Sức mạnh đáng sợ của chiến đấu cơ Pháp

Ngày 13/6/2014, Bộ tư lệnh Không quân Pháp đã trang trọng tổ chức lễ đưa tiêm kích Mirage F-1 ra khỏi biên chế tại căn cứ không quân số 118 ở Mont-De-Marsan.

Mirage F-1” được đưa vào trang bị cho Không quân Pháp từ năm 1983 và ngày 14/7/2014 tới (ngày quốc khánh Pháp), sẽ có 5 chiếc “Mirage F-1” thực hiện chuyến bay chào lần cuối trên bầu trời cung điện Élysée. Tuy nhiên, “Mirage F-1” sẽ không “nghỉ hưu”.

Dù được đưa ra khỏi trang bị của Không quân Pháp nhưng hiện nay đã có một số nước như Marocco và Libya đang tiến hành các cuộc thương thảo để mua lại “Mirage F-1” cho không quân nước mình. Còn biến thể CR (trinh sát) của loại máy bay này cũng đang được một số nước Châu Phi và Châu Mỹ Latinh quan tâm.

“MirageF-1”

Tiêm kích Mirage F-1

Tại sao “Mirage F-1” lại được “đối xử “trang trọng và được quan tâm như vậy. Xin giới thiệu với bạn đọc một số chi tiết khá thú vị về loại máy bay này và một số loại khác cùng do Hãng “Dassault Aviation” (Pháp) chế tạo.

1. Không cần quảng cáo vẫn đắt hàng

Tiêm kích Rafale

Tiêm kích Rafale

Người ta có thể tranh cãi về khả năng tác chiến của Quân đội Pháp nhưng khó có ai có thể nghi ngờ về chất lượng của vũ khí Pháp, nhất là các máy bay chiến đấu của Hãng “Dassault Aviation”.

Trong khi các nhà sản xuất máy bay chiến đấu, kể cả Liên Xô lẫn Mỹ phải tìm mọi cách để tiếp thị sản phẩm, sử dụng cả đòn bẩy và sức ép chính trị, cung cấp trước các khoản tín dụng tuy biết chắc là không bao giờ có thể đòi lại được để bán các máy bay của mình thì các máy bay Pháp không cần quảng cáo lẫn các gian trưng bày nhưng vẫn rất đắt hàng.

Lý do - trong nửa sau của thế kỷ XX, chưa có loại máy bay nào qua mặt được “Mirage”, “Mystere” và “Uragan” của Hãng “Dassalt Aviation” nếu xét về số lượng các cuộc chiến, trận không chiến mà loại máy bay này tham gia và giành phần thắng.

2. Bán cho ai cũng được, miễn trả đủ tiền

Đối với người Pháp (hay nói đúng hơn, công nghiệp quốc phòng Pháp và trong trường hợp ta đang nói tới ở đây là Hãng “Dassault Aviation”) lợi nhuận còn quan trọng hơn các toan tính chính trị. Pháp sẵn sàng cung cấp vũ khí cho bất kỳ ai, chỉ với mỗi một điều kiện duy nhất là nước đó chịu trả tiền.

Cả những nước thân Xô Viết như Libya, thân Mỹ như Úc, trung lập như Thụy Sỹ hoặc không quá thân ai như Brazil (xét từ góc độ này thì chăc chắn “Mistral” cũng sẽ được chuyển giao cho Nga, bất chấp sức ép của Mỹ vì ngoài “Mistral” Pháp và Nga còn có nhiều hợp đồng hợp tác quân sự đôi bên cùng có lợi khác).

3. Người quảng cáo tích cực nhất cho “Mirage” là các phi công Israel

Chính các phi công Israel là những chuyên gia quảng cáo thượng thặng cho máy bay chiến đấu Pháp.

Ngày 05/6/1967, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, các máy bay “Mirage” của Pháp (dĩ nhiên, do phi công Israel điều khiển) đã phá hủy 19 sân bay, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 300 chiếc máy bay của Arập.

Một vài chiếc máy bay Ai cập vừa kịp cất cánh đã lại bị hất lại ngay xuống mặt đất - “Dassault Mystere IV”, “Mirage III SJ” và MD-450 “Uragan” chiếm ưu thế tuyệt đối trên không và không để cho Không quân Arập bất kỳ một cơ hội nào.

Ảnh từ máy bay trinh sát “Mirage”  – những gì còn sót lại của 5 chiếc MiG-21 trên sân bay Arập. Hình cuối phía dưới bên phải là bóng của “Mirage”.

Ảnh từ máy bay trinh sát “Mirage” - những gì còn sót lại của 5 chiếc MiG-21 trên sân bay Arập. Hình cuối phía dưới bên phải là bóng của “Mirage”.

Nhân vật chính trong “bản anh hùng ca” này dĩ nhiên là “Mirage” huyền thoại. Loại máy bay tiêm kích có cánh hình tam giác này đã trở thành biểu tượng sự phục hưng của Nước Pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Các phi công chiến đấu Xô Viết từng không chiến với “Mirage” khuyên các đồng đội sử dụng chiến thuật sau: “tấn công chớp nhoáng từ vị trí có lợi và ngay lập tức tận dụng khả năng tăng tốc tốt hơn của MiG-21 để thoát ly.

Còn nếu không làm được như thế thì: “nhà sản xuất (MiG) không chịu trách nhiệm”. “Mirage III CJ” tuy hơi kém MiG về khả năng cơ động nhưng có 2 khẩu pháo cỡ 30 mm DEFA cực mạnh (MiG-21 chỉ có 1 khẩu 23 mm GSh-23).

Hơn nữa, các phi công Israel có chiến thuật hiệu quả, tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu và được huấn luyện tốt (và còn một số yếu tố khác nữa như Israel đã tìm ra điểm yếu của MiG- 21).

Một dẫn chứng cho “nếu không làm được như thế”: Ngày 30/7/1970, trong trận không chiến nổi tiếng trên bầu trời sa mạc Sinai, “Mirage” của Israel đã bắn hạ 5 chiếc MiG do chính phi công Xô Viết điều khiển, phía Israel không mất một chiếc “Mirage” nào.

Mirage IIICJ của biên đội 101 Không quân Israel với 13 ngôi sao đánh dấu   13 trận không chiến thẳng lợi

Mirage IIICJ của biên đội 101 Không quân Israel với 13 ngôi sao đánh dấu 13 trận không chiến thẳng lợi

4. Thử so sánh “ Mirage” với “Phantom” (Mỹ) và “MiG” (Liên Xô)

Nhiều chuyên gia quân sự nhận xét: các kỹ sư và nhà khoa học của “Dassault Aviation” đã thiết kế được loại máy bay tiêm kích thế hệ 2 hoàn thiện nhất.

Người Mỹ vội tính đến các trận không chiến ở cự ly lớn, tập trung vào thiết kế các loại tên lửa “không đối không” nhưng trình độ công nghệ những năm 60 chưa đủ để thực hiện ý tưởng này.

Những máy bay “Phantom” cồng kềnh gặp nhiều khó khăn trong các cuộc không chiến tầm gần và thường trở thành con mồi cho các máy bay MiG nhỏ hơn nhưng cơ động hơn. Cách tiếp cận của các nhà thiết kế Xô Viết trong chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 2 cũng không thật sự hợp lý: MiG không có vũ khí đủ mạnh nếu so với “Mirage”.

Máy bay tiêm kích Pháp được trang bị hệ thống tên lửa hiệu quả và radar Thompson CTF “Syrano” với cự ly hoạt động 50 km (radar RP-22 Sapfir của Nga-30 km nhưng cự ly phát hiện thực tế của cả 2 loại trên đều ít hơn 2 lần).

Ngoài việc phát hiện các mục tiêu trên không “Syrano” còn có chế độ phát hiện các chướng ngại vật vượt quá độ cao bay đã cho và phát hiện các mục tiêu tương phản sóng vô tuyến trên mặt đất. Nói một cách ngắn gọn, “Mirage” kết hợp được ưu điểm của cả “MiG” lẫn” Phantom”.

Dasalt Mirage IIS của Không quân Thụy Sỹ

Dasalt Mirage IIIS của Không quân Thụy Sỹ

5. Chức năng linh hoạt

“Mirage” không chỉ đánh chặn các mục tiêu trên không. Trong trường hợp cần thiết, chỉ cần 5 thợ máy trong vòng nửa giờ có thể biến “Mirage” thành máy bay cường kích hoặc ném bom, chỉ cần lắp thêm pháo dưới thân máy bay, thêm thùng xăng phụ 340 lít (bỏ thiết bị tăng tốc tên lửa), lắp bom …

Nếu khách hàng nước ngoài có nhu cầu, “Mirage” có thể được trang bị hệ thống tiếp dầu trên không.

6. Giá cả vừa phải, chiều ý khách hàng

Một nhân tố không kém phần quan trọng làm “Mirage III” đắt hàng đó là “Mirage” rẻ hơn 2 lần so với “Phantom” (chỉ khoảng 1 triệu đôla so với 2,4 triệu đô la - thời giá năm 1965). Không những thế, “Mirage” còn dễ khai thác, sử dụng (vì thế mà thời gian đào tạo phi công ngắn hơn), không quá đòi hỏi chất lượng của các đường băng sân bay.

Đối với không quân một số nước đang phát triển, Pháp còn chế tạo “riêng” phiên bản rút gọn của “Mirage III” là “Mirage 5” (thay radar “Syrano” bằng radar “Aida” đơn giản hơn, nhiên liệu mang theo tăng 32%, thời gian bảo dưỡng kỹ thuật được rút ngắn - chỉ cần 15 giờ/người/cho một giờ bay …

Loại máy bay này rẻ hơn, dễ khai thác sử dụng hơn, hợp với túi tiền của “khách nghèo” nhưng là phương tiện tác chiến cực kỳ hiệu quả trong các cuộc xung đột khu vực - khách mua “Mirage 5” là các nước như Zair, Colombia, Gabon, Libya, Venezuela, Pakistan …. (Trên thực tế, “Mirage 5” không chỉ dành riêng cho các nước thế giới thứ 3).

Nước quan tâm đầu tiên đến loại máy bay này là Israel. Vào những năm 60, 70, Israel cần một loại máy bay không quá phức tạp để tác chiến ban ngày trong điều kiện trời luôn quang mây ở Palestine.

Sau khi bị cấm vận vũ khí năm 1968, các điệp viên “Mossad” đã đánh cắp được tài liệu kỹ thuật của “Mirage 5” và bắt đầu sản xuất không phép loại máy bay này với tên gọi là “Nesher”.

Cuối năm 1979, các máy bay “Nesher” được đại tu và bán cho Argentina với tên gọi là “Dagger”. Chính “Nesher” và “Dagger” là loại máy bay đã tham chiến tại quần đảo Falklands với Hạm đội Anh.

“Dagger” -  thực ra là  Mirage-5 của Không Quân Argnetina.

“Dagger” - thực ra là Mirage 5 của Không Quân Argnetina.

Chiếc “Mirage III A” đầu tiên cất cánh ngày 12/5/1958. Việc sản xuất hàng loạt kéo dài 29 năm  từ 1969 đến 1989. Các biến thể khác nhau của loại máy bay này có trong trang bị của 20 nước. Việc lắp ráp theo giấy phép được thực hiện ở Úc và Thụy Sỹ, còn không phép tại Israel (IAI Nesher và IAI Kfir).

7. Sát thủ tàu chiến

Sẽ là thiếu sót nếu như không kể đến một loại máy bay khác cũng do “Dassalt Aviation” chế tạo và đã được thử thách qua tác chiến trong cuộc xung đột tại quần đảo Falklands năm 1982.

“Nạn nhân” của  “Dassault-Breguet Super Étendard” và “Exocet”

“Nạn nhân” của “Dassault-Breguet Super Étendard” và “Exocet”

Đó là “Dassault-Breguet Super Étendard”. Khi xảy ra xung đột, Argentina chỉ có 5 chiếc “Dassault-Breguet Super Étendard” còn hoạt động và 5 tên lửa chống tàu “Exocet” (cũng của Pháp). 5 lần phóng, 3 lần trúng mục tiêu và 2 “chiến lợi phẩm” là tàu khu trục “Sheffield” và “Atlantic Coveyor” của Anh.

Cũng không khó để hình dung kịch bản tiếp theo nếu như 14 chiếc “Dassault-Breguet Super Étendard” cùng 24 tên lửa AM-39 “Exocet” mà Argentina đã đặt mua trước đó kịp về tham gia tác chiến. Theo một số chuyên gia, có lẽ trong trường hợp đó, nhiều tàu của Hạm đội Anh đã nằm ngay ngắn dưới đáy biển.

Chỉ biết rằng, sau vụ này các đơn đặt hàng mua “ Exocet” được gửi tới tấp về Pháp.

“Dassault-Breguet Super Étendard” của Hải quân Argentina

“Dassault-Breguet Super Étendard” của Hải quân Argentina

Nói thêm về “Dassault-Breguet Super Étendard”. Đây là máy bay mang tên lửa chống hạm của không quân chiến thuật đầu tiên trên thế giới có nhiều tính năng tác chiến vượt trội.

Nhưng không hiểu sao chúng lại không được nhiều khách hàng ưu chuộng và chỉ có trong trang bị của Không quân Pháp và Không quân Argentina, - nếu không tính đến 5 chiếc mà Saddam Hussein (Iraq) thuê vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Lần cuối loại máy bay này tham chiến là vào năm 2011, trong chiến dịch Libya.

8. Về “Mirage F-1”

So với “Mirage III” thì “Mirage F-1” được hoàn thiện hơn rất nhiều. Chúng ta không quá đi sâu vào các tính năng kỹ chiến thuật của máy bay, chỉ nhấn mạnh đây là loại máy bay được trang bị động cơ mới Atar-09C, phiên bản radar hiện đại “Syrano” (IV, IVM hoặc IVMR) với nhiều chức năng mới và cự ly phát hiện mục tiêu tăng đáng kể.

“Mirage F-1” cũng được lắp đặt hệ thống trang bị tác chiến điện tử mới và vũ khí chính xác cao mới, cự ly tác chiến tăng gấp hai lần. Thời gian trực chiến trên không tăng 3 lần.

“Mirage F-1” đã được đưa vào trang bị cho không quân 14 nước. Đến cuối thế kỷ XX, loại máy bay tiêm kích đa năng này đã dần được thay thế bằng “Mirage 2000” hiện đại hơn, nhưng nó vẫn còn nằm trong trang bị của không quân 5 nước, nay Pháp đưa “Mirage F-1” ra khỏi trang bị nhưng có lẽ con số các nước sở hữu loại máy bay này sẽ tăng thêm (lý do như đã trình bày ở trên).

Một trong những chiến tích “hoành tráng” của “Mirage” là vụ đụng độ tại vịnh Persian: ngày 17/5/1987 một chiếc “Mirage” của Không quân Iraq đã tấn công chiếc tàu chiến “USS Stark” của Mỹ (ảnh).

Có 37 thủy thủ Mỹ thiệt mạng, thiệt hại của tàu lên đến 142 triệu USD. Riêng “Mirage” đã thoát được sự truy kích các máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ và hạ cánh an toàn.

9. “Dassault Aviation” trong thế kỷ XXI

Người Pháp không vội vã chế tạo loại máy bay tiêm kích thế hệ năm. Họ lẳng lặng hoàn thiện các máy bay tiêm kích đa năng “Rafale” - và đây là kết quả của chính sách trên - Pháp đã thắng cuộc đấu thầu thế kỷ, bán cho Ấn Độ 126 chiếc “Rafale”. (Tại cuộc đấu thầu MMRCA có sự tham gia của tiêm kích F-16C/D Fighting Falcon và F/A-18E/F Super Hornet, JAS 39 Gripen của Thụy Điển, MiG-35 của Nga và Typhoon).

Không ai dám nói chắc chắn “Rafale” là loại máy bay tiêm kích tốt nhất trên thế giới, kể cả các chuyên gia quân sự, họ đã tranh luận xung quanh vấn đề này nhiều năm nhưng chắc chắn một điều: máy bay tiêm kích-ném bom “Rafale” của Pháp là một trong những loại máy bay thế hệ 4+ (có thể đặt bao nhiêu dấu + cũng được) có công nghệ hiện đại nhất được sản xuất hàng loạt và Ấn Độ đã tính toán kỹ khi mua “Rafale”.

“Rafale” cũng đã kịp tham chiến: ở các khu vực vùng núi Afganistan, ném bom Libya, ở khu vực rừng rậm Châu Phi (chiến dịch “Serval, Mali, 2013).

Có một chi tiết đáng chú ý: một năm trước đây trên mạng Internet xuất hiện đoạn băng video về cuộc chiến giả định giữa “Rafale” và F-22 “Raptor”. Tỷ số 4-1 nghiêng về “Rafale”.

Biến thể “Rafale M” trên tàu sân bay

Biến thể “Rafale M” trên tàu sân bay

Máy bay chiến đấu Mirage 2000

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại