Ngụy trang thời Thế chiến I: Cách Anh "che mắt" tàu ngầm Đức

Nhật Huy |

Quân phục ngụy trang cho người lính chưa thực sự phổ biến trong thế chiến I, kiểu ngụy trang nổi bật trong giai đoạn này lại nằm ở họa tiết độc đáo trên các chiến hạm.

Quân phục của người lính

Trong phần lớn lịch sử chiến tranh, vì nhiều nguyên nhân mà quân phục của người lính thường có những màu sắc rất nổi bật.

Lý do quan trọng nhất là để phân biệt đồng đội và đối phương.

Ngoài ra, còn có yếu tố truyền thống, như quân phục màu đỏ tươi của bộ binh Anh có nguồn gốc từ sau nội chiến Anh, được sử dụng trong hơn 200 năm, từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Ngay cả với sự xuất hiện của chiến tranh hiện đại vào đầu thế kỷ 20, quân đội các nước vẫn khá bảo thủ và chậm chạp trong việc ứng dụng thiết kế ngụy trang cho những người lính của mình.

Khi Thế chiến I nổ ra, phần lớn các quốc gia vẫn chưa sử dụng quân phục ngụy trang.

Người lính ra trận với những bộ quân phục dã chiến còn khá màu sắc, tuy đã ít sặc sỡ và nổi bật hơn so với trong quá khứ. Tiêu biểu như Pháp vẫn dùng quân phục màu xanh da trời nhạt trong suốt cuộc chiến.

Quân phục dã chiến của Pháp trong Thế chiến I.

Quân phục dã chiến của Pháp trong Thế chiến I.

Một số quốc gia khác sử dụng quân phục dã chiến với màu sắc ít nổi bật hơn và gần giống với những màu ngụy trang hiện đại hơn.

Nhưng trên thực tế, chúng cũng có tính truyền thống hơn là dùng cho mục đích ngụy trang, như sắc xanh lục trên quân phục dã chiến quân đội Sa hoàng có nguồn gốc từ thời Pie Đại đế.

Một số quân phục trong Thế chiến I (từ trái qua): Nga, Pháp, Đức, Ý, thuộc địa Pháp ở Bắc Phi, Áo-Hung

Ngụy trang cho tàu chiến

Kiểu ngụy trang nổi bật nhất được sử dụng trong Thế chiến I không phải ở trên bộ mà là trên những chiến hạm của hải quân Anh.

Được so sánh với trường phái hội họa lập thể, nó sử dụng những khối màu lớn, sắc cạnh, gồm những tông màu sặc sỡ, đối lập nhau, hoàn toàn trái ngược với những kiểu ngụy trang thông thường.

Tàu sân bay HMS Argus với kiểu ngụy trang lập thể

Kiểu ngụy trang này có mục tiêu cụ thể là bảo vệ tàu chiến và tàu chở hàng của Anh trước tàu ngầm Đức.

Để đảm bảo ngư lôi trúng mục tiêu, tàu ngầm Đức cần tính toán dựa trên khoảng cách, hướng di chuyển và tốc độ của tàu mục tiêu.

Những họa tiết nổi bật của kiểu ngụy trang này được cho là có thể giúp đánh lừa thị giác của đối phương, như những đường sọc nghiêng trên ống khói, mũi và đuôi tàu khiến đối phương khó xác định được đâu là phần đầu của con tàu và hướng di chuyển của nó.

Bên cạnh đó, những sọc màu cũng khiến não bộ gặp khó khăn trong việc xác định tốc độ di chuyển của mục tiêu, tương tự như tác dụng của những sọc trắng đen trên ngựa vằn giúp bảo vệ nó trước thú ăn thịt.

Những mẫu ngụy trang được thử nghiệm trên mô hình thu nhỏ trước khi sơn lên con tàu thật

Những đường lượn sóng ở giữa thân tàu giả làm sóng tạo ra ở mũi tàu và sẽ khiến đối phương ước lượng sai chiều dài và vận tốc của tàu.

Những mảng màu đối lập kích thước lớn phá tổng thể hình dạng của con tàu, khiến cho tàu ngầm Đức khó xác định chủng loại tàu và làm giảm hiệu quả của kính đo khoảng cách.

Một tàu chở khách được trưng dùng để chuyên chở binh sĩ với ngụy trang lập thể

Cha đẻ của ý tưởng này, ông Norman Wilkinson, là một họa sĩ trang trí tài năng. Một số bức tranh của ông được dùng để trang trí bên trong con tàu xa hoa Titanic và Olympic, con tàu song sinh của Titanic.

Năm 1915, ông nhập ngũ và tham gia hải quân Anh. Trong đó có thời gian ông phục vụ trên một con tàu quét mìn và phải chạm trán với sự đe dọa từ tàu ngầm của Đức.

Trong hoàn cảnh đó, Wilkinson đã nảy ra ý tưởng về kiểu ngụy trang lập thể này.

Ngụy trang lập thể chỉ được sử dụng một thời gian ngắn trong Thế chiến I và không có bằng chứng nào cho thấy nó có hiệu quả rõ rệt.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, hải quân Anh đã quay lại với màu sơn đơn sắc truyền thống.

Một nghiên cứu của Đại học Bristol gần đây cho thấy kiểu ngụy trang này có thể tạo ra sự chênh lệch 7% trong khả năng ước lượng tốc độ của con người.

Đối với những con tàu có tốc độ chậm thời Thế chiến I thì sự chênh lệch này không thực sự đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại