không và chiến thuật sáng tạo, bí mật, bất ngờ, nghệ thuật quân sự lấy ít đánh nhiều của mình, Việt Nam có thể đảm nhận nhiệm vụ phòng không trên biển Đông một cách xuất sắc.

Mời các bạn đón đọc kỳ sau: Phòng không tầm xa trên biển Đông của Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại