Tướng TQ đòi “bóp chết” khả năng phát triển hạt nhân của Nhật Bản

(Soha.vn) - Thiếu tướng La Viện, một viên tướng thường xuyên có những phát ngôn đe dọa láng giềng, lần này tỏ ra đặc biệt run sợ và hoảng hốt trước một nước Nhật Bản đang thay đổi.

 

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa đăng bài viết của Thiếu tướng La Viện, phó Hội trưởng thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thúc đẩy văn hóa chiến lược Trung Quốc cho rằng, Liên Hợp Quốc là sản phẩm của Chiến tranh thế giới thứ hai, có tôn chỉ là bảo vệ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, thúc đẩy hợp tác. Một chức trách quan trọng là theo dõi tình hình thực hiện sự sắp xếp sau chiến tranh, ngăn chặn mầm mống chiến tranh. 

Hình ảnh minh họa (nguồn: Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

 Bài viết xoáy sâu các luận điệu chỉ trích Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản hiện lại đang có "khuynh hướng nguy hiểm khi thoát khỏi thể chế thời hậu chiến", “các phần tử cánh hữu Nhật muốn lật án, thoát ra khỏi sự ràng buộc của cộng đồng quốc tế, ngày càng đi xa trên con đường tái vũ trang. Liên Hợp Quốc không thể nhắm mắt làm ngơ”.

 

La Viện tỏ ra hăng máu “can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác và chỉ ra khuynh hướng “lật án” của Nhật Bản chủ yếu thể hiện ở “4 vi phạm”:

Căn cứ vào quy định của “Tuyên bố Postdam”: “Điều kiện của Tuyên bố Cairo phải được thực hiện, còn chủ quyền của Nhật Bản phải giới hạn ở trong đảo Honshu, Hokkaido, đảo Kyushu, Shikoku và những hòn đảo nhỏ khác do chúng ta quyết định”.

Theo đó, La Viện cho rằng, Tuyên bố trên cơ bản không có quần đảo Ryukyu, không nói đến đảo Senkaku, và việc Nhật Bản đòi hỏi đảo Senkaku “ngoài giới hạn bản đồ do cộng đồng quốc tế giới hạn” cho họ là “trái pháp luật”.

La Viện chốt lại: Hai văn kiện lịch sử “Tuyên bố Cairo” và “Tuyên bố Postdam” là “văn kiện pháp lý”, là căn cứ pháp lý để đồng minh chống phát xít thế giới tiến hành trừng phạt Nhật Bản. “Nhật Bản không phục thì cũng phải tuân thủ”.

La Viện cho rằng, Điều 9 Hiến pháp Nhật cam kết nghiêm túc: “Không duy trì lục, hải, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của nhà nước”. Nhưng, theo La Viện, thế lực cánh hữu ở Nhật hiện lại đang kêu gọi xây dựng “quân đội chính quy”. La Viện coi đây là “vi phạm Hiến pháp”.

Thảo sát của truyền thông Nhật Bản, có 2/3 hạ nghị sĩ Nhật Bản tán thành sửa đổi các điều khoản có liên quan của Hiến pháp hòa bình, một khi Hiến pháp hòa bình thay đổi, thì hòn đá tảng “đi theo con đường phát triển hòa bình” của Nhật Bản sẽ bị “lật đổ”, ai có thể đảm bảo họ sẽ không trở thành “nơi khởi nguồn cho một cuộc chiến tranh mới”? - Tướng La Viện nhận định.

Theo nhận định của La Viện, để có được sự tin cậy và khoan dung của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản từng đưa ra Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân và không thực hiện quyền tự vệ tập thể. Nhưng hiện nay Nhật Bản đều đang lặng lẽ “tháo bỏ” những “dây trói” này, hơn 80% các nghị sĩ được hỏi đều tán thành cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Đặc biệt là ông Shintaro Ishihara kêu gọi, Nhật Bản cần sở hữu vũ khí hạt nhân, đây là một “tín hiệu rất nguy hiểm”, bởi vì Nhật Bản hiện là nước sở hữu plutonium “cấp vũ khí” lớn nhất thế giới, đồng thời đã nắm chắc công nghệ lò phản ứng tái sinh (breeder reactor) và công nghệ tên lửa đẩy tiên tiến.

La Viện cho rằng, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama từng nhận lỗi với nhân dân châu Á-Thái Bình Dương về những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng hiện nay các thế lực cánh hữu Nhật Bản lại “lật lọng”, thề bác bỏ các tội về chiến tranh như thảm sát Nam Kinh, nô lệ tình dục, chiến tranh vi trùng.

La Viện tỏ ra lo sợ thay cho cộng đồng quốc tế, cho rằng, đối với các hành động “thất tín” của Nhật Bản, cộng đồng quốc tế tuyệt đối không thể bàng quan; Liên Hợp Quốc càng không thể giống như Hội quốc liên trước đây, áp dụng chính sách thỏa hiệp với “chủ nghĩa quân phiệt” Nhật Bản, nếu không, chắc chắn sẽ gây ra “họa lớn”. Những việc trước đây là bài học về sau này.

La Viện kêu gọi, Liên Hợp Quốc không thể thực hiện “tiêu chuẩn kép”, hơi một tí là trừng phạt, là soi mói đối với một số nước vừa và nhỏ, trong khi “làm như không thấy” về khuynh hướng hạt nhân và ý đồ tái vũ trang của Nhật Bản. Hiện nay, Liên Hợp Quốc phải áp dụng biện pháp quyết đoán để “bóp chết từ trong trứng nước” khuynh hướng sở hữu vũ khí hạt nhân và mầm mống chiến tranh của Nhật Bản.

La Viện đề xuất, cần thanh sát tình hình dự trữ nguyên liệu hạt nhân và ý đồ của Nhật Bản, làm minh bạch hoàn toàn nội tình hạt nhân của họ, đây cũng là thử thách của Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hiện nay.

La Viện đưa ra lời bình luận khó chấp nhận kh cho rằng: "Liên Hợp Quốc cần đưa các phần tử cánh hữu và một số phần tử cực đoan của một số tổ chức ở Nhật Bản vào “danh sách đen” trừng phạt, liệt những tổ chức này vào bản danh sách “tổ chức khủng bố”, đóng băng tài sản nước ngoài của họ để ngăn chặn họ sử dụng những tài sản này cho chiến tranh hoặc các hành động khủng bố".

Với nỗi hoảng sợ về xu hướng mới ở Nhật Bản, La Viện đề xuất thêm các biện pháp ngăn chặn mới: Nhật Bản nếu muốn sửa đổi Hiến pháp hòa bình, đi theo con đường tái vũ trang, thì cộng đồng quốc tế cần tiến hành trừng phạt đối với Nhật Bản, gồm nhiều lĩnh vực như năng lượng, thương mại, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, đồng thời “cấm Nhật Bản xuất khẩu vật tư có thể dùng để chế tạo vũ khí”, ép Nhật Bản quay trở lại “con đường phát triển hòa bình”.

Với tư tưởng “lo cho thiên hạ”, La Viện cuối cùng nhắc nhở: Ngăn chặn xu hướng “hữu khuynh” ở Nhật Bản là một “thách thức về tính chính nghĩa, tính công bằng và tính quyền uy” của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc không thể chỉ cho phép “quan huyện” Nhật Bản “phóng hỏa”, mà không cho phép “trăm họ” các nước vừa và nhỏ “đốt đèn”.

Dư luận cho rằng, tình hình khu vực và thế giới nay đã khác xưa rồi, nói người thì cũng phải ngẫm mình. Ông La Viện cứ kêu gào các nước chạy đua vũ trang, gây ra chạy đua vũ trang, trong khi quên mất chính Trung Quốc đang ra sức chế tạo mọi loại vũ khí có thể, rồi thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự để “răn đe vũ lực”, nhất là tập trung vào các mâu thuẫn, va chạm, xung đột với nhiều nước láng giềng, gây quan ngại đặc biệt cho dư luận khu vực và quốc tế.

Lòng tham “đường lưỡi bò” thực sự không thể chấp nhận được, bởi vì nó đã “liếm” sát bờ biển của các nước Đông Nam Á, không cho nước khác có quyền ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của họ theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, chứ chưa hề nói đến một sự thực là, lịch sử Trung Quốc chứng minh rằng, họ chưa bao giờ có chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông. Các bản đồ của chính họ chứng minh rõ ràng rằng, điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Có chuyên gia cho rằng, ai đang đi theo “con đường phát triển hòa bình” thì cộng đồng quốc tế đều hiểu cả; còn những người lòng tham không đáy và thường thích răn đe, “răn dạy” nên nhớ một câu rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại