Ông trùm vũ khí Nga: TQ có thể nản lòng trước khi mua được S-400

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga sẽ không được xuất khẩu ra nước ngoài trước năm 2016.

Ngày 27/1/2014, trong buổi trả lời phỏng vấn của tờ Kommersant, Tổng Giám đốc tập đoàn sản xuất vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport Anatoly Isaykin phát biểu rằng từ nay đến năm 2016, hệ thống tên lửa phòng không S-400 sẽ chỉ được sản xuất dành riêng cho Bộ Quốc phòng Nga.

"Từ nay tới 2016, toàn bộ việc chuyển giao hệ thống phòng không này sẽ chỉ được thực hiện cho Bộ Quốc phòng Nga. Do đó, không thể nói chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên. Trong vòng 2 năm qua, chúng tôi đã đàm phán về việc xuất khẩu hệ thống S-400 với một số quốc gia khác, tuy nhiên chúng tôi đã phải hoãn lại các cuộc đàm phán đó. Thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng có rất ít khả năng tất cả các nước sẽ chờ đợi một khoảng thời gian dài như vậy khi họ nhận được đề nghị hoãn đàm phán từ năm 2011 tới năm 2016” - Ông Isaykin nói.

Khi được hỏi về việc bàn giao các thành phần của hệ thống S-300 cho Syria, Anatoly Isaykin nhấn mạnh rằng đây là một “vấn đề nội bộ”.

“Tôi chỉ có thể khẳng định rằng việc bàn giao nói trên được thực hiện theo đúng những hợp đồng với Rosoboronexport và chúng sẽ được tiếp tục” - ông Isaykin cho biết.

Tổ hợp tên lửa S-300
Tổ hợp tên lửa S-300

Vị giám đốc Rosoboronexport cũng trả lời câu hỏi về việc bàn giao 36 máy bay huấn luyện chiến đấu Yakovlev Yak-130 cho Syria trong khuôn khổ bản hợp đồng năm 2011.

"Đúng vậy, hợp đồng đã được hoàn tất, tuy nhiên, bất kì thông tin nào cho rằng Syria sở hữu số máy bay trên đều là sai lầm. Chúng tôi vẫn chưa tiến hành bàn giao”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Isaykin cũng đưa ra ý kiến về việc Iran kiện Rosoboronexport vì đã hủy bỏ hợp đồng S-300: “Đối với phía Iran, việc khởi kiện chúng tôi vì đã không thực hiện hợp đồng và yêu cầu tòa án quốc tế phán xét hoàn toàn là một quyền lợi hợp pháp. Tuy nhiên bất kì việc kiện tụng nào đều là việc không ai mong đợi, bởi như một nguyên tắc, nó ảnh hưởng xấu tới những nguồn lực và phương tiện của chúng tôi. Bên cạnh đó, nó cũng không giúp cải thiện mối quan hệ theo cách tự nhiên mà luôn gây ra căng thẳng và trở thành một nhân tố gây thêm bất bình. Tuy vậy tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ đạt được những thỏa thuận, mà trước tiên sẽ làm hài lòng phía Iran”.

Theo Isaykin, nếu hai bên nhất trí thay thế S-300 bằng những hệ thống phòng không khác có tham số tương tự, rõ ràng Iraan sẽ không bị rơi vào những điều khoản trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Isaykin kết luận rằng sẽ có nhiều phương án, tuy nhiên, phía Iran buộc phải đáp ứng những yêu cầu trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại