Vì sao tàu ngầm Nga đắt hàng ở châu Á?

Hải Vy |

Tờ Russia & India Report đăng tải bài viết lý giải tại sao tàu ngầm Nga trở thành sự lựa chọn của ngày càng nhiều các lực lượng hải quân, đặc biệt là các quốc gia châu Á.

Dưới đây là bài viết của chuyên gia Rakesh Krishnan Simha trên tờ Russia & India Report:

Sức hấp dẫn của tàu ngầm Nga

Trong vũ trụ, “hố đen” là “kẻ hủy diệt” vô hình, có khả năng phá hủy mọi thứ xung quanh nó.

Dưới đại dương, cũng có một “hố đen” khác đang ẩn mình – đó là tàu ngầm Kilo của Nga, với khả năng tàng hình siêu hạng khiến ngay cả quân đội Mỹ cũng không phát hiện được.

Chính Hải quân Mỹ từng phải thừa nhận không thể phát hiện tàu ngầm Novorossiysk (lớp Kilo) khi nó đang lặn.

Tiếp nối “Hố đen” là “Quái vật đại dương” – một mẫu tàu ngầm đỉnh cao của Nga khiến Hải quân Mỹ bị bỏ xa.

Tàu Severodvinsk K-329 thậm chí còn được so sánh với chiếc tàu ngầm công nghệ cao do một thuyền trưởng người Nga chỉ huy trong bộ phim bom tấn "The Hunt for Red October" được công chiếu năm 1990.

Tàu ngầm Severodvinsk K-329

Tàu ngầm Severodvinsk K-329

Trong khi giữ những con “quái vật biển” này làm tài sản riêng, Moscow tiến những bước tiến mạnh mẽ vào thị trường xuất khẩu với các tàu ngầm diesel-điện.

Với khả năng tàng hình, hoạt động êm ái và trang bị những loại tên lửa uy lực nhất thế giới, tàu ngầm Nga trở thành sự lựa chọn của ngày càng nhiều các lực lượng hải quân, đặc biệt là các quốc gia châu Á.

Theo chuyên gia David Isenberg của tờ Asia Times, những khả năng đặc biệt cùng trang bị hỏa lực mạnh mẽ của tàu ngầm Nga là 2 điểm thu hút lớn đối với các khách hàng nước ngoài.

Các tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga luôn chiến thắng khi cạnh tranh với các đối thủ Đức, Pháp, Hà Lan ở thị trường châu Á.

Ngoài ra còn có một lý do khác là Mỹ - đối thủ của Nga trong lĩnh vực công nghệ hải quân – đã không còn sản xuất các tàu ngầm diesel-điện. Điều này đã mở ra cho tàu ngầm Nga nhiều cơ hội hơn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á khiến an ninh trên các tuyến đường biển trở thành vấn đề quan trọng đối với các quốc gia ven biển.

Sức mạnh hải quân là nhân tố then chốt để bảo vệ những tuyến đường này. Song, phần lớn các quốc gia châu Á quá nhỏ bé để có đủ tiềm lực trang bị các tàu chiến cỡ lớn.

Những nước đủ khả năng trang bị lại thiếu nhân lực để vận hành, thậm chí khi đây chỉ là một hạm đội cỡ trung bình.

Chẳng hạn như một số quốc gia Đông Nam Á không thể sánh được với hải quân Trung Quốc về quy mô và số lượng tàu chiến.

Tuy nhiên, tàu ngầm mang lại lợi thế quân bình rất lớn. Đó là bởi chúng có thể ẩn mình dưới những con sóng, cầm giữ hạm đội của đối phương nằm yên trong bến cảng.

Tàu ngầm vừa rất khó phát hiện, vừa có thể tiêu diệt những tàu chiến có kích cỡ lớn hơn nó nhiều lần.

Cuộc đua tàu ngầm

Châu Á bắt đầu cuộc đua tàu ngầm vào năm 1997, khi Trung Quốc đạt được thỏa muận mua các tàu ngầm Kilo tiên tiến từ Nga.

Bị ấn tượng bởi khả năng của tàu ngầm Kilo, năm 2003, Trung Quốc tiếp tục đặt mua thêm 8 chiếc khác trị giá 1,6 tỷ USD.

Mặc dù Trung Quốc sở hữu nhiều tàu ngầm hơn Mỹ nhưng các tàu ngầm của nước này có chất lượng kém hơn.

Vì vậy, Bắc Kinh đặt cược vào việc mua các tàu ngầm Kilo và loại hiện đại hơn là tàu ngầm lớp Lada của Nga để đối phó với Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm Kilo Nga bán cho Trung Quốc

Tàu ngầm Kilo Nga bán cho Trung Quốc

Theo chuyên gia Isenberg:

“Động thái của Trung Quốc là vì lý do kinh tế, chính trị và quân sự.

Tàu ngầm lớp Kilo được thiết kế để tác chiến chống tàu mặt nước, chống ngầm, bảo vệ các căn cứ hải quân, bảo vệ vùng duyên hải và các tuyến đường biển, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát.

“Kilo được đánh giá là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất trên thế giới, có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương ở khoảng cách gấp 3-4 lần so với khoảng cách mà tàu ngầm đối phương có thể phát hiện nó” – ông Isenberg cho biết thêm.

Hiện nay, Cục thiết kế hải quân Rubin (trụ sở tại St Petersburg) của Nga cũng đang phát triển hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép tàu ngầm tăng thời gian hoạt động dưới lòng biển lên 45 ngày mà không cần nổi lên.

Theo thỏa thuận, Nga đã trang bị tên lửa siêu thanh Klub cho các tàu ngầm Kilo Trung Quốc để mang lại khả năng răn đe lớn trên biển.

Ngoài Kilo, Trung Quốc còn đang trong quá trình đàm phán với Moscow để mua các tàu ngầm lớp Lada.

Theo trang mạng Strategy Page (Mỹ), tàu ngầm lớp Lada còn êm gấp 8 lần lớp Kilo.

Tàu ngầm St Petersburg lớp Lada

Tàu ngầm St Petersburg lớp Lada

Do được tăng phạm vi hành trình, các tàu ngầm lớp Lada sẽ có thể hoạt động được ở Thái Bình Dương, tại vị trí cách xa các căn cứ hải quân của Trung Quốc.

So với Kilo, Lada có khả năng tàng hình cao hơn, giúp nó qua mặt các tàu và máy bay chống ngầm của Nhật Bản.

Theo Tạp chí Diplomat (Nhật Bản), Moscow cũng đang phát triển một lớp tàu ngầm tiên tiên mới và có thể sẽ bán cho Trung Quốc.

Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết đây sẽ là tàu ngầm thế hệ năm, được đặt tên là lớp Kalina.

Hiệu ứng Domino

Do Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái hung hăng ở Biển Đông và Hoa Đông, nhiều nước trong khu vực cũng tăng cường sức mạnh hải quân.

Kế hoạch phòng thủ chiến lược 2024 của Indonesia đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần số lượng tàu ngầm trong thập kỷ tới.

Indonesia là bạn hàng lâu năm của tàu ngầm Nga. Năm 1967, nước này đã đặt mua 12 tàu ngầm lớp Whiskey từ Moscow.

Năm 2013, Indonesia đàm phán mua tàu ngầm Kilo của Nga nhưng chưa đạt được thỏa thuận.

Thái Lan, Malaysia, Đài Loan cũng mở rộng hạm đội tàu ngầm.

Malaysia đang vận hành các tiêm kích Su-30MKM của Nga và có thể sẽ quan tâm tới các tàu ngầm lớp Kilo và Lada.

Đài Loan đang có nhu cầu thay thế các tàu ngầm cũ nhưng khó tìm được đối tác nước ngoài do sức ép từ Trung Quốc. Nếu tiếp cận được vùng lãnh thổ này, Nga sẽ có thêm thị trường mới.

Ngoài ra, một khách hàng tiềm năng mới của tàu ngầm Nga là Bangladesh.

Ban đầu, Bangladesh có ý định mua tàu ngầm Trung Quốc nhưng sau đó, Ấn Độ (quốc gia đang vận hành 10 tàu ngầm Kilo) đã thuyết phục Dhaka mua tàu ngầm Nga.

Trang mạng Defense Radar cho biết, Bangladesh đã đề nghị mua 2 tàu ngầm từ Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại