Nga đang dần tuột mất 'bạn hàng' Ấn Độ như thế nào?

Từ lâu, Ấn Độ đã là một trong hai quốc gia mua vũ khí lớn nhất của Nga, bên cạnh Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc bị Nga “cấm vận” bởi hay đánh cắp công nghệ của Nga, thì Ấn Độ đã trở thành đối tác nhập khẩu vũ khí chính của Nga trong vòng một thập kỉ qua (Ấn Độ chiếm 25% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga). Tuy nhiên, hiện tại Nga đang mất dần thị trường truyền thống này. Vậy căn nguyên của thực tế này nằm ở đâu?

Theo đánh giá của các nhà phân tích, Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ không phải bởi vũ khí của Nga tốt hơn hay rẻ hơn (như đã từng) mà bởi trong thời kì chiến tranh lạnh Ấn Độ luôn đặt mình trong số “các quốc gia không liên kết”. Trên thực tế, Ấn Độ dựa nhiều vào việc tiếp nhận hầu hết số vũ khí nhập khẩu từ Liên Xô, quốc gia được cho là cùng ý thức hệ với Ấn Độ.

Việc Nga "dây dưa" sửa chữa tàu sân bay Vikramaditya đã làm giảm niềm tin của Ấn Độ. Ảnh: livejournal.com

Ấn Độ không phải không muốn sở hữu vũ khí của phương Tây, nhưng vấn đề nằm ở chỗ do có quan hệ mật thiết với Nga nên người Ấn không thể nhận được sự chuyển giao công nghệ từ phương Tây, khi đó Ấn Độ không mấy được tin tưởng và nhiều quốc gia phương Tây lo sợ rằng những công nghệ chuyển giao cho phía Ấn Độ sẽ mau chóng nằm trong tay người Nga.

Đầu những năm 60, quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Ấn Độ được tiến hành dưới sự giúp đỡ của Nga. Tính đến thời điểm chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 có tới 75% xe tăng và pháo binh, 80% máy bay chiến đấu và 85% tàu chiến của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên cũng từ đó lượng vũ khí Ấn Độ mua của Nga đã giảm 20% khi Ấn Độ chuyển sang mua các loại vũ khí trang bị tuy có phần đắt hơn nhưng đổi lại hiệu quả và đáng tin cậy hơn từ phương Tây.

Nga đang đứng trước nguy cơ mất đi một “bạn hàng” lớn trong buôn bán vũ khí. Có thể nói, Ấn Độ không mấy hài lòng với thái độ bất cẩn và thiếu tính hệ thống của Nga trong việc thực hiện những dự án lớn với Ấn Độ, ví dụ như việc sửa chữa tàu sân bay Vikramaditya - một thảm họa về kinh tế đối với Ấn Độ. Tình hình ngày một xấu đi khi Ấn Độ mua ngày càng nhiều vũ khí từ phương Tây (Israel, châu Âu và Mỹ) và họ nhận thấy sự khác biệt về hoạt động và tính năng của những loại vũ khí này.

Ấn Độ nhận thấy rằng công nghệ của phương Tây không những vượt trội hơn mà còn được chuyển giao một cách mau lẹ hơn so với Nga, đây cũng là một lợi ích không nhỏ đối với nền kinh tế Ấn Độ. Một ví dụ điển hình là Israel, quốc gia này luôn tích cực tiến hành những dự án chung cũng như chuyển giao công nghệ và năng lực sản xuất với Ấn Độ. Trong khi đó người Nga chưa thể thay đổi những thói quen cũ một cách mau chóng, kéo theo đó những hợp đồng mua bán vũ khí màu mỡ với Ấn Độ đang mất dần.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại