Nhân tố bất ngờ có thể giúp Pháp thoát "cơn ác mộng" Mistral

Hải Vy |

Theo Phó Giáo sư Robert Farley, "cứu tinh" của Pháp trong thương vụ Mistral sẽ không phải Mỹ, Trung Quốc hay Canada.

Dưới đây là bài viết tóm lược quan điểm của ông Farley trên tạp chí National Interest:

3 lựa chọn không khả thi

Như đã biết, Nga ký hợp đồng với Pháp vào năm 2009 để đặt đóng các tàu đổ bộ lớp Mistral.

Theo thỏa thuận này, cặp tàu Mistral đầu tiên sẽ được đóng tại Pháp. Sau đó, Paris sẽ hỗ trợ Moscow đóng thêm 2 chiếc tàu nữa tại Nga. Điều này hứa hẹn mang lại cho Nga cơ hội phát triển kỹ năng đóng các tàu chiến mặt nước cỡ lớn.

Các tàu Mistral có lượng giãn nước 21.000 tấn, tốc độ gần 19 hải lý/giờ và có thể mang theo 24-36 trực thăng cùng các tàu cỡ nhỏ và lính đổ bộ.

Chúng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến để kiểm soát các hoạt động đổ bộ phức tạp.

Pháp dự kiến chuyển giao tàu Vladivostok, chiếc Mistral đầu tiên, vào cuối mùa thu năm 2014 nhưng mối quan hệ giữa NATO và Nga đã có chuyển biến xấu sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Một số chuyên gia cho rằng Pháp có thể bán lại tàu Mistral cho Mỹ, Trung Quốc hoặc Canada nhưng theo Phó GS Farley, các phương án này không khả thi.

Một số chuyên gia cho rằng Pháp có thể bán lại tàu Mistral cho Mỹ, Trung Quốc hoặc Canada nhưng theo Phó GS Farley, các phương án này không khả thi.

Hiện tại, Pháp đã đình chỉ chuyển giao vô thời hạn 2 tàu Mistral. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Pháp sẽ giao tàu cho Nga hay sẽ làm gì với những con tàu này nếu thỏa thuận bị hủy bỏ hoàn toàn.

Việc Hải quân Pháp phải tiếp nhận thêm 2 tàu Mistral trong khi ngân sách không thay đổi sẽ khiến các lực lượng tàu khác bị thu hẹp, như các tàu nhỏ hơn.

Theo nhà báo Pháp Jean-Dominique Merchet, đó sẽ là cơn ác mộng thực sự đối với Hải quân Pháp.

Một số chuyên gia đã đưa ra các giải pháp khác, trong đó có phương án bán lại các tàu Mistral cho Mỹ, Trung Quốc và Canada.

Trong 2 khách hàng đầu tiên, có thể thấy Mỹ chắc chắn sẽ không dùng nguồn ngân sách đóng tàu quý giá để mua tàu chiến của nước ngoài và nước này cũng sẽ không cho phép Pháp xuất khẩu công nghệ tác chiến đổ bộ tiên tiến cho Trung Quốc.

Canada có vẻ là lựa chọn có lý hơn, tuy nhiên, việc Ottawa không sẵn lòng tăng chi tiêu quốc phòng cho thấy thương vụ này không khả thi.

Bạn hàng lâu năm

Brazil và Pháp đã có mối quan hệ mua bán lâu dài. Trong những năm 1990, khi tàu sân bay Minas Gerais của Brazil hết tuổi thọ hoạt động, Pháp đã bán cho Hải quân Brazil chiến hạm Foch với kích cỡ lớn hơn nhiều.

Tàu Foch gia nhập Hải quân Brazil với tên gọi "Sao Paulo" vào năm 2000, mang theo các cường kích - bom A-4 Skyhawk.

Tàu Sao Paulo đã thực hiện một số chuyến hành trình trong 5 năm đầu tiên phục vụ Hải quân Brazil, sau đó trải qua một giai đoạn dài nâng cấp và sửa chữa.

Con tàu dự kiến trở lại hoạt động vào đầu thập kỷ này nhưng không thực hiện được do xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vào năm 2012.

Sao Paulo carrier.jpg

Tàu sân bay Sao Paulo của Brazil.

Hiện tại, vẫn chưa rõ tình trạng của tàu Sao Paulo.

Trong trường hợp khả quan nhất, Brazil sẽ cố gắng đưa trở lại phục vụ con tàu sân bay 50 năm tuổi này với các máy bay cất cánh lần đầu tiên năm 1954.

Nước này cũng chưa có kế hoạch rõ ràng để thay thế tàu Sao Paulo.

Hơn nữa, hiện không có quốc gia nào có nhu cầu bán tàu sân bay và ngành công nghiệp đóng tàu Brazil lại không có kinh nghiệm chế tạo các tàu chiến phức tạp, kích cỡ lớn.

Tại sao Brazil cần tàu đổ bộ tấn công?

Một chiếc tàu đổ bộ tấn công như Mistral sẽ mang lại cho Hải quân Brazil khả năng đảm đương vai trò chỉ huy độc lập trong tình huống khủng hoảng ven biển.

Trước đó, một số quốc gia Mỹ Latinh đã tỏ ra thất vọng về khả năng của họ trong việc tiến hành các hoạt động cứu trợ hàng hải độc lập với Mỹ.

Trong những tình huống như vậy, tàu Mistral (hoặc một loại tàu đổ bộ tương tự) sẽ thiết lập cho Hải quân Brazil một trung tâm chỉ huy ngoài khơi để phối hợp các nỗ lực cứu trợ.

Trực thăng và các tàu cỡ nhỏ triển khai từ tàu đổ bộ sẽ giúp vận chuyển nhanh chóng các binh sĩ, đội ngũ y tế, cứu hộ và các thiết bị cần thiết tới bờ.

Bên cạnh đó, trực thăng và các phương tiện bay không người lái sẽ giúp Hải quân Brazil nhận thức, đánh giá tình huống tốt hơn.

Các tàu Mistral còn cung cấp khả năng tấn công.

Mặc dù kích cỡ của chúng quá nhỏ để vận hành các tiêm kích F-35B và Brazil chắc hẳn cũng không có ý định mua các máy bay đời cũ Harrier nhưng hiện nay, một số lực lượng hải quân đã bắt đầu tìm cách tăng cường khả năng tấn công cho phi đội trực thăng của họ.

Chẳng hạn như, trong cuộc can thiệp của NATO vào Libya, các trực thăng tấn công của Anh và Pháp đã thực hiện các nhiệm vụ tấn công từ boong tàu Tonnerre của Pháp.

Ngoài ra, một số lực lượng hải quân khác đang cân nhắc trang bị tên lửa hành trình chống tàu cho các trực thăng hải quân của họ. Những trực thăng này có thể giúp mở rộng đáng kể phạm vi tấn công của tàu Mistral.

Theo ông Farley, các tàu Mistral có thể giúp Brazil tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Theo ông Farley, các tàu Mistral có thể giúp Brazil tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trong 15 năm trở lại đây, sự quan tâm dành cho các mẫu tàu tác chiến đổ bộ đã tăng vọt.

Nhiều lực lượng hải quân đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Nga đã bắt đầu đầu tư vào các tàu chiến có khả năng triển khai trực thăng, tàu cỡ nhỏ và binh sĩ từ biển vào đất liền.

Với giá thành rẻ và dễ bảo dưỡng hơn tàu sân bay, các tàu đổ bộ đã mang lại một phương tiện tác chiến đa năng, vừa cung cấp khả năng kiểm soát trên biển, khả năng tấn công, vừa có thể thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ thảm họa.

Mặc dù không thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ như tàu sân bay nhưng tàu Mistral lại có những khả năng mà tàu sân bay không có và điều này sẽ rất có ích đối với Brazil.

Khác với tàu Sao Paulo, Mistral có thể tăng cường tầm ảnh hưởng của Brazil trong khu vực, không chỉ nhờ sự hiện diện của chúng mà còn bởi những gì chúng có thể thực hiện.

Tàu Vladivostok và Sevastopol sẽ lập tức trở thành những tàu chiến có sức ảnh hưởng mạnh nhất mà một lực lượng hải quân ở Nam Mỹ từng sở hữu, kể từ những ngày đầu của thế kỷ 20.

Song, chúng sẽ không kích động một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia Nam Mỹ.

Thay vào đó, tác động tích cực nhất mà Mistral có thể mang lại là thuyết phục Argentina hoặc Chile về sự hiệu quả của tàu đổ bộ trong việc duy trì tầm ảnh hưởng khi tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Trở ngại lớn nhất với Brazil vẫn là chi phí. Quyết định mua 2 tàu Mistral có thể khiến nguồn ngân sách của nước này cạn kiệt trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, triển vọng có được một đối tác hải quân hiệu quả ở Mỹ Latinh sẽ khiến Washington và Paris cân nhắc xem họ nên tạo điều kiện thế nào để có thể nhượng lại 2 tàu Mistral của Nga cho Brazil.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phó giáo sư Robert Farley tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ), với nhiều nghiên cứu về các học thuyết quân sự, các vấn đề an ninh quốc gia và hàng hải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại