Sức mạnh 'nanh vuốt' răn đe hạt nhân trên biển của Nga

Ngoài những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khủng phóng từ mặt đất, Nga còn sở hữu một lực lượng tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm rất lợi hại.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là một trong 3 thành phần không thể thiếu của bộ 3 răn đe hạt nhân mà các cường quốc trên thế giới đang sở hữu. Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có lợi thế rất lớn về mặt chiến thuật và chiến lược.

Những chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo SSBN ẩn nấp sâu trong lòng đại dương có thể tung ra đòn tấn công khiến đối phương không kịp trở tay. Vốn yếu thế về không quân so với Mỹ nên Nga đã tập trung sức mạnh vào các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa liên lục địa để tạo thế cân bằng.

SLBM R-29 được phóng đi từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta trong một cuộc thử nghiệm.

Những năm Chiến tranh Lạnh, việc kiểm soát lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga mang tên lửa đạn đạo liên lục địa luôn là vấn đề đau đầu đối với Mỹ. Loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm SLBM chủ lực của Nga là R-29 Vysota.

R-29 là tên lửa chủ lực của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-I/II/III và Delta-IV. R-29 được phát triển vào năm 1963, phóng thử nghiệm lần đầu vào năm 1969. Đây là một loại tên lửa nhiên liệu lỏng hai giai đoạn.

SLBM R-29 được phát triển với khá nhiều biến thể, tính năng của tên lửa được cải thiện qua từng biến thể. R-29 nguyên bản, NATO định danh SS-N-18, có chiều dài 13,2 mét, đường kính 1,8 mét, trọng lượng phóng 32,8 tấn, tầm bắn tối đa 7.700 km, tên lửa có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân có trọng lượng 1.100 kg.

Biến thể R-29R có chiều dài 14,4 mét, đường kính 1,8 mét, trọng lượng phóng 35,5 tấn, tầm bắn tối đa 6.500 km, tên lửa có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 0,2 MT.

Biến thể R-29RK có chiều dài 14,4 mét, đường kính 1,8 mét, trọng lượng phóng 34,38 tấn, tầm bắn tối đa 6.500 km, tên lửa có thể mang theo 7 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 0,1 MT.

Tên lửa R-29RMU Sineva đang được phóng từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-IV trong một thử nghiệm, hiện tại tàu ngầm lớp Delta vẫn là trụ cột cho năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Nga.

Biến thể R-29RL có chiều dài 14,09 mét, đường kính 1,8 mét, trọng lượng phóng 35,3 tấn, tên lửa có tầm bắn tối đa 9.000 km nhưng chỉ mang theo một đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 0,45MT.

Biến thể nâng cấp R-29RMU Sineva, NATO chỉ định SS-N-23 Skiff, được thực hiện hoàn toàn dưới thời hậu Xô Viết. Tên lửa được thử nghiệm đầy đủ vào tháng 11/2008. R-29RMU Sineva đạt tầm bắn 11.547 km, đưa nó trở thành loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay.

Tên lửa có chiều dài 14,8 mét, đường kính 1,9 mét, trọng lượng phóng 40,3 tấn tên lửa có thể mang theo 4 đầu đạn hạt nhân tấn công 4 mục tiêu khác nhau.

Chương trình R-29RMU Sineva là một nỗ lực lớn của Hải quân Nga nhằm củng cố khả năng răn đe hạt nhân trên biển sau khi số lượng tàu ngầm SSBN phục vụ tuần tra trong Hải quân Nga ngày càng giảm do khó khăn kinh tế những năm 1990.

Theo kế hoạch khoảng 100 tên lửa Sineva sẽ được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm SSBN lớp Delta -IV phục vụ trong Hải quân Nga cho đến năm 2030.

SLBM RSM-56 Bulava đang được phóng trong một lần thử nghiệm chương trình phát triển tên lửa mới này gặp khá nhiều vấn đề về kỹ thuật.

Biến thể mới nhất được phát triển từ R-29 là R-29RMU2 Layner là một chương trình đầy tham vọng của Hải quân Nga nhằm xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. R-29RMU2 là một phát triển mở rộng từ tên lửa Sineva.

Tên lửa được phát triển bởi Cục thiết kế tên lửa Makeyev, sản xuất tại nhà máy chế tạo máy móc Krasnoyarsk. R-29 RMU2 là một tên lửa nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn, tên lửa phóng thử nghiệm thành công vào ngày 20/5/2011. Ban đầu nhà chức trách Nga tuyên bố phóng thử tên lửa Sineva nhưng sau đó các quan chức hải quân xác nhận đó là tên lửa Layner.

Điểm chết người của tên lửa mới là có khả năng mang theo tới 12 đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu riêng biệt đưa nó trở thành loại tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn nhất thế giới. Layner là một chương trình phát triển khá bí mật, rất nhiều thông số kỹ thuật của tên lửa không được tiết lộ.

Loại SLBM khác đang trong quá trình phát triển cho tàu ngầm là chương trình RSM-56 Bulava, NATO định danh SS-X-30. Đây là chương trình phát triển nanh vuốt cho loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất được phát triển dưới thời hậu Xô Viết tàu ngầm lớp Borei.

Tên lửa Bulava cùng với tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei sẽ là trụ cột cho năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Nga đến năm 2040. Ảnh: Military-today.

Chương trình SLBM Bulava được Viện công nghệ nhiệt Moscow khởi xướng từ những năm 1990, một sự thay thế cho chương trình R-39 đã bị hủy bỏ.

Bulava là một tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, 2 giai đoạn đầu sử dụng nhiên liệu rắn ở giai đoạn cuối sử dụng nhiên liệu lỏng.

Tên lửa có khả năng phóng ở trạng thái nằm nghiêng nên có thể bắn tên lửa trong khi tàu đang di chuyển. Tên lửa có quỹ đạo bay tương đối thấp nên nó được liệt kê vào loại tên lửa bán đạn đạo.

Tên lửa có chiều dài 12,1 mét, đường kính 2 mét, trọng lượng phóng 40,6 tấn. Tên lửa có thể mang theo 6 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 150 kt/đầu đạn, tầm bắn thiết kế từ 8.000-16.000 km. Bulava là chương trình phát triển tên lửa đạn đạo gặp nhiều trục trặc kỹ thuật nhất trong các chương trình phát triển tên lửa hậu Xô Viết. 6/13 lần phóng bị thất bại và một thất bại khác trong thử nghiệm trên mặt đất.

Chương trình Bulava rất nhiều lần bị đặt “lên thớt” rất nhiều câu hỏi được đặt ra về tính khả thi của bản thiết kế. Tuy nhiên, cuộc điều tra mở rộng sau thất bại trong thử nghiệm vào tháng 12/2009 cho thấy chất lượng linh kiện sản xuất tên lửa có vấn đề.

Một cuộc cải tổ chất lượng linh kiện đã được thực hiện một cách nghiêm túc tại nhà máy sản xuất Votkinsk. Từ đó về sau các thử nghiệm của Bulava đã trở nên thành công hơn. Tên lửa được phóng thành công từ tàu ngầm tiêu chuẩn của nó là Yury Dolgorukiy, lớp Borei vào ngày 27/8/2011, tên lửa đạt tầm bắn hơn 9.000 km.

Tên lửa được chấp nhận vào trang bị và sản xuất loạt  ngày 27/12/2011. Bulava cùng với tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei sẽ là trụ cột cho năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Nga cho đến năm 2040.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại