Trang bị vũ khí hiện đại cho tác chiến ven bờ: Yếu tố sống còn!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Gần đây, chiến tranh cục bộ, xung đột khu vực, chống khủng bố liên tục xảy ra, khiến giới lãnh đạo quân sự của cả nước lớn lẫn nước nhỏ đều chú trọng đến tác chiến ven bờ.

Trong 3 yếu tố là biên chế tổ chức, cách đánh và trang bị thì việc trang bị vũ khí phải căn cứ vào cách đánh trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng trên địa hình ven biển cụ thể, nó chi phối trực tiếp đến tư duy trang bị.

Các nước vùng Baltic, Nam Á cũng như các nước Đông Nam Á… đã có động thái rất rõ trong đóng tàu, mua máy bay cho hải quân và trang bị tên lửa ven bờ.

Một vùng yếu địa

Khái niệm vùng ven bờ có thể hiểu là phần lục địa (cũng rất rộng lớn), ven sông, cửa sông, và vùng nước kéo ra phía biển, rồi từ bờ biển tiếp tục kéo ra vùng sóng lớn. Có người nói vùng sóng lớn là vùng "ngấn nước xanh”…

Vùng ven biển có các yếu tố địa hình đòi hỏi các nhà hoạch định chiến lược quân sự cần nghiên cứu kỹ, phân tích kỹ.

Ước tính, gần 70% dân số thế giới sinh sống trong bán kính 480km tính từ bờ biển vào. Khoảng 80% đô thị toàn cầu có tầm chi phối đến kinh tế, chính trị thế giới nằm trong 100km, tính từ bờ biển vào; khoảng 500 ngàn thành phố nằm ven bờ các đại dương.

100% các tuyến cáp viễn thông “mạch máu thông tin của thời đại tin học” cập bờ “hội tụ” về vùng ven bờ.  Biển ven bờ trở thành yếu địa.


Tàu 3 thân thuộc lớp Independence (Mỹ).

Tàu 3 thân thuộc lớp Independence (Mỹ).

Vùng ven bờ có tại các “biển kín” và “biển nửa kín”, thường là vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh, có khi thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, có các lãnh hải và vùng đặc quyền về kinh tế của nhiều quốc gia tạo thành.

Điển hình của các vùng biển như trên gồm có biển Baltic, Địa Trung Hải, Biển Đen, vùng vịnh Pecxich, vịnh Thái Lan...

Vùng ven bờ còn là dải dài “biển hở”, như bờ biển Chile, Đông Ấn Độ, Tây Ấn Độ…

Vũ khí nào cho tác chiến ven bờ ?

Trên các vùng biển kín và nửa kín, hành trình của tàu chiến ngắn, việc thay đổi hành trình chỉ diễn ra trong vài giờ, việc bố trí hướng tiến công, thời điểm tiến công cũng rất linh hoạt, khó lường.

Vì thế xu hướng đóng tàu nhỏ vừa phải, tốc độ nhanh, dễ quay trở, vũ khí đa dạng đang được chú ý.

Với không quân cường kích, khi tiến công vào các mục tiêu ven bờ, thời gian xuất hiện trên không ngắn, vì thế khi thực hành “bay thấp đánh lén” cần có loại máy bay, sử dụng bom, đạn chính xác, tính cơ động cao để thoát ly nhanh, an toàn.

Với bên phòng thủ, do máy bay đối phương xuất hiện ở độ cao thấp, bất ngờ, rất cần có radar phát hiện bay thấp, từ xa, phối hợp với các lực lượng hải quân phát hiện sớm, để có thời gian chuyển cấp báo động kịp thời cơ đánh trả.

Việc bố trí đón đánh máy bay, cần có tên lửa phòng không, pháo cao tốc từ các tàu bắn chặn sớm từ ngoài biển, vào trong bờ với lực lượng thích hợp.

Từ phía bờ đối diện, không quân hải quân đối phương ở khoảng cách không xa, có thể triển khai số lượng lớn máy bay, tàu chiến và tàu chở quân, tiến công với tần suất cao, nhiều đợt.

Do vậy tác chiến ven bờ cũng cần số lượng binh khí đối kháng lớn, cùng các thiết bị vật cản, thủy lôi, mìn thích hợp tại các khu vực dự kiến đối phương đánh chiếm, cập bờ.

Ở trên, nói về các tàu mặt nước không cần lớn, nhưng phải có tốc độ cao, quay trở tốt là bởi vì:

"Tại các vùng biển ven bờ, bên phòng thủ dựa vào “thế núi, dáng cửa sông” các đảo che khuất, cho phép tàu nhỏ quay trở nhanh, tiến hành cơ động phục kích, cơ động đánh trả hiệu quả, cho dù lực lượng hạn chế và phương tiện kém hiện đại hơn bên tấn công".

Chí ít việc bố trí lực lượng tàu  nhỏ hoặc tàu cỡ trunh bình cũng có ưu thế bất ngờ, cách đánh hiểm hóc.

Nếu có các tàu mang tên lửa, pháo các loại bắn hiệu quả, sẽ giành được không gian tác chiến rộng, không những chủ động thời gian, không gian đánh trả còn trì hoãn được cách đánh nhanh của đối phương.


Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya của Việt Nam.

Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya của Việt Nam.

Vùng nước ven biển, nơi lý tưởng cho việc sử dụng tàu tấn công nhanh (FAC), mang tên lửa chống hạm và ngư lôi. Tàu mang tên lửa hiện đại 250 đến 500 tấn có thể đạt tốc độ đến 40 hải lý/h (khoảng trên 70km/h).

Bán kính hoạt động của  từ 1.500 đến 4.000 dặm, dự trữ hành trình từ vài đến 10 ngày hoặc lâu hơn. Chúng có thể mang 4-8 (hoặc nhiều hơn) tên lửa chống tàu, hệ thống pháo 76 mm hoặc 57 mm một hoặc hai súng 20 mm hoặc 40 mm.

Một số cũng được trang bị ống phóng ngư lôi 400 mm hoặc ngư lôi 533 mm.

Những vùng biển ven bờ có chiều dài biển ăn sâu vào đất liền, hay các cửa sông lớn, như biển Adriatics, biển Baltic, thường có các căn cứ tàu nổi, nơi cất giấu tàu ngầm, cơ sở công nghiệp đóng tàu, kho tàng, kho nhiên liệu…

Tuy mục tiêu bảo vệ tập trung trong dải hẹp, nhưng lại là nơi có chiều sâu phòng thủ. Cũng vì thế vũ khí trang bị ở những nơi này cần đa dạng, yêu cầu tác chiến liên quân cao, phối hợp được các lực lượng phòng thủ hiệu quả.

Tại vùng biển ven bờ, tàu 3 thân thường có mớn nước nhỏ hơn tàu 1 thân (cùng lượng giãn nước), nên phù hợp với vùng nước nông. Mỹ trang bị tàu 3 thân LCS-2 Independence; Anh có tàu Triton; Indonesia có tàu X3K.

Tàu X3K của Indonexia có chiều dài tối đa 62,5m, rộng 16 m. Trên tàu có tên lửa với 4 bệ phóng tầm bắn 120km, phù hợp tác chiến ven biển.

Các tàu của Mỹ, Ấn Độ có hệ thống vũ khí kín đáo, khoang chứa xuồng máy hỗ trợ lực lượng biệt hải (biệt kích).

Tàu 3 thân Triton của Anh có mặt boong rộng, chứa được 2 trực thăng, trong đó có trực thăng vận tải, giúp chi viện đắc lực cho các đảo xa, bãi cạn tàu khó vào, thậm chí nơi đó không chuyển tải được bằng xuồng.

Nhiều nước ĐNÁ đóng tàu tuần tra cao tốc mang tên lửa, pháo cỡ nòng nhỏ đáp ứng tác chiến ven bờ.

Tàu 3 thân có boong rộng còn cho phép có thêm trực thăng vũ trang, nối dài tầm hoạt động ra đại dương, trinh sát, gây nhiễu từ xa, bảo đảm từ tác chiến hỗ trợ đến cứu nạn hiệu quả.

Mk46 là kiểu pháo 30mm trên tàu, bắn nhanh có khả năng điều khiển từ xa, được lắp đặt các thiết bị dò tìm như cảm biến hồng ngoại, camera có thể ghi hình ban đêm, thiết bị đo đạc laser cự ly xa.

Những khu vực ven bờ, phía ngoài xa có các đảo, cụm đảo tiền tiêu, chẳng khác nào những chiến hạm, đội tàu “không bao giơ đắm”.

Như thế phải nghĩ đến việc bố trí các loại vũ khí trang bị đa dạng, có cự ly sát thương từ xa, đến gần, uy lực lớn, số lượng lớn. Tại các vùng đảo này, hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc cần đa dạng, liên thông nhiều lực lượng.

Tàu ngầm đột nhập vùng nước nông ven bờ khó phát hiện hơn ngoài đại dương, khi lặn vào đây thường là các tàu diesel-điện, kích thước nhỏ, để có thể hoạt động, di chuyển trong các khu vực rạn san hô, khe cạn.

Bên phòng thủ sẽ vất vả để tìm kiếm, phát hiện các tàu ngầm này do nhiễu địa vật, dòng nước, nhiễu do con người.

Do vậy cần trang bị cả thiết bị dò tìm chủ động, thụ động. Nếu trang bị máy bay tầm xa, đắt tiền, phối hợp với trực thăng thả sensor diện rộng hay tại các khu vực nhạy cảm từ vùng sóng lớn phòng ngừa sớm thì rất tốt.

Ngày nay, tiến bộ về công nghệ dẫn đường chính xác và vật liệu, hỏa thuật cho phép tác chiến ven bờ sử dụng được các tên lửa hành trình chống hạm, vũ khí thông minh, những “đồ hiếm” mà trước kia không giành cho tác chiến tầm gần, tàu nhỏ.

Ngày nay, tàu nhỏ lượng giãn nước chỉ 1.000 tấn đã có thể mang phóng các loại tên lửa này, cả trong tấn công và phòng thủ.

Tàu tên lửa nhỏ Zelyonyi Dol và Serpukhov của Nga có điểm chung với tàu ngầm điện-diesel Novorossyisk không chỉ ở chỗ được trang bị hệ thống tên lửa Kalibr (nổi tiếng với tên xuất khẩu là Club) dùng để tấn công các mục tiêu mặt nước và mặt đất.


Tàu tên lửa thuộc dự án 21631 Buyan-M (Nga) thực hành phóng tên lửa hành trình tầm xa.

Tàu tên lửa thuộc dự án 21631 Buyan-M (Nga) thực hành phóng tên lửa hành trình tầm xa.

Các tàu nhỏ, thuộc dự án 21631 Buyan-M (Nga) có lượng giãn nước 949 tấn, tốc độ tối đa đạt 25 hải lý/giờ này giờ đây có thể mang mỗi tàu 8 tên lửa Kalibr-NK trong các bệ phóng thẳng đứng UKSK.

Các bệ phóng này cũng có thể bắn các tên lửa chống hạm siêu âm Oniks. Đợt bắn phá vào phiến quân ở Sirya từ cự ly 1.500km (10-2015) đã cho ta thấy sự lợi hại của nó, trong mở rộng khả năng tác chiến ven bờ từ rất xa, qua biên giới quốc gia nhiều nước.

Tác chiến điện tử tham gia từ đầu

Tác chiến ven bờ ngày nay không hẳn bên nào có số lượng lớn, hỏa lực mạnh là chiếm ưu thế, khi tác chiến mạng, tác chiến điện tử (TCĐT) phát triển ngày càng mạnh. Ở đây chưa phân tích tác chiến mạng. Chỉ nêu về TCĐT ven bờ.

Phải thừa nhận TCĐT luôn được triển khai sớm, trước cả những phút đầu lâm chiến. Các thiết bị gây nhiễu trên tàu và máy bay đối phương khi tấn công mục tiêu gần bờ và trong đất liền có kích thước hạn chế, công suất nhỏ hơn nhiều so với các trạm gây nhiễu trong bờ.

Ngược lại, các thiết bị TCĐT ven bờ không chỉ đa dạng, mà có công suất lớn, tạo ra cường độ chế áp cao.

Nếu phương tiện trinh sát nhiễu của lực lượng ven bờ dựa vào các đảo xa, có khí tài trinh sát phát hiện sớm, sẽ cho phép phân tích sớm tính chất nhiễu tạp, từ đó có biện pháp đối phó trúng và đúng.

Chế áp nhiễu ven bờ từ các tàu nhỏ cũng có lợi thế về số lượng, dải sóng trùm phủ rộng “bịt mắt” đối phương hiệu quả cao.

Cần nhớ TCĐT ven bờ sẽ có nhiều tàu nhỏ và các trạm cố định cùng tham gia với số lượng lớn máy phát nhiễu, nên hiệu quả tốt.

Hải quân Mỹ, năm 2014 đã đầu tư 147 triệu USD hợp tác với hãng chế tạo vũ khí quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển hệ thống TCĐT mặt nước tiên tiến mới, mang tên (SEWIP) Block 2.

Hải quân nước này sẽ mua lô 24 hệ thống SEWIP Block 2 đầu tiên, trang bị cho 140 tàu chiến mặt nước.

Tổng Công ty Công nghệ Vô tuyến-Điện tử KRET của Nga bao gồm 95 doanh nghiệp tham gia vào phát triển và sản xuất các sản phẩm vô tuyến - điện tử, trong đó có nhiều thiết bị trinh sát, gây nhiễu cho máy bay và tàu chiến.

Tổ hợp TCĐT loại "Infauna" của họ vừa được Hải quân Nga đưa vào phục vụ, nó có các máy phát gây nhiễu dải tần rộng, tự động hóa cao, cường độ gây nhiễu thông tin vô tuyến điện, công suất gấp 1,5 lần, cường độ chế áp sóng đối phương tăng 15-20%.

Nó còn gây nhiễu vô tuyến làm vô hiệu hóa thiết bị vô tuyến điều khiển mìn từ xa của đối phương, hoặc quân khủng bố, trong tác chiến đổ bộ đường biển, phù hợp với tác chiển ven bờ.

Liên hiệp khoa học-sản xuất (NPO) Kvant của Nga vừa giới thiệu tổ hợp gây nhiễu và TCĐT 1L269 Krasuha-2 có tính năng chế áp xa.

Hệ thống mang tên Vitebsk-25 đã được KQ Nga thử nghiệm, có thể đánh giá cường độ của sóng điện từ và gây nhiễu tín hiệu trong một dải tần rộng. Nó được lắp đặt cho các trực thăng họ Kamov và Mi 26T2 và trên máy bay cường kích Su-24, Su-25.

Vụ “bịt mắt” chiến hạm Mỹ tháng 4-2015 tại vùng biển Đen mà báo chí nêu, cho thấy sự lợi hại của Vitebsk-25 trên máy bay Su-24 (Nga) làm tê liệt hệ thống điều khiển chiến đấu Aegis của tàu Donald Cook Mỹ.

Nhiều quốc gia ven biển đang tìm mua các thiết bị này. Được biết các vụ không kích vào Lybia năm 2011, máy bay của NATO cũng được che chở từ nhiều máy gây nhiễu, đặt trên máy bay chuyên TCĐT loại E/A-18G Growler của Mỹ.


Ảnh đồ họa mô phỏng tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ phóng tên lửa không đối hạm Brahmos.

Ảnh đồ họa mô phỏng tiêm kích đa năng Su-30MKI của Ấn Độ phóng tên lửa không đối hạm Brahmos.

Hiệp đồng tác chiến liên quân chủng

Không lực lượng hải quân nào ngày nay có thể giành thắng lợi trọn vẹn trong tác chiến ven bờ, nếu không phối hợp tác chiến, hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng khác.

Hiệu quả phòng thủ sẽ tăng đáng kể nếu sử dụng không quân tác chiến đa quân chủng, trang bị nhiều loại máy bay trinh sát hay máy bay tác chiến đa năng, mang tên lửa đối hải, cự ly xa, sức công phá lớn.

Chẳng hạn như Su-30MKI của Ấn Độ mang tên lửa BrahMos mini, tốc độ 3,5M với đầu đạn nặng tới 300 kg, tầm bắn tối đa 290 km (chưa kể tầm hoạt động của Su-30MKI) là vũ khí rất nguy hiểm cho các loại tàu lớn, nhỏ.

Không ở đâu, sự phối hợp tác chiến “không - bộ - biển” lại gắn kết chặt chẽ như tác chiến ven bờ. Yếu tố trên bộ ở đây bao hàm các trận địa tên lửa bờ, pháo bờ biển. Tên lửa bờ ngày nay có tầm bắn khá xa, tới  hàng trăm km.

Tên lửa đối hạm của Nga P-800/3M55 Yakhont, tầm bắn tới 300km, loại P-900 Klub (SS-N-27 Sizzler) tầm bắn 220 đến 300 km (500 km với phiên bản nội địa), tên lửa Exocet MM40 Block III của Pháp tầm  trên 180 km…

Tầm bắn xa trong tác chiến ven bờ chưa phải tất cả, còn là uy lực sát thương, còn là nhịp bắn và khả năng tác chiến liên tục.

Sẽ là thiếu trong tác chiến ven bờ nếu không nói đến vai trò của các lực lượng trinh sát duyên hải, từ thời bình đến khi khởi sự, lực lượng thầm lặng này luôn phải chủ động thu thập, đánh giá, phân tích và liên tục truy cập tình hình đối phương.

Vai trò của các trạm thông tin tín hiệu, tình báo kỹ thuật với các máy thu hiện đại rất cần được trang bị. Máy bay không người lái (UAV) ngày nay trở thành phương tiện trinh sát rất hiệu quả, ngay cả khi tác chiến, ngày và đêm.

Nhiều UAV có thời gian bay dài, mang các cảm biến đa dạng, truyền dẫn tin tức theo thời gian thực.

Từ sân bay duyên hải tới căn cứ tên lửa bờ và các tàu ngầm, tàu nổi… cần có sự đồng bộ, thống nhất cao cách đánh, phối hợp tốt, thông qua diễn tập nhiều lần, góp phần đắc lực cho chiến thắng trong tác chiến ven bờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại