Sát thủ săn ngầm một thời của Hải quân Việt Nam

Tuấn Trung |

Kamov Ka-25 Hormone là loại trực thăng hạm tàu có kết cấu độc đáo, được phát triển cho Hải quân Liên Xô từ năm 1958.

Trực thăng hạm tàu với kết cấu rotor đồng trục có một không hai

Vào thời điểm đầu những năm 1950, Hải quân Liên Xô có nhu cầu được trang bị một loại trực thăng hạm tàu thế hệ mới để đảm trách chức năng chống tàu ngầm.

Đến năm 1958, Kamov đã giới thiệu một thiết kế trực thăng độc đáo, đó chính là Ka-25. Máy bay sử dụng rotor đồng trục để khử mô men xoắn do đó không cần cánh quạt đuôi. Kết cấu nhỏ gọn này đặc biệt phù hợp cho việc triển khai trên tàu chiến.

Trực thăng săn ngầm Ka-25 của Hải quân Liên Xô

Trực thăng Kamov Ka-25 Hormone thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/4/1963, chính thức ra mắt năm 1972 và được sản xuất trong giai đoạn 1965 - 1977 với số lượng khoảng 460 chiếc.

Ka-25 được điều khiển bởi phi hành đoàn gồm 4 người; máy bay có chiều dài 9,75 m; cao 5,37 m; đường kính rotor 15,74 m, diện tích rotor 389,2 m2; trọng lượng rỗng 4.765 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 7.500 kg.

Động cơ trang bị cho Ka-25 là loại Glushenkov GTD-3F công suất 671 kW (900 mã lực) cho tốc độ tối đa 209 km/h; tốc độ hành trình 193 km/h; tầm hoạt động 400 km; trần bay 3.350 m; tải trọng vũ khí 1.900 kg gồm bom chìm hoặc ngư lôi chống ngầm.

Phi đội trực thăng săn ngầm Ka-25 trên tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay lớp Kiev của Hải quân Liên Xô

Ka-25 trong biên chế Không quân và Hải quân Việt Nam

Ka-25 chính là loại trực thăng săn ngầm đầu tiên trang bị cho Hải quân Nhân dân Việt Nam, ban đầu chúng cùng các thủy phi cơ săn ngầm Be-12 thuộc biên chế Trung đoàn 933, Sư đoàn Không quân 372.

Từ tháng 4/1982, Quân chủng Không quân đã bàn giao phi đội săn ngầm Ka-25 và Be-12 cho Quân chủng Hải quân tiếp quản.

Ngày 14/6/1982, Bộ Tổng tham mưu ban hành biểu tổ chức, biên chế phi đội không quân chống ngầm, phi đội trực thăng săn ngầm và các đại đội đảm bảo kỹ thuật.

Kể từ đó, các máy bay Ka-25 và Be-12 của Hải quân đã thực hiện nhiều chuyến bay tuần tra bảo vệ biển đảo.

Trực thăng săn ngầm Ka-25 và tàu phóng lôi Shershen của Hải quân Việt Nam trong một chuyến tuần tra

Sau 2 năm trở thành bộ phận không quân thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam, do không có khả năng bảo đảm kỹ thuật tốt, khai thác theo đúng quy trình, số máy bay Ka-25 và thủy phi cơ Be-12 bị mất sức chiến đấu, số còn sử dụng được rất ít.

Trước tình hình trên, Bộ Tổng tham mưu đã ra quyết định điều chuyển phi đội săn ngầm trở lại Quân chủng Không quân.

Chấp hành quyết định, ngày 25/6/1984, Tham mưu trưởng Không quân và Hải quân đã ký biên bản bàn giao tổ chức quân số, vũ khí trang bị, khí tài của Không quân Hải quân về Bộ tư lệnh Không quân.

Ngày 15/9/1984, Bộ trưởng Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Không quân Hải quân 954 (đóng tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng) thuộc Quân chủng Không quân.

Căn cứ vào quyết định của Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng, Trung tướng Đào Đình Luyện ra quyết định quy định tổ chức, biên chế, nhiệm vụ Đoàn 954.

"Trung đoàn 954 biên chế phi đội trực thăng Ka-25, phi đội thủy phi cơ Be-12 cùng các đại đội đảm bảo kỹ thuật.

Nhiệm vụ của trung đoàn là phối hợp với hải quân làm nhiệm vụ tác chiến trên biển, trinh sát ngầm, tổ chức phục vụ chiến đấu - vận chuyển quân đổ bộ chiến thuật, vận chuyển khí tài bảo đảm cho bộ đội các đảo".

Như vậy, các trực thăng săn ngầm Ka-25 của Việt Nam từ khi có trong biên chế đã liên tục được điều chuyển đầu mối quản lý giữa Không quân và Hải quân.

Trực thăng Ka-25 của Việt Nam trong khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Phòng không - Không quân

Hiện nay Trung đoàn 954 đã được nâng cấp thành Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 đóng tại sân bay Đà Nẵng.

Lữ đoàn 954 đang vận hành các trực thăng săn ngầm Ka-28 Helix thế hệ sau, thay cho số Ka-25 đã bị loại biên do hết hạn sử dụng.

Trực thăng săn ngầm Ka-28 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Quân đội nhân dân

Ka-25 ngoài kích thước nhỏ hơn Ka-28 thì đặc điểm bên ngoài dễ nhận ra nhất chính là phần mũi Ka-25 "nhọn" hơn và cửa xả của động cơ duỗi thẳng về phía sau.

(Trong bài viết có sử dụng một số tư liệu từ Báo Quân đội nhân dân).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại