Tại sao Pháp tiến hành chiến dịch quân sự tại Mali, Somali?

Theo Đất Việt |

Rạng sáng ngày 12/01, Pháp đã đơn phương triển khai chiến dịch quân sự tại Mali, đổ bộ hàng trăm quân và tiến hành chiến dịch không kích

Theo một số nguồn tin, Pháp sẽ triển khai tổng cộng 2.500 binh sĩ ở đất nước thuộc địa cũ này để yểm trợ quân đội Mali và có thể sẽ phối hợp với với lực lượng can thiệp do các nước Tây Phi cử đến.

Lực lượng này sẽ được triển khai theo nghị quyết 2085 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái với nội dung cho phép khoảng 3.000 lính châu Phi tới tham chiến tại Mali trong năm nay nếu các bên tham gia xung đột không đạt được thỏa thuận nào.

Pháp điều quân tới tham chiến tại Mali
Pháp điều quân tới tham chiến tại Mali

Gần như đồng thời với chiến dịch trên, cũng rạng sáng ngày 12/01, Pháp cũng tiến hành một chiến dịch (tuy khác về quy mô và lực lượng sử dụng) tại một quốc gia Tây Phi khác là Somali.

Tại sao Pháp lại tiến hành cùng lúc 02 chiến dịch như vậy? Xin đề cập đến một số diễn biến và nguyên nhân thực sự của các hoạt động quân sự mà Pháp tiến hành nói  trên.

Cái cớ để Pháp cử quân đến Mali là do các phiến quân tại nước này có quan hệ với Al-Qaeda đang đẩy mạnh hoạt động sau khi đã chiếm toàn bộ phía bắc Mali vào đầu năm 2012 (lợi dụng sự rối ren quyền lực sau đảo chính tại nước này).

Binh lính Pháp khi vừa đặt chân tới chiến trường mới
Binh lính Pháp khi vừa đặt chân tới chiến trường mới

Đến thời điểm bắt đầu chiến dịch của Pháp, lực lượng cực đoan nói trên với thành phần chủ yếu là các nhóm Hồi giáo “Ansar Ad-Din” và “Phong trào vì sự thống nhất và thánh chiến tại Tây Phi” đang tiến nhanh về phía nam đến thành phố có tầm chiến lược quan trọng nhất là Mopty - thành phố này có tuyến giao thông nối trực tiếp với thủ đô Bamako của Mali.

Chính vì vậy mà các binh sỹ Pháp đã phải vội vàng triển khai lực lượng để chặn phiến quân. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến quân Pháp phải vội vã như vậy là do các nước Châu Phi và Hội đồng bảo an LHQ đã chậm chễ trong việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại nước này (quyết định cử Lực lượng gìn giữ hòa bình đến Mali đã có từ lâu nhưng sau đó HĐBA LHQ lại quyết định chỉ cử lực lượng trên đến Mali không sớm hơn tháng 9 năm 2013).

Trong những ngày đầu tiên của chiến dịch, hai bên thay nhau giành thế chủ động. Được Pháp hỗ trợ, quân đội chính phủ Mali đã đánh bật được các đợt tấn công của quân nổi dậy, chiếm lại được thành phố Kona và tiêu diệt khoảng 100 phiến quân.

 

Cơ động đến vị trí tập trung
Cơ động đến vị trí tập trung

Tuy nhiên, đến ngày thứ hai (14/01), các chiến binh Hồi giáo đã tấn công rất mạnh và đánh bật quân chính phủ khỏi thành phố Diabali. Đến thời điểm 17/01, quân Pháp chưa phải chịu tổn thất nào đáng kể (mới 01 phi công lái máy bay lên thẳng thiệt mạng) nhưng các phiến quân thề sẽ trả thù nước Pháp và “đánh đòn tấn công trả thù ngay tại trái tim nước Pháp”.

Theo tính toán của Pháp thì chiến dịch này sẽ kéo dài khoảng vài tuần. Hiện nay, quân Pháp đang phải bịt các lỗ hổng trong phòng ngự và chờ sự giúp đỡ của các nước Châu Phi và Anh (Anh cam kết sẽ hỗ trợ máy bay vận tải).

Nhưng rất có thể trong thời gian tới Pháp sẽ không dừng lại ở vai trò hỗ trợ cho lực lượng của chính phủ Mali. Vấn đề không chỉ ở chỗ giành ưu thế về quân sự (nếu cần thiết Pháp sẽ yêu cầu các nước NATO hỗ trợ lực lượng) mà là ở chỗ Pháp không muốn để cuộc xung đột quy mô lớn như vậy mặc nó phát triển nằm ngoài sự kiểm soát của Pháp.

Một hoạt động quân sự khác ít được dư luận quan tâm hơn là chiến dịch tại Somali, xảy ra gần như đồng thời với các sự kiện tại Mali, đó là  vào rạng sáng ngày 12/01/2013, một phân đội đặc nhiệm Pháp dưới sự chỉ huy của Tổng giám đốc cơ quan an ninh đối ngoại Pháp (DGSE-  Cơ quan phản gián quân sự) đã tiến hành một chiến dịch nhằm giải cứu một nhân viên của chính cơ quan này là đã bị các phiến quân bắt cóc từ hơn 3 năm nay.

Nhân viên của DGSE với tên gọi Denis Allex bị bắt cóc ngày 14/07/2009. Cùng với ông này là nhân viên khác cùng cặp  – Mars Aubrien cũng đã bị bắt cóc tại một khách sạn ở Mogaditsu.

Pháp kéo cả lực lượng tăng - thiết giáp vào Mali tham chiến
Pháp kéo cả lực lượng tăng - thiết giáp vào Mali tham chiến

Theo các thông báo chính thức, cả hai điệp viên nói trên mới đến Somali được 10 ngày theo lời mời của chính phủ nước này. Dư luận cho rằng chức năng của 02 điệp viên nói trên là huấn luyện cho các lực lượng an ninh của chính phủ Somali, trong đó có cả các nhân viên tình báo. Bình phong cho hoạt động của hai nhân vật này là tấm thẻ nhà báo nhưng cả 02 thẻ nói trên đã không giúp ích gì cho họ.

Các nhóm bắt cóc đều là các phần tử cực đoan có liên quan đến “Al- Qaeda”: Allex rơi vào tay nhóm phiến quân “Al- Shabaab”, còn Aubrien – vào tay nhóm “Hezb al- Islam”,- một nhóm được coi là ôn hòa hơn cả.

Sau khi vụ bắt cóc xảy ra dư luận không ai hiểu là các nhóm trên bắt cóc “02 nhà báo Pháp” với mục đích gì. Tình hình lại càng trở nên khó hiểu hơn khi mà vào tháng 8, một trong số 02 điệp viên trên là Aubrien đã trốn thoát.

Cả hai bên (Pháp và nhóm “Hezb al- Islam” đều đưa ra các thông tin không chính thức rằng ông này được trả tự do là nhờ các cuộc đàm phán và trả tiền chuộc, nhưng không ai chính thức khẳng định thông tin này. Còn các chiến binh “Al- Shabaab” vì điên tiết trước thông tin nói trên đã thề sẽ hành hình Allex ngay lập tức vì “ tội làm gián điệp” và giúp đỡ “các kẻ thù của Đức thánh Alla”.

Mặc dù tuyên bố như vậy nhưng các phiến quân cũng vẫn không giết ngay Allex. Thời gian tiếp sau đó, các phiến quân đã lần lượt đưa ra một số điều kiện để thả Allex như đòi Pháp phải từ bỏ sự ủng hộ chính trị và quân sự cho chính quyền chuyển tiếp ở Somali, rút các cố vấn quân sự khỏi nước này và đưa các tàu chiến của mình ra xa vùng duyên hải Somali.

Ngoài các yêu cầu trên, nhóm “Al-Shabaab” còn đòi hủy bỏ sứ mệnh hòa bình của Liên minh Châu Phi tại Somali. Về phần mình, Allex cũng đã nhiều lần chuyển các đòi hỏi nói trên của các chiến binh cho chính phủ Pháp và các đoạn video clip ghi hình với các phát biểu này đã nhiều lần xuất hiện trên mạng Internet.

Một trong những thông điệp cuối cùng của Allex là thông điệp gửi tới F. Olland ngay sau khi ông này nhậm chức thay N. Sackozi. Con tin này kêu gọi tổng thống mới đàm phán với phiến quân và cũng kêu gọi từ bỏ chính sách “chống Hồi giáo” ở ngay trong lòng nước Pháp và cả trên thế giới.

Bộ quốc phòng Pháp cho biết là đại diện của Bộ này đã cố tiến hành các cuộc đàm phán với phiến quân nhưng những nỗ lực trên đã không đem lại một kết quả nào và vì vậy Pháp buộc phải áp dụng giải pháp quân sự.

Đêm ngày 11/01, các máy bay lên thẳng đã chở đội đặc nhiệm Pháp tham gia chiến dịch giải cứu Allex tới phía nam Somali và Mỹ cũng đã cử một máy bay trinh sát chuyên dụng theo dõi chiến dịch giải cứu này.

Có một điều rất đáng chú ý là dường như các tay súng phiên quân đã biết trước kế hoạch và “đón tiếp” đội đặc nhiệm Pháp trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Một trận chiến ác liệt giữa hai bên đã xảy ra, phía phiến quân có 17 tay súng thiệt mạng, còn Pháp mất 02 lính đặc nhiệm (lúc đầu phía Pháp thông báo là chỉ có một binh sỹ đặc nhiệm thiệt mạng, 01 người mất tích. Sau đó đại diện của “Al- Shabaab” cho biết là đã bắt sống một lính đặc nhiệm bị thương và binh sỹ này đã chết vào ngày thứ 2 ngày 14/01).

Hiện không có thông tin thống nhất về số phận Allex, phía Pháp cho biết là ông này đã thiệt mạng, còn “Al- Shabaab” lại thông báo rằng điệp viên này vẫn sống, nhưng sẽ sớm bị hành hình. Đến trưa ngày 17/01, “Al- Shabaab” tuyên bố đã hành hình nhân vật này và chiến dịch giải cứu Allex như vậy là hoàn toàn thất bại.

Tại sao Pháp lại tiến hành 02 chiến dịch quân sự như vậy ở Châu Phi?

Các chuyên gia cho rằng các động thái quân sự mà Pháp tiến hành gần như đồng thời ở hai nước Châu Phi chứng tỏ rằng Pháp vẫn duy trì một mối quan hệ đặc biệt đã hình thành từ lâu giữa các thuộc địa cũ của mình ở Châu Phi với “mẫu quốc”.

Các mối quan hệ này có một tên gọi không chính thức là Châu Phi Pháp “Francafrique”. Suốt thời gian qua, mối quan hệ này chỉ thay đổi vẻ bên ngoài, nhưng bản chất của nó không hề thay đổi.

Pháp vẫn sẵn sàng bảo vệ các lợi ích không chỉ riêng về kinh tế mà cả chính trị của mình tại lục địa “đen” này và đang hướng tới vai trò của một cường quốc khu vực. Và cũng hoàn toàn không loại trừ khả năng là Pháp đã quyết định không những không từ bỏ ảnh hưởng hiện có của mình tại Châu Phi mà còn mở rộng và tăng cường ảnh hưởng đó.

Chỉ có cách hiểu như vậy mới giải thích được tại sao Pháp lại “hăng hái” đi đầu trong chiến dịch của NATO tại Libi- vốn là thuộc địa cũ của Ý, và với lý do gì mà Pháp lại cử các cố vấn quân sự của mình tới Somali, một nước từng là thuộc địa của Anh và Ý, chứ không phải của Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại