Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ độc chiếm biển Đông và biển Hoa Đông

Thắng Nam |

Song song với việc xây dựng hải quân, Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng một lực lượng chấp pháp biển mạnh nhất thế giới để đẩy nhanh tiến độ độc chiếm biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc thử nghiệm tàu Hải cảnh lớn nhất thế giới

Ngày 24/5, các trang mạng Trung Quốc ồ ạt đăng tải hình ảnh siêu tàu Hải cảnh trang bị pháo hạm 76 mm của nước này mang số hiệu 2901 bắt đầu thử nghiệm trên biển. Ngoài ra, còn 2 tàu tương tự đang được khởi đóng là Hải Cảnh 3901 và Hải Cảnh 1901.

Theo đánh giá, với lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn, sánh ngang tuần dương hạm, chúng là lớp tàu công vụ thế hệ mới, có lượng giãn nước lớn nhất của lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc cũng như thế giới.

Theo quy định trong biên chế số hiệu, 3 chiếc tàu lớp 10.000 tấn này sẽ được sử dụng làm kỳ hạm cho lực lượng hải cảnh 3 vùng biển Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải. Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc cũng sẽ chế tạo 1 tàu cùng lớp làm kỳ hạm cho lực lượng Ngư chính.

Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai kế hoạch khổng lồ, đóng tới 50 tàu có lượng giãn nước từ 3.000 tấn trở lên. Sau khi kế hoạch hoàn tất, Trung Quốc sẽ có lực lượng chấp pháp biển mạnh nhất thế giới, vượt trội đối thủ lớn nhất trong tranh chấp chủ quyền là Nhật Bản.

Tàu Hải cảnh 2901 có lượng giãn nước 10.000 tấn của Trung Quốc

Nhật Bản có khoảng trên 50 tàu tuần duyên với lượng giãn nước từ 1.000 tấn trở lên. Trong đó, có 2 chiếc thuộc loại lớn nhất thế giới lớp 6.500 tấn, mang được 2 trực thăng; 13 chiếc 3.000 - 5.000 tấn và gần 40 chiếc có lượng giãn nước 1.000 - 3.000 tấn.

Hiện Nhật có 2 tàu tuần duyên cỡ lớn thuộc lớp Shikishima, lượng giãn nước 6.500 tấn, mang số hiệu PLH-31 Shikishima và PLH-32 Akitsushima, phạm vi hành trình lên tới 20.000 km, có khả năng mang được 2 máy bay trực thăng.

Bên cạnh đó là 2 tàu tuần tra cỡ lớn 5.300 tấn lớp Mizuho, có thể mang theo 2 trực thăng, chế tạo cuối thập niên 1980 là PLH-21 Mizuho và PLH-22 Yashima.

Các tàu tuần duyên lớp 5.000, 6.500 tấn của Nhật đều chỉ được trang bị các loại pháo cỡ nòng nhỏ 20, 35, 40 mm, kém xa loại pháo hạm 76 mm của Trung Quốc.

Tàu tuần duyên PLH-31 Shikishima loại 6.500 tấn của Nhật Bản
Tàu tuần duyên PLH-31 Shikishima loại 6.500 tấn của Nhật Bản

Cảnh sát biển Nhật Bản có 9 tàu tuần tra cỡ lớn mang 1 trực thăng lớp Tsugaru (PLH-09), lượng giãn nước 3.200 tấn; 1 tàu tuần tra cỡ lớn mang 1 trực thăng lớp Sonya loại 3.200 tấn (PLH-01); 1 tàu tuần tra cỡ lớn loại 3.500 tấn lớp Izu (PL-31 Izu).

Ngoài ra, họ còn có vài tàu với lượng giãn nước 1.000 - 3.000 tấn (chủ yếu trên dưới 1.000 tấn), ví dụ như 3 tàu tuần tra lớp Hida, có lượng giãn nước 1.800 tấn; 9 tàu tuần tra lớp Hateruma, lượng giãn nước 1.300 tấn; 3 tàu tuần tra loại 770 tấn lớp Aso…

Tuy Nhật có số lượng tàu tuần duyên khá lớn nhưng khoảng 40% được chế tạo trong thập niên 1980 hiện đã già lão. Những tàu này tuy có thiết bị tiên tiến hơn các tàu của Trung Quốc nhưng vũ khí, trang bị thì không bằng.

Nhật báo Asahi Shimbun đưa tin, trước thực trạng trên, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã đẩy mạnh xây dựng đơn vị chuyên trách bảo vệ Senkaku gồm 400 người, trong đó trọng tâm là cấp tốc đóng thêm 12 tàu tuần duyên hiện đại.

Hiện nay, Vùng bảo vệ an ninh biển số 11 đã có 7 tàu tuần duyên trên 1.000 tấn, trong đó có không ít tàu được biệt phái từ các khu vực khác đến.

Để hoàn thành kế hoạch 12 tàu, Nhật đã bổ sung kinh phí đóng mới 6 tàu có lượng giãn nước trên 1.000 tấn, dự kiến trong năm nay, toàn bộ số tàu trên bắt đầu nhận nhiệm vụ tuần tra.

Cũng trong thời gian này, Bắc Kinh đã nỗ lực phát triển lực lượng tàu chấp pháp cỡ lớn nhằm áp đảo hoàn toàn Tokyo cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo họ, Nhật Bản là nước có thực lực mạnh nhất trong các đối thủ của Trung Quốc, nếu Tokyo chịu lép vế thì không nước nào đủ khả năng đối địch với Bắc Kinh.

Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Senkaku
Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Senkaku

Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ xây dựng lực lượng chấp pháp

Theo tin cho biết, các tàu chấp pháp cỡ lớn hiện đang chế tạo hoặc sắp khởi đóng gồm 6 tàu Hải Giám lượng giãn nước 3.500 tấn, 11 tàu Ngư Chính loại 3.500 tấn.

Ngoài ra còn có 10 tàu Hải Cảnh cỡ 4.000 tấn, 4 tàu Hải Cảnh loại 5.000 tấn, 4 tàu Hải Cảnh loại 6.000 tấn, và ít nhất là 4 tàu Hải Cảnh cỡ lớn tới 10.000 tấn.

Tính tổng cộng, các tàu tuần tra cỡ lớn từ 3.000 tấn trở lên mà lực lượng chấp pháp biển của nước này sắp sở hữu lên đến gần 50 tàu, một con số kỷ lục từ trước đến nay của Trung Quốc.

Số lượng tàu công vụ ngang với một hạm đội tàu chiến này là điều mà lực lượng hải quân nhiều quốc gia mơ cũng chẳng có.

Những tàu chấp pháp thế hệ mới loại 4.000 tấn của Trung Quốc được cải tiến trên cơ sở tàu Hải Giám 50, các tàu Ngư chính thế hệ mới cỡ 3.000 tấn sẽ được thiết kế và đóng mới hoàn toàn, có tốc độ cao, khả năng chống chịu sóng gió rất tốt, chịu được va đập rất mạnh.

Các tàu Hải Cảnh cỡ 5.000 tấn thuộc loại tàu chấp pháp đa năng, được cải tiến trên cơ sở tàu cứu hộ, trục vớt hạng nặng, động cơ 8.000 kW.

Những tàu trên đều có khả năng chịu va chạm siêu mạnh, chuyên dụng khi đối đầu với tàu chấp pháp nước ngoài, bảo đảm cho Trung Quốc lợi thế rất lớn trong tranh chấp trên biển.

Loại tàu có lượng giãn nước 6.000 tấn được cải tiến trên cơ sở nguyên mẫu tàu tuần tra siêu lớn “Hải Tuần 01”.

Hải Tuần 01 chính là con tàu được Trung Quốc điều đến khu vực eo biển Malacca để tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200ER số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích - được trang bị nhiều thiết bị cực kỳ hiện đại.

Hồi giữa năm 2014, Cục hải dương Trung Quốc đã ký thêm hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Công ty TNHH công nghiệp đóng tàu Vũ Xương (CSIC) - đơn vị chủ lực trong lĩnh vực đóng tàu chấp pháp - để đóng mới 9 tàu hải giám, gồm 5 tàu cỡ 3.000 tấn và 4 tàu cỡ 6.000 tấn.

Sử dụng chính sách đóng mới tàu chấp pháp theo mẫu có sẵn, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc sẽ rút ngắn được thời gian, hạ thấp giá thành sản phẩm, nhanh chóng tăng cường số lượng tàu công vụ hiện có. Theo kế hoạch, 2 mẫu tàu này sẽ được bàn giao trong năm nay.

Tàu Hải Cảnh 3411 nguyên là tàu Nam Cứu 503, lớp 4500 tấn của Hạm đội Nam Hải

Tàu Hải Cảnh 3411 nguyên là tàu Nam Cứu 503, lớp 4.500 tấn của Hạm đội Nam Hải

Dự kiến, cả số hiện đang chế tạo và sắp khởi đóng sẽ được bàn giao toàn bộ trong năm 2015. Đến lúc đó, Trung Quốc tin tưởng họ sẽ áp đảo hoàn toàn lực lượng tàu chấp pháp biển của Nhật Bản và các quốc gia xung quanh, khống chế hoàn toàn khu vực biển Đông và Hoa Đông.

Bắc Kinh còn áp dụng chính sách hoán cải tàu chiến nghỉ hưu thành tàu chấp pháp. Từ năm 2012 đến nay, họ đã đưa vào sử dụng khoảng 20 tàu loại này.

Trong số đó có những tàu rất lớn cỡ 3.000 - 5.000 tấn như Hải Cảnh 3411 nguyên là tàu Nam Cứu 503, lượng giãn nước 4.500 tấn của Hạm đội Nam Hải

Trung Quốc còn một số lượng không nhỏ các tàu hộ vệ thuộc Type 053 (lớp Giang Hồ) và tàu khu trục Type 051 (Lớp Lữ Đại I) chuẩn bị loại biên. Rất có khả năng Trung Quốc sẽ nhanh chóng “hô biến” các chiến hạm thực thụ này trở thành tàu chấp pháp biển.

Đặc biệt là các tàu công vụ thuộc lực lượng Cảnh sát biển của Trung Quốc đang từng bước được trang bị vũ khí hạng nặng. Điều này chứng tỏ dã tâm cực kỳ nguy hiểm của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền trên biển với các nước láng giềng.

Dự kiến, Trung Quốc có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng “Hạm đội hải quân 2” ngay trong năm nay, giúp nước này có lực lượng tàu chấp pháp mạnh nhất thế giới.

Năm 2015 sẽ là năm then chốt đối với các nước trên biển Đông và biển Hoa Đông nhằm ngăn chặn âm mưu độc chiếm của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại