Oanh tạc cơ thế hệ 5 của Nga sẽ là “tàng hình, cận âm”

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Không quân Nga đã quyết định lựa chọn Tupolev là nhà thầu thiết kế máy bay ném bom tầm xa chiến lược thế hệ mới.

Không quân Nga đã phê duyệt một dự án phát triển máy bay ném bom tầm xa tương lai thế hệ thứ năm để thay thế cho các máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hạt nhân hiện nay Tu-95MS và Tu-160.

Trong khi tất cả đều chờ đợi vào loại bay siêu nhanh thế hệ mới và ngay cả Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cũng đã từng tuyên bố rằng hệ thống máy bay ném bom chiến lược tương lai mới (PAK DA) phải có tốc độ vượt âm, khoảng 6 ngàn km/h, thì quân đội lại lựa chọn loại máy bay có tốc độ cận âm và có khả năng tàng hình.

Izvestia dẫn một nguồn tin trong Không quân Nga cho biết rằng, quân đội nước này đã lựa chọn dự án máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới của Tupolev bởi vì dự án này thỏa mãn các yêu cầu của quân đội trong đó máy bay ném bom tầm xa có sải cánh lớn, tuy không thể đạt được tốc độ vượt âm song nó là “tàng hình” với radar.

Oanh tạc cơ chiến lược tầm xa siêu âm Thiên nga trắng Tu-160 của Không quân Nga.

Cuộc đua thiết kế PAK DA sơ bộ đã được công bố đầu năm ngoái, và ngoài Tupolev còn có sự tham gia của một số văn phòng thiết kế khác. Họ đã trình bày các dự án máy bay ném bom thế hệ năm siêu âm, nhưng dự án của Tupolev đã làm hài lòng những nhà lãnh đạo quân đội Nga, Izvestia dẫn một nguồn tin cấp cao trong Bộ Quốc phòng cho hay.

Điều đáng chú ý là hai tuần trước, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin phụ trách vấn đề quốc phòng cho biết, PAK DA phải là máy bay siêu thanh. Theo ông, Nga không có nhu cầu tương tự như oanh tạc tàng hình cận âm B-2 của Mỹ và máy bay phải có tốc độ lớn hơn Mach 5, tức là khoảng 6 nghìn km/h .

Tuy nhiên, yêu cầu của Phó Thủ tướng là trái với các qui tắc vật lý. Một nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không cho biết, để di chuyển ở tốc độ siêu thanh, máy bay phải có hình dạng khí động học lý tưởng, với những đường nét “mượt mà”, nhưng để nó “vô hình” với radar thì ngược lại nó phải thật “góc cạnh”.

"Bạn có thể thiết kế giống với T-50, nhưng cấu hình như vậy cho một máy bay 120 tấn sẽ dẫn đến làm tăng sức cản khí động học và tiêu thụ nhiên liệu quá mức, và do đó làm giảm tầm bay" - Izvestia giải thích.

Hơn nữa, với máy bay siêu âm, động cơ của nó phải nhận được nhiều ô-xy hơn. Để làm được điều này, khoang hút khí của máy bay phải rộng và thẳng. Máy bay "tàng hình" cần phải có khoang hút khí hình chữ S nhằm che quạt nén khí phản hồi sóng radar. Không khí khi chuyển động theo đường ống như vậy (chư S) sẽ rất loãng và không có nhiều ô-xy.

Để đảm bảo tàng hình, động cơ của máy bay cần phải được ẩn bên trong trong thân giống như các máy bay ném bom tàng hình cận âm B-2 của Mỹ. Còn đối với các máy bay ném bom siêu âm hiện tại như Tu-160, Concorde và B-1 cần có lực đẩy cực lớn thì miệng phun động cơ phải nằm ngoài thân chứ không thể ẩn trong thân được.

Oanh tạc cơ tàng hình cận âm B-2 của Không quân Mỹ.

Theo Izvestia, quân đội đã đồng ý với các lập luận về máy bay ném bom thế hệ mới của nhà thầu. Hiện tại, Tupolev đang chuẩn bị kết thúc giai đoạn đánh giá các đặc tính hiệu suất của chương trình PAK DA, và vào đầu năm 2014, phòng thiết kế sẽ thông qua dự toán ngân sách nghiên cứu. Việc sản xuất hàng loạt các máy bay ném bom tương lai sẽ bắt đầu vào năm 2020.

Tổng biên tập tạp chí “Cất cánh” của Nga Andrey Fomin cho biết trên Izvestia rằng việc lựa chọn máy bay ném bom thế hệ năm với tốc độ cận âm có thể không có được khả năng tàng hình tốt nhất, song nó có tầm hoạt động lớn hơn và đảm bảo tính kinh tế hơn so với các loại máy bay vượt âm khác.

Cuối năm 2011, Tư lệnh Không quân tầm xa Nga, Thiếu tướng Anatoly Zhikharev cho biết, mẫu chế thử PAK DA đầu tiên sẽ ra đời vào năm 2020, còn vào năm 2025, máy bay ném bom mới sẽ được nhận vào trang bị. Máy bay sẽ ứng dụng công nghệ tàng hình, có hệ thống ngắm-dẫn đường mới, các khí tài liên lạc, trinh sát và tác chiến điện tử.

Máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình hạt nhân nằm trong bộ ba vũ khí hạt nhân của Nga. Ngoài Không quân tầm xa, bộ ba này còn bao gồm Bộ đội Tên lửa chiến lược (RVSN) và các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đường đạn xuyên lục địa của Hải quân Nga. Hiện nay, Không quân chiến lược Nga sở hữu 32 máy bay ném bom Tu-95MS6, 31 Tu-95MS16 và 13 Tu-160.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại