Nga chê siêu tàu sân bay của Anh yếu

Các chuyên gia Nga cho rằng tàu sân bay Queen Elizabeth có cụm không quân nhỏ, các máy bay hạn chế về tầm bay và số lượng bom đạn mang theo.

Tờ Bình luận Quân sự của Nga viết, vào ngày 4/7 tới, Anh sẽ chính thức làm lễ “rửa tội” cho tàu sân bay khổng lồ mà nước này đang chế tạo. Với nghi lễ này, con tàu sẽ chính thức mang tên Queen Elizabeth, vị nữ hoàng đã có công lớn trong việc xây dựng sức mạnh hải quân của Anh. Đây sẽ là con tàu lớn nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia Anh, song vai trò tác chiến của nó lại chưa thực sự rõ ràng.

Điều bất thường nhất đối với siêu tàu sân bay của Anh chính là việc sử dụng các máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Tất nhiên, loại máy bay này mang lại những lợi thế nhất định. Lợi thế đầu tiên là giúp đơn giản hóa và tiết kiệm chi phí khi đóng tàu. Thay cho các hệ thống máy phóng phức tạp và đòi hỏi sử dụng nhiều năng lượng thì tàu sân bay Anh chỉ cần một đường băng kiểu nhảy cầu; thay cho máy hãm thì tàu sân bay Anh chỉ cần một khoảng trống trên boong với diện tích vừa phải và bề mặt chịu nhiệt.

Trong lịch sử, những ưu thế kể trên đã giúp chế tạo ra những chiếc tàu sân bay hạng nhẹ kiểu như tàu sân bay lớp Invincible của Anh với lượng choán nước chỉ 22.000 tấn và tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan với lượng choán nước thậm chí bằng phân nửa là 11.500 tấn.

Giới chuyên gia cho rằng việc chế tạo một tàu sân bay cỡ lớn song vẫn theo kết cấu của các loại tàu sân bay cỡ nhỏ trên là điều hoàn toàn khó hiểu.

Nhược điểm đầu tiên chính là việc hạn chế đáng kể số lượng máy bay chiến đấu của tàu. Ngoài các máy bay STOVL (vốn bị đánh giá là thua kém về trọng lượng cất cánh, tức là mang được ít đạn dược và nhiên liệu hơn so với các máy bay cùng loại nhưng cất cánh nhờ máy phóng), các tàu sân bay kiểu này chỉ có thể mang thêm trực thăng.

Việc thiếu hụt một lực lượng máy bay chiến đấu đủ mạnh khiến tàu sân bay cỡ lớn Queen Elizabeth của Anh cũng chỉ tương đương với các tàu sân bay hạng nhẹ hoạt động trong thành phần cụm tàu gồm các tàu nổi khác, hoặc chỉ tương đương với các tàu đổ bộ tổng hợp.

Rất có thể quyết định đóng tàu sân bay cỡ lớn Queen Elizabeth của Anh có liên quan tới kinh nghiệm sử dụng máy bay STOVL như Harrier trong cuộc chiến Falkland/Malvinas năm 1982 với Argentina.

Năm 2002, hai mươi năm sau cuộc chiến này, người Anh đã quyết định chọn F-35B (phiên bản STOVL của F-35) cho tàu sân bay của mình. Nhưng cũng thật bất ngờ, đến tháng 9/2010, sau những trục trặc trong các cuộc thử nghiệm F-35B, Anh tuyên bố trở lại với kiểu tàu sân bay truyền thống sử dụng máy phóng và máy hãm và lựa chọn phiên bản F-35C.

Với lựa chọn này, Anh buộc phải thiết kế lại chiếc tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Queen Elizabeth là chiếc Prince of Wales. Sự thay đổi tiếp tục đẩy chi phí tăng cao và thời gian trì hoãn kéo dài hơn nữa. Chính trong giai đoạn này, chiếc tàu đầu tiên Queen Elizabeth đã từng nằm trong kế hoạch sau vài năm vận hành dưới dạng một tàu huấn luyện chở trực thăng sẽ mang ra rao bán. Trong trường hợp không thể tìm được khách hàng, người Anh sẽ mang đi cắt thành sắt vụn.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu thiết kế hệ thống máy phóng và máy hãm cũng như thay đổi thiết kế tàu đã tiêu tốn gấp đôi so với dự kiến (157 triệu USD). Chính vì thế, đến tháng 5/2012, Anh đã quyết định quay trở lại với thiết kế ban đầu.

Ngân sách rót cho việc đóng hai con tàu này hiện đã lên tới gần 10 tỷ USD và thời gian đưa chiếc Prince of Wales vào biên chế là sau năm 2020.

Sau khi từ bỏ những nỗ lực muộn màng nhằm trở về với thiết kế truyền thống (có máy phóng và máy hãm), tàu sân bay lớp Queen Elizabeth có thiết kế như ngày nay với “danh hiệu” tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh với lượng choán nước 70.000 tấn, to gấp ba lần tàu sân bay lớp Invincible, gấp hai lần tàu sân bay nguyên tử trang bị máy phóng Charles De Gaulle của Pháp. Tàu sân bay mới của Anh chỉ thua kém về kích cỡ so với các tàu sân bay nguyên tử lớp Nimitz và Gerald Ford của Mỹ.

So về mặt kích thước, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh cũng vượt trội so với các tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga và tàu Liêu Ninh của Trung Quốc.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga

Lực lượng máy bay mà Queen Elizabeth có thể mang theo là trên 50 chiếc các loại. Tuy nhiên, việc mang theo tối đa số lượng máy bay như vậy sẽ gây khó khăn cho các chuyến cất hạ cánh bởi đa số máy bay sẽ phải để trên boong. Tầng hầm của Queen Elizabeth chỉ có thể chứa được khoảng 20 chiếc máy bay.

Các chuyên gia cho rằng số lượng máy bay hợp lý nhất mà Queen Elizabeth nên mang theo là dưới 40 chiếc, gồm cả máy bay chiến đấu và trực thăng. Tuy nhiên, người Anh thậm chí còn quy định số lượng ít hơn. Theo đó, cụm không quân trên Queen Elizabeth vào “thời bình” chỉ có 12 chiếc F-35B, dưới 9 chiếc Merlin và từ 4-5 chiếc máy bay phát hiện radar tầm xa. Số lượng này cũng chỉ tương đương với cụm không quân trên tàu sân bay cỡ nhỏ Invincible vốn có nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm trên Đại Tây Dương khi hoạt động trong thành phần của hải quân NATO.

Dù có kích thước lớn hơn gần hai lần, song Queen Elizabeth cũng chỉ có cụm không quân với số lượng tương đương tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp (lượng choán nước 42.000 tấn) và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga (59.000 tấn). Trong khi đó, tàu sân bay của Pháp lại có số lượng máy bay phát hiện radar tầm xa vượt trội hơn tàu sân bay của Anh.

Phiên bản F-35B mà người Anh lựa chọn để trang bị cho Queen Elizabeth cũng không tạo được sự tin tưởng. Ngoài những điểm yếu chết người như dễ bị tin tặc tấn công, không chịu được sét…F-35B còn hạn chế ở số lượng vũ khí mang theo và tầm bay so với các máy bay hạm khác.

Do ưu tiên tính năng tàng hình nên F-35B phải giấu vũ khí trong thân và không thể mang theo thùng dầu phụ. Nó chỉ mang được 2 quả tên lửa đối không AIM-120 (mục đích chính là tự vệ trước các máy bay chiến đấu khác), 2 quả bom dẫn đường bằng laser GBU-12 nặng 250kg mỗi quả hay 2 quả bom GBU-32 J.D.A.M nặng 500kg mỗi quả.

Ngoài F-35B, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth có thể sử dụng các loại trực thăng như CH-47 Chinook (được đánh giá là không hợp lý) hoặc Merlin. Trên tàu sân bay sẽ bố trí khoảng 250 lính thủy đánh bộ. Như vậy, để đổ bộ số lượng binh sĩ tương đương với hai đại đội này, người Anh cần tới 6 chiếc Chinook hoặc 10 chiếc Merlin. Khả năng đổ bộ này chỉ tương đương với một tàu đổ bộ cỡ vừa!

Máy bay F-35B hạ cánh thử nghiệm trên tàu
Máy bay F-35B hạ cánh thử nghiệm trên tàu

Sau khi được hạ thủy, Queen Elizabeth sẽ tiếp tục được hoàn thiện và dự kiến đến tháng 8/2016 bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển và đến tháng 5/2017 sẽ đưa vào biên chế Hải quân Hoàng gia Anh (chưa có máy bay chiến đấu). Phải tới năm 2020, Queen Elizabeth mới đi vào hoạt động đầy đủ sau các cuộc thử nghiệm với F-35B.

Lịch trình đối với chiếc thứ hai là Prince of Wales sẽ lần lượt như sau: hạ thủy vào tháng 7/2016, chạy thử nghiệm trên biển từ tháng 1/2019 và chuyển giao cho hải quân vào tháng Tám cùng năm.

Giới phân tích quân sự đánh giá, mặc dù rất tốn kém với dự án tàu sân bay lớp Queen Elizabeth, song Anh đã không thể tăng cường đáng kể sức mạnh của hải quân. Hai tàu sân bay mới này cũng chỉ giúp hải quân Anh sẵn sàng cho các cuộc chiến quy mô khu vực, nhiệm vụ mà tàu sân bay Invincible cũng có thể đảm nhận tốt. Có ý kiến còn cho rằng thay vì đóng hai tàu sân bay này, Anh đóng các tàu đổ bộ tổng hợp mới với khả năng mang theo các máy bay STOVL thì sẽ hợp lý hơn bởi các tàu này cũng có thể đảm nhận các nhiệm vụ tương tự Queen Elizabeth, song có khả năng đổ bộ tốt hơn.

Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Wasp của Mỹ
Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Wasp của Mỹ

Theo tính toán, chi phí đóng từ 4-5 chiếc tàu đổ bộ loại này cũng chỉ bằng một nửa chi phí cho dự án Queen Elizabeth.

Tuy có kích thước lớn, tốc độ tương đối cao (tốc độ tối đa gần 50 km/h), song việc không có được cụm không quân tương xứng (số lượng ít, tầm bay ngắn, lượng bom đạn mang theo hạn chế) sẽ khiến Queen Elizabeth (tương tự là Prince of Wales) không mạnh như người ta nghĩ. Nhà bình luận Alexandr Ermakov của Nga thậm chí đánh giá các tàu sân bay này của Anh không thể tạo ra mối đe dọa đối với hải quân Nga, thậm chí là hải quân Trung Quốc trong tình trạng hiện nay (chưa kể đến năm 2020).

Quá trình đóng tàu sân bay Queen Elizabeth (Nguồn: BBC)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại