UAV Trung Quốc đe dọa tàu sân bay Mỹ

Viện Nghiên cứu Dự án 2049 của Mỹ vừa giới thiệu một nghiên cứu chuyên sâu về chương trình phát triển UAV của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh tới sự đe dọa của UAV đối với hàng không mẫu hạm Mỹ.

 

Bản báo cáo dài 29 trang “Dự án phát triển UAV của Quân đội Trung Quốc: Năng lực tổ chức và hoạt động” của hai chuyên gia thuộc Dự án 2049 là Easton và L.C. Russell Hsiao thuộc Viện 2049 (Viện có chức năng tham mưu hoạch định chính sách của Mỹ đối với an ninh châu Á đến giữa thế kỷ 21), cho thấy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Quân đội Trung Quốc - PLA) đang xây dựng một trong những phi đội máy bay không người lái (UAV) có quy mô lớn nhất thế giới.

Báo cáo ước tính, PLA có tới hơn 280 UAV đang hoạt động ở thời điểm giữa năm 2011. Con số này tăng lên nhanh chóng khi Trung Quốc tiến tới sản xuất hàng loạt các UAV.

UAV đang dần được trang bị rộng khắp trong tất cả các cánh quân của PLA. Báo cáo cho biết, Bộ Tổng tham mưu và lực lượng Pháo binh II, hai đơn vị chủ quản các tên lửa chiến thuật và chiến lược, đang nắm giữ các UAV tầm cao, có thể hoạt động nhiều giờ. Trong khi đó, Không quân, Hải quân và Lục quân Trung Quốc đặc trách các đơn vị UAV chiến thuật và huấn luyện.

Các hệ thống UAV nổi lên với vai trò then chốt trong các đợt tấn công chính xác trong tầm bán kính 3.000 km ngoài khơi Trung Quốc. Các thiết kế mới chú trọng vào tầm soát ra đa địch giúp tăng khả năng sống sót trong lòng địch của UAV Trung Quốc.

Điều đáng quan ngại đối với Hải quân Mỹ là sự phát triển mạnh mẽ của các UAV Trung Quốc trong khả năng định vị, theo dõi và xác định các tàu sân bay Mỹ. Khả năng này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các đợt tấn công của tên lửa chống hạm tầm xa và tên lửa đạn đạo, như tên lửa Đông Phong 21D.

Các nhà hoạch định của PLA thậm chí đã hình dung ra được một cuộc tấn công các cụm tác chiến tàu sân bay bằng loạt các UAV đa năng. Vụ tấn công bắt đầu với UAV mồi bẫy giả các đợt đột kích.

Các đợt đột kích giả tạo sẽ tiêu hao lượng tên lửa không đối không và hạm đối không tầm xa của đối phương. Tiếp đó, các nhóm UAV tác chiến điện tử, gồm cả UAV gây nhiễu hệ thống thông tin và ra đa, UAV chống bức xạ có nhiệm vụ chế áp các phương tiện ra đa cảnh báo sớm của đối phương.

Đồng thời, các UAV tấn công băng các tên lửa chống hạm sẽ tấn công tấn công hệ thống tên lửa hành trình điều khiển từ xa của đối phương. Các UAV khác có vai trò kết nối thông tin “dẫn đường” các tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo từ đất liền.

Liên quan tới tác chiến điện tử, các UAV Trung Quốc được phát triển khả năng gây nhiễu vệ tinh, hệ thống thông tin từ máy bay cảnh báo sớm và các hệ thống ra đa, cảnh báo sớm từ tàu chiến, hệ thống liên lạc, hệ thống phòng thủ tên lửa, phòng không.

Trong ngắn hạn, các UAV của PLA sẽ đóng vai trò chủ chốt trong kiểm soát các vùng tranh chấp trên biển và trên bộ. Các bên tranh chấp sẽ gặp phải bất lợi đáng kể so với PLA, bởi họ không thể theo kịp năng lực trinh sát và do thám trên không của Trung Quốc.

Xa hơn, các UAV Trung Quốc với hệ thống ISR (tình báo, trinh sát, do thám) tiên tiến sẽ hỗ trợ PLA mở rộng phạm vi hoạt động, có thể đưa các phức hợp tấn công do thám tới tận Tây Thái Bình Dương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại