Những mẫu tàu chiến thất bại trong lịch sử (I)

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Thiết giáp hạm khổng lồ Yamamoto (Nhật Bản) bị đánh chìm một cách dễ dàng, tàu ngầm Alpha (Liên Xô) chưa hoạt động được bao lâu đã bị "xẻ thịt"...

1. Thiết giáp hạm Yamato (Nhật Bản)

Nếu không tính các tàu sân bay hạt nhân hạng nặng hiện nay của Mỹ thì Yamato là tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo. Ý tưởng chế tạo một thiết giáp hạm khổng lồ đã bắt nguồn từ sau thế chiến thứ 1, khi mà Nhật Bản thấy trước việc phải cạnh tranh với 2 cường quốc Anh và Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Khi đó, thiết giáp hạm vẫn là vua của đại dương nên Nhật cho rằng cách duy nhất để giành ưu thế trước Anh, Mỹ là xây dựng một mẫu thiết giáp hạm lớn hơn hẳn tất cả các mẫu hiện có.

Tàu Yamato khi vừa hạ thủy
Tàu Yamato khi vừa hạ thủy

Quá trình thiết kế chỉ bắt đầu từ 1932, và hoàn thành sau 5 năm, sau khi trải qua hơn 20 lần chỉnh sửa. Các thông số của Yamato đều cực kỳ ấn tượng. Lượng choán nước tối đa là 70.000 tấn, chiều dài 263m, bề rộng tối đa 37m, tổng công suất máy là 150.000 mã lực. Nó có tổng cộng 1.147 khoang không thấm nước. Hỏa lực chính gồm 3 tháp pháo, mỗi tháp có 3 nòng pháo cỡ 460mm.

Phần boong tàu được bọc thép để có thể ngăn được bom 500kg thả từ 3.500m, còn lớp vỏ thép có thể ngăn được đạn pháo cỡ 405mm bắn từ khoảng cách 30km. Mỗi quả đạn pháo có trọng lượng 1.500kg, có khả năng xuyên thủng lớp giáp của bất kì tàu chiến nào khi đó. Toàn bộ tháp pháo có trọng lượng 2.500 tấn, tương đương trọng lượng một khu trục hạm lúc đó.

Trên boong tàu Yamato
Trên boong tàu Yamato

Tuy nhiên những con số ấn tượng này đi kèm với cái giá riêng. Việc chế tạo tàu rất phức tạp và tốn kém. Một tàu chở hàng được cải biến chỉ để dành riêng cho việc chuyên chở và lắp ráp các tháp pháo. Để đảm bảo sự bí mật, một tấm chắn khổng lồ được xây dựng bao quanh xưởng đóng tàu, một ngọn đồi gần đó cũng bị san phẳng.

Khi đối đầu với hải quân Mỹ trong thế chiến thứ 2, hỏa lực và lớp giáp vững chắc của Yamato không giúp được gì nhiều cho nó. Trận chiến lớn duy nhất mà nó tham gia là tại vịnh Leyte, nơi hạm đội Nhật gặp thiệt hại nặng. Ngày 7/4/1945, khi đang trên đường đến giúp phòng thủ Okinawa, Yamato bị máy bay từ 9 tàu sân bay tấn công và đánh chìm cùng với 1 tiếng nổ lớn.

Cột khói từ vụ nổ khi tàu Yamato chìm
Cột khói từ vụ nổ khi tàu Yamato chìm

Trong thế chiến thứ 2, thiết giáp hạm mặc dù không còn là loại tàu chiến chủ lực nữa nhưng cũng không hẳn đã hết thời. Chúng vẫn được sử dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng. Vấn đề với Yamato là kích thước ngoại cỡ của nó không tạo nên sự khác biệt nào so với các thiết giáp hạm khác và không đáng với nguồn lực khổng lồ dùng để chế tạo nó. Việc sử dụng máy bay trong hải chiến khiến cho khoảng cách giữa các hạm đội lớn hơn nhiều so với tầm bắn của các khẩu đại pháo, kể cả những khẩu pháo khổng lồ trên Yamato.

2. Thiết giáp hạm mini Deutschland (Đức)

Thất bại trong thế chiến thứ 1 đồng nghĩa với việc nước Đức phải chịu nhiều điều khoản hạn chế sức mạnh vũ trang, trong đó có kích thước của các tàu chiến. Đức chỉ có thể đóng tàu chiến mới có lượng choán nước tối đa 10.000 tấn. Tuy nhiên, các điều khoản lại không quy định chi tiết cách tính lượng choán nước này và đặc biệt là không giới hạn kích thước pháo được trang bị trên tàu.

Người Đức lợi dụng điều đó và từ năm 1925 bắt đầu thiết kế một loại thiết giáp hạm cỡ nhỏ, tốc độ cao nhưng vẫn có hỏa lực mạnh. Việc Hitler lên nắm quyền năm 1933 càng giúp đẩy nhanh chương trình, với 3 tàu được chế tạo. Bộ máy tuyên truyền quốc xã liên tục tán dương loại tàu này như là minh chứng cho công nghệ ưu việt của nước Đức.

Tàu Graf Spee, một trong 3 thiết giáp hạm mini
Tàu Graf Spee, một trong 3 thiết giáp hạm mini

Lượng choán nước tối đa trên thực tế của những con tàu này là 11.700 tấn, tổng công suất máy là 50.000 mã lực. Hỏa lực chính là 6 khẩu pháo cỡ 280mm. Chúng là những tàu chiến lớn đầu tiên chạy hoàn toàn bằng động cơ diesel và sử dụng công nghệ hàn điện quy mô lớn trong quá trình đóng tàu.

Tuy nhiên trên thực tế chiến trường thì chúng lại không thành công. Chiếc Graf Spee giao chiến với 3 tàu chiến nhỏ hơn của Anh tại Nam Mỹ vào ngày 13/12/1939 đã bị hư hại nặng. Thuyền trưởng Langsdorff đã ra lệnh tháo nước đánh chìm tàu và tự sát. Hai chiếc còn lại, Scheer và Deutschland, được giao nhiệm vụ tấn công các đoàn tàu vận tải ở Bắc Đại Tây Dương nhưng cũng không thành công.

Tàu Graf Spee sau khi trúng đạn của hải quân Anh
Tàu Graf Spee sau khi trúng đạn của hải quân Anh

Nhìn chung, các thiết giáp hạm mini đóng vai trò chính trị nhiều hơn là thực tế chiến đấu. Mặc dù đã ứng dụng một số công nghệ mới, nhưng người Đức đơn giản là không thể chiến thắng các giới hạn vật lý. Kích thước nhỏ đồng nghĩa với lớp giáp mỏng, trong khi đó với thiết giáp hạm thì giáp bảo vệ cũng quan trọng tương đương hỏa lực. Những tàu chiến Anh đụng độ với Graf Spee chỉ được trang bị pháo cỡ 203mm và nhỏ hơn, nhưng vẫn gây thiệt hại nặng cho tàu chiến Đức. Nếu phải đối đầu với những thiết giáp hạm thực thụ của hải quân Anh, chắc chắn những con tàu này sẽ khó có thể sống sót.

3. Tàu ngầm hạt nhân Alpha (Liên Xô)

Alpha được thiết kế vào những năm 60 của thế kỷ trước, với mục tiêu trở thành tàu ngầm nhanh nhất thế giới, với vận tốc 40 hải lý/giờ. Để đạt được điều này, Alpha được chế tạo chủ yếu từ titan, nhẹ hơn thép nhiều lần, sử dụng loại lò phản ứng hạt nhân mới, gọn nhẹ hơn và ứng dụng công nghệ tự động để giảm quy mô thủy thủ đoàn cần thiết.

Tàu ngầm lớp Alpha có lượng choán nước khi lặn là 4.300 tấn, thủy thủ đoàn 30 người, lò phản ứng cung cấp sức đẩy bằng 38.000 mã lực. Nó có thể đạt vận tốc tối đa lên đến 43 hải lý/giờ, tức 80km/giờ. Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân hiện nay chỉ đạt tối đa từ 30-35 hải lý/giờ. Alpha cũng là tàu ngầm Liên Xô đầu tiên tích hợp mọi hệ thống điện tử, bao gồm định hướng, radar, sonar, điều khiển hỏa lực, vào trong một bộ điều khiển duy nhất. Một khoang cứu hộ cũng lần đầu tiên xuất hiện trong thiết kế của Alpha.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alpha
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alpha

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này cũng có cái giá của nó. Hình dáng thuôn gọn của con tàu cần thiết để đạt vận tốc cao nhưng lại làm cho không gian bên trong rất chật hẹp. Việc sử dụng titan ở quy mô lớn khiến chi phí tăng cao. Lò phản ứng hạt nhân của Alpha làm mát bằng hợp kim lỏng, tuy gọn nhẹ hơn loại lò làm mát bằng nước nhưng khiến cho quá trình vận hành rất phức tạp. Ngay cả khi tàu đang ở căn cứ, loại hợp kim này vẫn cần được đốt nóng để duy trì trạng thái lỏng. Đã có nhiều con tàu của lớp này gặp vấn đề với lò phản ứng khi đang hoạt động.

K-64, con tàu đầu tiên của lớp Alpha, được đưa vào hoạt động năm 1971 nhưng lò phản ứng đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng chỉ 1 năm sau đó, khi chất hợp kim tản nhiệt bị đông cứng. Quá trình sửa chữa quá tốn kém khiến con tàu phải bị tháo dỡ vào năm 1974. Một con tàu khác, K-123 gặp trục trặc năm 1982 và mất đến 9 năm để thay thế một lò phản ứng khác. Nó bị tháo dỡ năm 1996. Cả 5 con tàu còn lại của lớp Alpha cũng có tuổi thọ rất ngắn, và đều bị cho ngừng hoạt động vào năm 1990.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại