Tiến sĩ Ozon vào tàu ngầm Trường Sa, mách nước thử nghiệm

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải đã tới thăm tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa và gặp gỡ một số cán bộ của tỉnh Thái Bình

Tàu Trường Sa sẽ hoạt động hoàn hảo

Trao đổi với tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải (ông già Ozon) ngày 10/3/2014, ông Khải cho biết do có công việc công tác tại Thái Bình nên đã có cơ hội tham quan chiếc tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cũng như gặp gỡ một số lãnh đạo của tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Khải cho biết: “Tôi rất vui vì được tận mắt chứng kiến con tàu này, ngày hôm nay tôi đã vào trong khoang lái để tận mục sở thị. Khoang lái khá thoải mái cho hai người ở bên trong. Ông Nguyễn Quốc Hòa cũng đã nhờ tôi kiểm tra hệ thống điện, động cơ, cũng như khả năng chịu lực, chịu sức ép, những vấn đề vật lý này tôi có chuyên môn”.

Ông Khải cho biết thêm, sau khi kiểm tra những hệ thống này, tàu Trường Sa đang ở hiện trạng hoàn hảo.

“Tôi hoàn toàn có thể tin tưởng về việc tàu có thể lặn ở độ sâu 10m và cân bằng trong nước. Còn việc di chuyển, tôi thấy không có vấn đề gì, động cơ và chân vịt của tàu được thiết kế rất khéo léo, có thể thấy ông Hòa là một kỹ sư xuất sắc.”

Về những tính năng hoạt động khác như hệ thống không khí tuần hoàn AIP, ông Khải không có nhận định bởi lẽ chuyên môn của ông không phải là lĩnh vực công nghệ này.

“Tôi có hứa với ông Hòa sẽ gửi tặng tàu Trường Sa một số đèn LED do tôi sáng chế, có khả năng chiếu sáng, tiết kiệm điện, khử khói, khử khuẩn. Trong môi trường kín khí lúc con tàu đang lặn, và hệ thống điện sử dụng nguồn ắc quy, tôi nghĩ nó sẽ hữu hiệu. Chúc Việt Nam sẽ có nhiều hơn những người như ông Hòa” – ông Khải hồ hởi cho biết.

Loại đèn khử khói, khử khuẩn của ông Nguyễn Văn Khải thực chất là sự kết hợp đèn LED và chất nano ô-xit titan. Tiến sĩ Khải, tác giả nghiên cứu sản phẩm cho biết, ở cực âm đèn LED (đi-ốt phát sáng) ông gắn thêm chất nano ô-xit titan, chất này có chức năng cung cấp ô-xy. Theo kết quả nghiên cứu, với loại đèn công suất 3W, trong một giây có thể cung cấp 10 triệu phân tử ôxy/cm3. Lượng oxy này có thể làm đứt mạch hữu cơ của các loại vi khuẩn, virus và tiêu diệt chúng. Ngoài ra còn có khả năng khử mùi, khử khói, làm sạch không khí.

Hãy để Trường Sa ra biển

Xung quanh vấn đề thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Văn Khải đã có cuộc gặp gỡ với một số lãnh đạo của tỉnh Thái Bình. Những lãnh đạo này bày tỏ mối lo lắng về việc thử nghiệm tàu sẽ gây mất an toàn. Trước hết là mất an toàn với người thử nghiệm, là ông Nguyễn Quốc Hòa, sau đó là sự mất an toàn với các phương tiện di chuyển trên mặt sông, mặt biển.

Ông Nguyễn Văn Khải chia sẻ: “Nếu như lo ngại việc ông Hòa gặp nguy hiểm, tôi hiểu những người đam mê khoa học, trước hết họ tin, hiểu, và làm chủ sản phẩm của mình. Nếu thực hiện một cách đúng mực, con tàu sẽ không mang lại nguy hiểm gì. Và nếu có nguy hiểm, thì đó là cái giá của một người nghiên cứu, chế tạo. Tôi tin ông Hòa biết điều đó và sẵn sàng chấp nhận.”

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải

“Còn về vấn đề thử nghiệm, trước hết chúng ta đừng quan trọng hóa vấn đề. Thậm chí, hiểu một cách hài hước, cũng không nên gọi là tàu ngầm, cứ coi như nó là một con tàu bình thường, và có thể chìm xuống nước. Nếu như thế, lúc tàu nổi trên mặt nước, nó chỉ là một cái thuyền, cái tàu, cứ để nó bơi, cho nó cắm cái cờ thử nghiệm để tàu khác biết mà tránh xa. Còn lúc nó lặn, ở độ sâu 5m, 7m, liệu có thể đâm vào phương tiện nào nhỉ? Theo tôi biết thì ngoài Trường Sa ra sẽ chẳng có ai ở dưới mặt nước lúc đó.” – tiến sĩ Khải hóm hỉnh phân tích.

“Chúng ta đang lo lắng một cách thái quá. Cứ phải thử phải làm thì mới có tiền lệ chứ. Theo tôi, cứ để tàu ngầm Trường Sa ra sông, ra biển, chứ thử trong ao trong hồ, rồi rong rêu quấn vào chân vịt, không bơi được đâu” – ông già Ozon vui vẻ mách nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại