Sự trỗi dậy của Samurai

Minh Đức |

(Soha.vn) - Tờ Lenta (Nga) đăng bài viết nhận định sau khi chính phủ thông qua chính sách nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí, nền công nghiệp QP Nhật Bản sẽ có những bước tiến mạnh mẽ.

Đạo luật cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản có hiệu lực từ năm 1967, kể từ đó họ đã thực hiện triệt để chính sách không xuất khẩu bất kỳ sản phẩm quốc phòng nào cho nước ngoài. Tuy nhiên, vào ngày 01/04/2014, Nhật Bản đã thông qua các nguyên tắc mới về xuất khẩu vũ khí.

Theo đó, Tokyo sẽ tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài, thúc đẩy việc phát triển công nghệ và tăng cường dòng vốn thông qua các hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Tiếp đó, kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự với tên gọi “hòa bình chủ động” của Nhật Bản được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015 đi kèm việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp cho phép thành lập lực lượng vũ trang thông thường.

Theo quy định cấm trong 3 nguyên tắc xuất khẩu quân sự của Nhật Bản được thông qua vào năm 1967, xứ sở Mặt trời mọc bị cấm xuất khẩu vũ khí cho các nước cộng sản, các quốc gia đã tham gia vào các cuộc xung đột quân sự quốc tế và các quốc gia nằm trong danh sách cấm của Liên Hợp Quốc.

Trên thực tế, trước đây, Nhật Bản hoàn toàn bị cấm xuất khẩu các sản phẩm quân sự nhưng ngoại lệ đầu tiên đã diễn ra vào năm 1983 khi Nhật Bản tiến hành một chương trình hợp tác quân sự với Mỹ dưới hình thức cung cấp các bộ phận của động cơ tên lửa.

Thủy phi cơ lưỡng dụng US-2 có thể là sản phẩm quốc phòng hoàn chỉnh đầu tiên được xuất khẩu của Nhật Bản.

Thủy phi cơ lưỡng dụng US-2 có thể là sản phẩm quốc phòng hoàn chỉnh đầu tiên được xuất khẩu của Nhật Bản.

Sau đó, sự hợp tác này được mở rộng để phát triển một biến thể của tên lửa đánh chặn SM-3 block IIA nhằm tăng cường khả năng của hệ thống đánh chặn Aegis, tuy nhiên hợp tác đã bị ngưng vào tháng 01/2011. Chương trình bị hủy bỏ là do sự khác biệt liên quan đến các điều khoản về công nghệ, Nhật Bản chịu trách nhiệm phát triển phần mềm và không muốn tên lửa được xuất khẩu sang một nước thứ 3.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, xu hướng thế giới hiện nay đang tích cực di chuyển theo hướng cùng hợp tác phát triển các thiết bị quân sự. Nếu trong tương lai Tokyo không tham gia vào quá trình này sẽ dẫn đến các mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Một thời gian ngắn sau khi ra thông cáo về sự cần thiết phải gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, chính phủ Nhật Bản đã ban hành một giấy phép đồng ý cho công ty Shin Maywa xuất khẩu thủy phi cơ lưỡng dụng US-2, khách hàng có thể là Ấn Độ hoặc Indonesia. Trong tháng 11/2013, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thảo luận về việc hợp tác sản xuất động cơ cho dự án xe tăng chiến đấu chủ lực Altay.

Mặc dù đã được nới lỏng nhưng điều khoản không xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia nằm trong danh sách cấm của Liên Hợp Quốc vẫn còn hiệu lực. Bên cạnh đó, các quốc gia muốn sở hữu vũ khí Nhật Bản sẽ phải cam kết không tái xuất sang nước thứ 3, điều đó có nghĩa là các loại vũ khí hết hạn sử dụng sẽ phải gửi trả lại Nhật Bản hoặc phá hủy.

Tokyo có khả năng sản xuất hoàn chỉnh gần như tất cả các loại vũ khí cho thị trường thế giới: Shin Maywa sản xuất thủy phi cơ lưỡng dụng US-2; Kawasaki Heavy Industries hợp tác với công ty MBB của Đức sản xuất trực thăng đa năng BK-117; Japan Aviation Electronics là nhà sản xuất các hệ thống dẫn hướng quán tính, thiết bị điện tử trên máy bay, hệ thống lái tự động; Mitsubishi Precision sản xuất các loại thiết bị điện tử, radar.

Rất nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến pháo tự hành Type-99 155mm của Nhật Bản.
Rất nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến pháo tự hành Type-99 155mm của Nhật Bản.

Mitsubishi Heavy Industries, tập đoàn quốc phòng lớn nhất Nhật Bản sản xuất gần như mọi loại vũ khí và thiết bị quân sự gồm xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu chiến... Tổng cộng có khoảng 20 công ty Nhật Bản tham gia vào quá trình phát triển các hệ thống vũ khí.

Cuối năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàm phán với Nhật Bản về việc cung cấp 10 xe tăng hạng nhẹ, tuy nhiên cuộc đàm phán không thành công do lúc đó điều luật cấm xuất khẩu vũ khí vẫn còn hiệu lực. Ngoài ra, một số quốc gia khác ở Trung Đông, châu Á-Thái Bình Dương đã dành sự quan tâm đặc biệt và đang tiến hành đàm phán với Nhật Bản để mua sắm pháo tự hành Type-99 155mm, các trạm radar và các loại xe thiết giáp.

Mặc dù chính phủ Nhật Bản không che giấu mục đích chính của các hoạt động trên là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự tuy nhiên họ đã đưa ra khái niệm mơ hồ “hòa bình chủ động” nhằm tránh sự chỉ trích của các quốc gia láng giềng.

Theo đó, mối đe dọa lớn nhất đối với Nhật Bản hiện nay là Trung Quốc - đất nước đang nỗ lực để thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và biển Đông cũng như các khu vực khác. Để đối phó với mối đe dọa này, Nhật Bản cần phải tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài.

Đến năm 2015, Nhật Bản có kế hoạch sửa đổi Điều 9 Hiến pháp trong đó cấm nước này tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào và không duy trì quân đội thường trực riêng. Để tiến hành sửa đổi Hiến pháp, chính phủ Nhật Bản có thể bắt đầu bằng cách mở rộng các khái niệm về quyền tự vệ. Khái niệm này có thể bao gồm cả việc đảm bảo an ninh, toàn vẹn lãnh thổ cho các nước đồng minh.

Ví dụ, lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bắn vào lãnh thổ nước Mỹ. Cuối cùng với các chính sách “cởi trói” có thể dẫn đến một thực tế rằng quân đội Nhật Bản sẽ tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, thậm chí là các hoạt động quân sự trên lãnh thổ các quốc gia có chế độ chính trị không ổn định.

Tokyo ngày hôm nay đã cho thấy rằng, Nhật Bản có ý định “Tích cực tham gia vào việc thiết lập hòa bình thế giới”

Thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại