Siêu oanh tạc cơ tầm xa B-2 của Mỹ đang mất dần khả năng sống sót

Anh Tuấn |

Không quân Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào các phi đội oanh tạc cơ đã có tuổi, chỉ có máy bay ném bom tàng hình B-2, hiện có số lượng hạn chế, mới có khả năng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương.

Hiện loại máy bay ném bom chính của Không quân Mỹ vẫn là B-52, loại máy bay cất cánh lần đầu vào năm 1952.

Trong số 744 chiếc được chế tạo từ trước tới nay, hiện chỉ còn 76 chiếc B-52H được nâng cấp vẫn còn được sử dụng.

Chúng không còn khả năng vượt qua hệ thống phòng không hiện đại, tuy nhiên chúng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến năm 2040 và được trang bị các loại tên lửa tầm xa và bom định hướng.

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ.
Máy bay ném bom B-2 của Mỹ.

Trong khi đó, oanh tạc cơ B-1B Lancer của Không quân Mỹ (hiện có tổng cộng 62 chiếc) đã không còn được trang bị vũ khí hạt nhân và chỉ có thể hoạt động trong những khu vực giao tranh nhỏ.

Những loại máy bay này cũng sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến năm 2040.

Như vậy, máy bay ném bom tàng hình B-2 là loại vũ khí duy nhất có thể xâm nhập và đánh bom tầm xa mà Mỹ đang có.

Vốn là loại phi cơ đắt tiền, Không quân Mỹ chỉ có 20 chiếc và đã từng bị tổn thất khi một phi cơ B-2 bị rơi trong một tai nạn gần đảo Guam.

Lực lượng này chỉ có thể điều động một số lượng giới hạn B-2 và việc mất một phi cơ cũng sẽ giảm khả năng chiến đấu một cách đáng kể.

Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), chỉ có 16 chiếc B-2 được coi là đủ khả năng tham chiến. Trong số này, khoảng 9 chiếc có thể sẵn sàng được điều động.

Con số này còn tiếp tục giảm khi tính cả những chiếc được sử dụng cho mục đích huấn luyện, và thực tế một sĩ quan cấp cao của Không quân Mỹ cho biết số máy bay B-2 thực sự có thể sử dụng chỉ có 6 chiếc. Số còn lại đều được lưu kho để bảo dưỡng.

Mặc dù Không quân Mỹ tiếp tục đầu tư thêm tiền mặt để nâng cấp B-2 và giúp nó có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2058, công nghệ có trên máy bay này đã bắt đầu có tuổi.

Công nghệ tàng hình đã có những bước tiến dài kể từ khi B-2 được thiết kế vào cuối thập niên 1970. Hơn nữa, nhiều thiết bị trên máy bay ngày càng trở nên lỗi thời trong suốt chiều dài hoạt động của máy bay này, trong đó có cả hệ thống động cơ.

Vào năm 2012, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ thời đó là Tướng Norton Schwartz phát biểu rằng B-2 đang dần mất khả năng thâm nhập vào vùng không phận của đối phương.

“Công nghệ mà các loại máy bay này đang có thực tế đã có những năm 1980”, ông Schwartz cho biết. “Một thực tế hiển nhiên đó là B-2 đang mất dần khả năng sống sót trên chiến trường”.

Nhiều chuyên gia tin rằng, thách thức lớn nhất của Mỹ trong tương lai sẽ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các loại máy bay ném bom tàng hình tầm xa sẽ càng trở nên quan trọng.

Hiện các máy bay ném bom của Mỹ không phù hợp để có thể kiềm chế Trung Quốc ở phía Tây Thái Bình Dương.

Ở khu vực Thái Bình Dương, các loại máy bay tiêm kích của Không quân Mỹ sẽ có giá trị rất ít. Với khoảng cách rất xa cũng như việc các căn cứ của Mỹ trong khu vực đang ngày càng gặp nguy hiểm, máy bay ném bom tầm xa sẽ hữu dụng hơn các phi cơ tiêm kích tầm ngắn.

Do đó, Lầu Năm Góc cần phải nhanh chóng thúc đẩy chương trình LRS-B càng sớm càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại