Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục Trung Quốc (Kỳ 1)

Minh Đức |

(Soha.vn) - Giới quân sự NATO cho rằng Type 052 chỉ là một dạng chắp vá để thử nghiệm công nghệ chứ không thể hoạt động như một tàu chiến thực thụ.

Cuối những năm 1980, hạm đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc bắt đầu trở nên lạc hậu, không còn đáp ứng được các yêu cầu của chiến tranh hải quân hiện đại. Trong khi đó, các nước lớn trên thế giới đã cho ra đời các thế hệ tàu khu trục mới với khả năng tác chiến vô cùng mạnh mẽ.

Trước tình hình đó, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã hạ quyết tâm phát triển một thế hệ tàu khu trục mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của chiến tranh hiện đại nhằm sánh vai cùng các nước lớn trên thế giới.

Cụ thể hóa cho tham vọng này, cuối những năm 1980, Trung Quốc đã bắt tay triển khai chương trình tàu khu trục đa chức năng mang tên lửa điều khiển Type 052 lớp Lữ Hộ. Chương trình được phát triển bởi Viện đóng tàu số 701 ở Thượng Hải Trung Quốc và nhà máy đóng tàu Hudong ở Thượng Hải được giao trách nhiện thực hiện dự án này.

Tàu khu trục 112 Cáp Nhĩ Tân, chiếc đầu tiên của Type-052, trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 1997. Tàu này cũng chính là soái hạm của hạm đội Bắc Hải.

Tàu khu trục 112 Cáp Nhĩ Tân, chiếc đầu tiên của Type 052, trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 1997. Tàu này cũng chính là soái hạm của hạm đội Bắc Hải.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành đóng mới loại tàu tham chiến mặt nước đa chức năng và hiện đại nhất Hải quân Trung Quốc lúc đó. Tàu được thiết kế với khả năng tấn công phòng thủ, chống ngầm toàn diện. Đây cũng là lần đầu tiên một tàu chiến Trung Quốc trang bị vũ khí, các loại cảm biến tinh vi của phương Tây.

Chiếc đầu tiên thuộc lớp này mang số hiệu 112 Cáp Nhĩ Tân được khởi đóng vào năm 1986, hạ thủy vào năm 1991. Ngay sau khi được biên chế hoạt động ở Hạm đội Bắc Hải vào năm 1994, tàu này nhanh chóng trở thành soái hạm của hạm đội mạnh nhất Hải quân Trung Quốc khi đó.

Chiếc thứ hai mang số hiệu 113 Thanh Đảo được đưa vào trang bị năm 1997 cũng biên chế thuộc hạm đội Bắc Hải. Tàu 112 Cáp Nhĩ Tân cùng với hai tàu khu trục khác đã có một chuyến đi lịch sử đến cảng San Diego, bang California Hoa Kỳ ngày 21/03/1997 như là một sự quảng bá thành tựu và sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc.

Hệ thống vũ khí khá rối rắm

Type 052 được thiết theo công nghệ những năm 1980 nên hình dáng thủy động lực học của tàu không có gì tiêu biểu. Tàu được thiết kế theo truyền thống Liên Xô và được trang bị dày đặc các hệ thống vũ khí trong khi khả năng tác chiến lại không cao.

Tàu được vũ trang 1 pháo hạm nòng kép 79A (PJ-33) 100mm, tốc độ bắn khoảng 18 viên/phút, với tầm bắn khoảng 22km. Tàu được trang bị bốn bệ pháo phòng không nòng kép loại 76A 37mm, với hai ở phía trước và hai phía sau đuôi tàu. Pháo có tốc độ bắn khoảng 180 viên/phút, với tầm bắn khoảng 4,5km chống máy bay.

Hệ thống phòng không, phòng thủ chính của tàu là một bệ phóng tên lửa phòng không loại HHQ-7, phiên bản hải quân của tổ hợp HQ-7. Với 8 tên lửa sẵn sàng phóng và 16 tên lửa dự phòng, được bố trí phía sau pháo hạm chính. Đây là bản sao của tổ hợp Crolate của Pháp, hệ thống có khả năng tác chiến chống máy bay trong mọi điều kiện thời tiết, với tầm bắn khoảng 8-12km. Tuy nhiên, hệ thống này có khả năng chống tên lửa diệt hạm rất hạn chế với tầm bắn hiệu quả chỉ khoảng 4-6km.

Tàu khu trục 113 Thanh Đảo chiếc thứ 2 cũng là cuối cùng của Type-052.

Tàu khu trục 113 Thanh Đảo chiếc thứ 2 cũng là cuối cùng của Type 052.

Tàu được trang bị một hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 được bố trí ở đuôi tàu giữa hai bệ pháo phòng không 37mm. Hệ thống tên lửa chống hạm loại YJ-81 (C801A) với 8 tên lửa được bố trí trong các ống phóng giữa thân tàu. YJ-81 là một tên lửa chống hạm sao chép loại Exocet của Pháp. Loại tên lửa này chỉ có tầm bắn khoảng 42km. Lần hiện đại hóa năm 2004, tàu này được tái trang bị bằng loại YJ-83 (C-802) với tầm bắn 120km, đầu đạn nặng 165kg.

Về chống ngầm, tàu được trang bị hai ống phóng ngư lôi loại 324mm, sử dụng ngư lôi loại Yu-7 (bản sao của ngư lôi Mk46 của hải quân Mỹ). Ngư lôi này mang đầu đạn nặng 45kg với tốc độ khoảng 43 hải lý/h, tầm bắn khoảng 7,3km. Tàu được trang bị một hệ thống rocket chống ngầm loại RBU-1200 của Nga với 12 ống phóng rocket 240mm, tầm bắn 1.200m cơ số 120 quả.

Tàu được trang bị động cơ diesel kết hợp với hai động cơ tuabin khí GE LM 2500 công suất 55.000 mã lực, hai động cơ diesel MTU 12V 1163TB83 công suất 8840 mã lực. Tàu có tốc độ tối đa 32 hải lý/ h, chiều dài 142,6m , rộng 15,3m, mớn nước 5m , tải trọng 4.200 tấn tiêu chuẩn, 5.700 tấn đầy tải.

Hệ thống điện tử lai tạp

Type-052 được trang bị hệ thống điện tử khá rối rắm xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây là tàu tham chiến mặt nước đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống chiến đấu biển Thomson-CSF TSR 3004 Tiger (Trung Quốc sao chép lại với tên gọi Type 360S/SR60), radar Type- 518 Rel 2 Haiying cho giám sát và cảnh báo sớm tầm xa, radar 345 MR35 kiểm soát bắn cho tổ hợp tên lửa phòng không HHQ-7.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị radar 344 MR34 kiểm soát bắn cho tên lửa chống hạm và pháo hạm 100mm, hai hệ thống radar 347G dùng kiểm soát bắn cho pháo phòng không 37mm và hai radar hàng hải Racal Decca RM-1290.

Type-052 là một lớp tàu quá yếu cả về công nghệ và khả năng tác chiến, nó đơn thuần chỉ là một dạng thử nghiệm công nghệ chứ chưa phải là một tàu chiến thực thụ.
Type-052 là một lớp tàu quá yếu cả về công nghệ và khả năng tác chiến, nó đơn thuần chỉ là một dạng thử nghiệm công nghệ chứ chưa phải là một tàu chiến thực thụ.

Tàu được trang bị hai hệ thống định vị thủy âm DUBV-23 (SJD-8/9) gắn trên thân tàu cho nhiệm vụ tìm kiếm và tấn công tàu ngầm, hệ thống định vị thủy âm kéo theo DUBV-43 (ESS-1). Tàu có hai hệ thống phóng mồi bẫy Type 826C (BM-8610).

Type-052 là tàu tham chiến mặt nước đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống tích hợp dữ liệu chiến đấu ZJK-4. Đây là bản sao của hệ thống Alenia Marconi Systems (nay Selex Sistemi Integrati) IPN-10 của Ý.

Các máy tính trung tâm tính toán, đánh giá dữ liệu về mục tiêu và phân bố đến các hệ thống vũ khí. Hệ thống có khả năng tìm kiếm và theo dõi nhiều mục tiêu, đánh giá mục tiêu nguy hiểm, tự động phân bổ vũ khí cho mục tiêu. Các hệ thống phụ trợ bao gồm hai loại 630 (GDG-775), SNTI-240 (Satcom) và đường truyền dữ liệu vệ tinh.

Điểm yếu

Dù là chiến hạm hiện đại nhất Hải quân Trung Quốc lúc đó, nhưng Type 052 vẫn lạc hậu khá nhiều khi so với các tàu chiến cùng thời của NATO và Nga.

Hệ thống điện tử tích hợp nhiều nguồn khác nhau gây ra sự không đồng bộ trong vận hành, tàu được tích hợp tới 40 công nghệ khác nhau của nhiều nước. Thủy thủ đoàn phải học thuộc ít nhất 1.000 từ tiếng Anh chuyên ngành để vận hành các thiết bị nhập khẩu.

Khi tàu 112 Cáp Nhĩ Tân ghé thăm Mỹ, giới quân sự NATO đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng các thiết bị trong phòng điều khiển được dán các nhãn với đủ loại ngôn ngữ, tiếng Anh, Pháp, Italia, Trung Quốc. Một chi tiết khá thú vị là các hệ thống này không được thiết kế để hoạt động cùng với nhau.

Giới quân sự NATO kết luận Type 052 chỉ là một dạng chắp vá để thử nghiệm công nghệ chứ không thể hoạt động như một tàu chiến thực thụ. Rất may cho lớp tàu này là nó không phải tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang nào.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại