Vì sao Quốc hội Mỹ cấm Không quân "khai tử" máy bay A-10?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Ngân sách quốc phòng do quốc hội Mỹ vừa thông qua có một điều khoản quy định Không quân Mỹ không được tính đến việc ngừng sử dụng máy bay tấn công A-10.

Điều gì đã khiến một mẫu máy bay gần 40 năm tuổi lại nhận được sự quan tâm đặc biệt như vậy?

Được đưa vào sử dụng từ năm 1977, A-10 là mẫu máy bay chuyên dùng để hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất. Trong vai trò đó, A-10 chuyên hoạt động ở độ cao thấp và tốc độ hạ âm. Động cơ phản lực của nó không có chế độ đốt hậu. Do chủ yếu hoạt động ở độ cao thấp, A-10 được thiết kế để có thể chịu được hư hại nặng gây ra bởi hỏa lực phòng không của đối phương, đặc biệt là pháo cao xạ và tên lửa tầm gần. Nó được cho là có khả năng chịu hư hại gấp 10 lần các loại máy bay khác trong 1 số tình huống.

Vũ khí chính của A-10 là đại liên 30mm 7 nòng
Vũ khí chính của A-10 là đại liên 30mm 7 nòng

Hiện nay, Không quân Mỹ muốn ngừng sử dụng A-10 sớm vì có thể giúp tiết kiệm 3,7 tỷ USD, số tiền này có thể được dùng cho chương trình F-35. Họ cho rằng A-10 đã lạc hậu và không còn thích hợp cho chiến tranh hiện đại. Không quân cũng cho rằng những chiến đấu cơ đa năng như F-16 hay F-35 có thể thay thế A-10 vai trò hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, sử dụng các loại bom thông minh có độ chính xác cao.

Tuy nhiên, các quân chủng khác, lục quân và thủy quân lục chiến, là những người trực tiếp cảm nhận lợi ích của A-10 và không đồng ý với việc loại bỏ mẫu máy bay hữu dụng này. Theo đó, A-10 có những ưu điểm mà không có mẫu máy bay nào khác có được, đặc biệt là khả năng chống chọi với hỏa lực của đối phương. Trong 2 cuộc chiến Vùng Vịnh đã có nhiều trường hợp A-10 có thể bảo vệ phi công và duy trì hoạt động ngay cả sau khi bị hư hại nặng.

A-10 được thiết kế để hoạt động gần mặt đất và hỗ trợ trực tiếp cho bộ binh
A-10 được thiết kế để hoạt động gần mặt đất và hỗ trợ trực tiếp cho bộ binh

Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), một chiếc A-10 bị trúng liên tiếp 4 phát đạn từ pháo phòng không 57mm. Trong đó 2 phát trúng đuôi, 1 phát nổ ngay trước mũi máy bay, 1 trúng vào cánh phải và gây kích nổ cho quả tên lửa đối không Sidewinder gắn ở đó. Tổng cộng chiếc A-10 có 378 lỗ thủng trên thân, trong đó 17 lỗ ngay dưới buồng lái. Tuy vậy, viên phi công vẫn bình yên vô sự và có thể hạ cánh an toàn. Buồng lái của A-10 được bọc 1 lớp titan dày gần 4cm giúp bảo vệ phi công khỏi hỏa lực phòng không bắn từ mặt đất. Và cũng chỉ sau 5 ngày sửa chữa tạm, nó đã có thể bay từ sân bay dã chiến về căn cứ chính.

Lớp vỏ bọc titan bảo vệ buồng lái và phi công
Lớp vỏ bọc titan bảo vệ buồng lái và phi công
Chiến tranh Vùng Vịnh lần 2: một chiếc A-10 bị trúng tên lửa vào động cơ bên phải
Chiến tranh Vùng Vịnh lần 2: một chiếc A-10 bị trúng tên lửa vào động cơ bên phải
Chiến tranh Vùng Vịnh lần 2: một chiếc A-10 hạ cánh an toàn sau khi trúng đạn bên trên Baghdad và hỏng toàn bộ hệ thống thuỷ lực
Chiến tranh Vùng Vịnh lần 2: một chiếc A-10 hạ cánh an toàn sau khi trúng đạn bên trên Baghdad và hỏng toàn bộ hệ thống thuỷ lực

Những người ủng hộ việc dùng F-16 hay F-35 thay thế cho vai trò của A-10 lập luận rằng với sự phổ biến của các loại vũ khí chính xác, F-16/F-35 có thể hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh từ xa mà không cần độ cao và tốc độ thấp như của A-10. Và theo thông kê tại chiến trường Iraq và Afghanistan, 80% số phi vụ hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất được thực hiện bằng bom thông minh.

Tuy nhiên, A-10 vẫn có ưu thế nhất định so với việc dùng vũ khí chính xác. Hỏa lực từ đại liên 7 nòng 30mm của A-10 có thể được dùng để tấn công khi đối phương đang ở rất gần đồng đội, trong khi đó các loại bom thông minh không thể được thả ở khoảng cách quá gần. Đối với bom loại 500kg, khoảng cách được xem là an toàn đối với đồng đội trong tác chiến là hơn 400m, con số này đối với đại liên 30mm là của A-10 là 150m. Dưới khoảng cách đó nghĩa là phải chấp nhận nguy cơ lực lượng mặt đất trúng hỏa lực ‘bắn nhầm’ từ máy bay.

A-10 tấn công một ngôi nhà nơi Taliban đang cố thủ bằng đại liên 30mm

Một tình huống tiêu biểu diễn ra tại Afghanistan ngày 24/07/2013, khi A-10 giúp giải cứu một đội tuần tra của quân đội Mỹ gồm 12 xe cơ giới với 60 binh lính bị phục kích. Dưới hoả lực áp đảo của phía Taliban, quân Mỹ không thể di chuyển, phải ẩn nấp sau các xe cơ giới và không thể di chuyển những người bị thương. Một phi đội 2 chiếc A-10 được gửi đến để hỗ trợ. Trong đó, một chiếc bay vòng phía trên để xác định vị trí đối phương, chiếc còn lại bay thấp ngang qua chiến trường với mục đích đe doạ đối phương. Nhưng phía Taliban không rời đi mà còn tấn công mạnh hơn, do đó A-10 chuyển sang sử dụng vũ lực. Một chiếc phóng 2 quả rocket khói vào vị trí quân Taliban để đánh dấu, và chiếc thứ 2 tấn công mục tiêu bằng đại liên 30mm. Tuy vậy, sau 2 loạt bắt đầu, quân Taliban vẫn không rút đi mà thậm chí càng cố gắng áp sát vị trí quân Mỹ với hy vọng máy bay sẽ không dám tấn công tiếp. Khoảng cách giữa 2 bên giờ đã đủ gần để phía Taliban tấn công bằng lựu đạn.

Không còn lựa chọn nào khác, chỉ huy nhóm tuần tra phát tín hiệu cho phép máy bay tấn công ở khoảng cách gần, chấp nhận khả năng bị bắn nhầm. A-10 tiếp tục dùng đại liên 30mm, tấn công ở độ cao thấp, khoảng 25m cách mặt đất, và bắn song song cách phòng tuyến quân Mỹ khoảng 50m. Giao tranh kéo dài 2 giờ đồng hồ, với tổng cộng 15 loạt bắn. Hai chiếc A-10 dùng gần hết cơ số đạn mang theo, 2300 viên, và thả 3 quả bom loại 250kg. Cuối cùng phía Taliban cũng rút lui và trực thăng được gọi vào để đưa những người bị thương ra ngoài.

Do đó, trong nhiều trường hợp, một loại vũ khí tuy cũ nhưng vẫn có thể hữu dụng trên chiến trường hơn các loại vũ khí hiện đại hơn.

Một nhóm chiến binh Taliban bị khinh khí cầu trinh sát của Mỹ phát hiện và bị A-10 tiêu diệt

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại