Mỹ sẽ thế nào nếu Trung Quốc sở hữu tên lửa Kh-55?

Chúc Sơn |

Dù Ukraine đã phủ nhận thông tin bán công nghệ sản xuất tên lửa Kh-55 cho Trung Quốc nhưng như vậy vẫn chưa đủ để Mỹ cảm thấy yên tâm.

Ukraine đã lên tiếng phủ nhận thông tin được một số trang quốc phòng đăng tải cho rằng Trung Quốc đang tiến hành đàm phán mua lại công nghệ sản xuất tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân Kh-55 của nước này, hãng tin Interfax (Nga) cho biết.

Tuy nhiên, lời khẳng định của Kiev vẫn chưa đủ đảm bảo khiến Mỹ và đồng minh tại Đông Bắc Á cảm thấy yên tâm.

Sự lo lắng của Mỹ là hoàn toàn có cơ sở bởi từ trước đến nay, hầu hết các phi vụ mua sắm những vũ khí chiến lược từ nước ngoài của Trung Quốc đều được thông tin theo kiểu "nói một đằng làm một nẻo", Interfax dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết.

Vì vậy, nếu Trung Quốc sở hữu tên lửa Kh-55 và công nghệ sản xuất chúng thì Mỹ và đồng minh trong khu vực có lý do để lo lắng bởi sức mạnh của loại tên lửa này.

Máy bay Tu-160 phóng tên lửa X-55

Máy bay Tu-160 phóng tên lửa Kh-55

Tên lửa Kh-55 (NATO định danh là AS-15 Kent) là tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược thế hệ thứ 3 do Liên Xô phát triển.

Năm 1978, Nga bắt đầu cho sản xuất Kh-55 tại Khu liên hợp công nghiệp hàng không Kharkov, đến cuối năm 1980 thì bắt đầu chuyển giao những sản phẩm đầu tiên cho bên đặt hàng.

Kh-55 có thiết kế khí động học tương tự như tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk của Mỹ với thân hình trụ, 2 cánh ổn định sẽ bật ra sau khi phóng.

Tên lửa có chiều dài 6,04m, đường kính thân 0,514m, sải cánh 3m, trọng lượng phóng 1,21 tấn, trang bị đầu đạn thông thường nặng 400kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật 250 kiloton.

Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp dẫn hướng quán tính, cập nhật thông số về mục tiêu thông qua liên kết dữ liệu.

Ở pha cuối, tên lửa có thể sử dụng radar chủ động để tìm kiếm mục tiêu và tấn công hoặc sử dụng cảm biến hình ảnh theo công nghệ so sánh hình ảnh tương phản về khu vực mục tiêu được lưu trong bộ nhớ của tên lửa.

Công nghệ dẫn hướng này cho phép tên lửa tấn công mục tiêu với độ chính xác khá cao, tầm bắn của Kh-55 trên 3.000km.

Tên lửa Kh-55 được thiết kế để phóng từ các loại máy bay ném bom chiến lược của Nga như: Tu-95MS, Tu-22, Tu-160.

Tên lửa được trang bị một máy tính kỹ thuật số sử dụng bộ lọc dữ liệu Kalman với một bản đồ kỹ thuật số, radar đo độ cao các bộ phận cấu thành này cho phép tên lửa sử dụng công nghệ dẫn hướng kiểu TERCOM (men theo địa hình).

Ở pha cuối, tên lửa sử dụng công nghệ dẫn hướng so sánh hình ảnh tương phản kỹ thuật số DSMAC cùng với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS.

Công nghệ dẫn hướng này cho phép tên lửa có độ chính xác rất cao, CEP của Kh-55 dưới 15m, khả năng này tương đương với Tomahawk của Mỹ trong khi tầm bắn vượt xa hơn nhiều và trở thành loại tên lửa phóng trên không có tầm bắn xa nhất thế giới.

Với sức mạnh của Kh-55, khi dòng tên lửa này được kết hợp máy bay ném bom hạng nặng H-6K của Không quân Trung Quốc thì Bắc Kinh hoàn toàn có thể đe dọa đến nhiều khu vực chiến lược của Mỹ và đồng minh.

Cụ thể, H-6K được cải tiến từ máy bay ném bom H-6 có phạm vi tác chiến có thể đạt được chuỗi đảo thứ hai.

Theo các tài liệu quân sự thì bán kính chiến đấu của H-6K của khoảng 3.500 km, với bán kính này khi mang tên lửa hành trình chiến lược Kh-55, mục tiêu chiến lược của nó đạt được khoảng 6.000 km.

Vì vậy, H-6K có thể thực hiện cuộc tấn công sâu, ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, có thể vượt xa đảo Okinawa, tấn công sâu vào Guam.

Thậm chí có thể đe dọa đến đảo Hawaii của Mỹ và sẽ là một trở ngại đáng kể cho hệ thống phóng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương.

Oanh tạc cơ Tu-160 khai hỏa tên lửa Kh-55

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại