Mỹ phát triển công nghệ hỗ trợ không kích cự ly gần

Hỗ trợ không kích ở cự ly gần, còn được gọi là hoạt động hiệp đồng tác chiến trên không mặt đất, là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Phi công và các đơn vị trinh sát mặt đất phải đảm bảo tiêu diệt chính xác mục tiêu được chỉ định trong khi chỉ nhận được sự hỗ trợ duy nhất là các chỉ dẫn bằng giọng nói, và nếu “may mắn” hơn thì có thêm một tấm bản đồ giấy thông thường.

Khi tác chiến, các đơn vị mặt đất thông thường phải mất tới 1 giờ đồng hồ để bàn bạc, triển khai đến vị trí và đúng thời điểm khai hỏa. Nhưng trong thời gian đó, mục tiêu đối phương có thể đã tấn công trước hoặc di chuyển ra khỏi phạm vi không kích.

Để giải quyết vấn đề trên, Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Cải tiến Quốc phòng (DARPA) Mỹ mới đây đã tiếp tục ký hợp đồng Giai đoạn II của chương trình “Duy trì Hỗ trợ Không kích Cự ly gần” (PCAS) với công ty Raytheon. Đây là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực quân sự.

Mục đích của chương trình PCAS là giúp bộ binh và các đơn vị tham chiến có thể phối hợp để chỉ định mục tiêu cho các loại vũ khí chính xác của không lực, bằng việc phát triển công nghệ tin học và thông tin liên lạc để tăng hiệu quả cho các hoạt động hỗ trợ không kích cũng như cải thiện tốc độ và khả năng sống sót cho các đơn vị bộ binh trong vùng địch.

Khả năng hiệp đồng không-lục quân Mỹ sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới

Giám đốc phụ trách mảng phát triển của DARPA Dan Patt cho biết, mục đích của Lầu Năm Góc trong dự án này là nâng cao tính chính xác, nhanh chóng và dễ dàng phối hợp cho hoạt động hỗ trợ không kích ở cự ly gần trong các điều kiện tác chiến khó khăn. Chương trình này hướng đến việc sử dụng các loại vũ khí (đạn, tên lửa) nhỏ hơn để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ hoặc di động, giảm thiểu tối đa nguy cơ sát thương đồng đội hay gây ra các thiệt hại phát sinh khác.

Thực tế là, mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng đang ngày càng phát triển với sự ra đời của các loại vũ khí trang bị tinh vi, hiện đại nhưng các nhiệm vụ hỗ trợ không kích ở cự ly gần vẫn phải tiến hành theo các phương thức truyền thống có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.

Để tạo ra một sự đổi thay mạnh mẽ, PCAS đang hướng đến xây dựng một hệ thống hỗ trợ được số hóa tuyệt đối bằng cách sử dụng những sản phẩm công nghệ thông tin hiện đại vốn được dùng với mục đích thương mại, cùng với việc tích hợp các giao diện mở, các linh kiện có thể tháo lắp và ứng dụng các phần mềm dành cho thiết bị di động.

Thiết kế của hệ thống PCAS hiện nay bao gồm 2 thành phần: PCAS-Air (trang bị cho không lực) và PCAS-Ground (trang bị cho các đơn vị mặt đất).

PCAS-Air bao gồm một tổ hợp dẫn đường, các vũ khí, hệ thống quản lý quá trình hoạt động và giao thức truyền tải dữ liệu tốc độ cao thông qua mạng nội bộ Ethernet (có dây hoặc không dây) hiện đang được sử dụng trên các máy bay.

Dựa trên các thông tin chiến thuật thu được, các thuật toán tự động của PCAS-Air sẽ vẽ ra hành trình tối ưu dẫn đến mục tiêu để các vũ khí có thể tấn công hoặc đưa ra giải pháp tốt nhất trong việc sử dụng vũ khí để tiêu diệt mục tiêu. Các phi đội có thể nhận được dữ liệu thông qua cả kết nối có dây lẫn không dây (sử dụng máy tính bảng).

PCAS-Air sẽ thông báo cho lực lượng mặt đất thông qua tổ hợp PCAS-Ground. Đây là một bộ thiết bị công nghệ cao giúp tăng khả năng cơ động, nắm bắt tình huống và khả năng giữ liên lạc phục vụ hiệp đồng tác chiến. Người sử dụng sẽ đeo một mắt kính hiển thị thông tin (HUD) được kết nối với chiếc máy tính bảng (giống như của tổ hợp PCAS-Air), trên đó hiển thị sơ đồ chiến thuật, bản đồ và các thông tin khác cho phép đơn vị bộ binh có thể liên tục quan sát mục tiêu thay vì phải nhìn xuống màn hình máy tính.

Các bộ phận của PCAS-Ground, vốn chỉ được sử dụng với mục đích thương mại, đã được thử nghiệm, hứa hẹn sẽ được triển khai rộng rãi trong các hoạt động hiệp đồng tác chiến trên không-mặt đất. Từ tháng 12-2012 đến tháng 3-2013, chương trình PCAS đã triển khai 500 chiếc máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android có trang bị phần mềm nắm bắt tình huống của PCAS-Ground cho các đơn vị đóng quân tại Afghanistan.

Các máy tính bảng này sẽ tăng cường khả năng tác chiến cho binh sĩ bằng việc đưa ra các thông tin tham khảo được thể hiện qua các giao diện đồ họa kỹ thuật số dạng lưới (GRG), dữ liệu kỹ thuật số về độ cao địa hình, kế hoạch tác chiến và các phương tiện để thực hiện.

Đối với không lực, hệ thống truy tìm trên không bằng GPS sẽ cho phép phi công phối hợp với các đơn vị bộ binh xác định các vị trí có liên quan trong điều kiện thời gian thực. Theo các báo cáo thu được, PCAS-Ground đã thay thế cho các bản đồ giấy truyền thống, cải thiện mạnh mẽ khả năng hiệp đồng tác chiến nhanh chóng và an toàn với không quân.

Một trong những thành tố cốt lõi, mang tính đột phá nhất của PCAS là Smart Rail-đường ray thông minh. Nó cho phép tháo lắp các hệ thống trên các loại máy bay phổ biến hiện nay một cách dễ dàng. Các thiết bị máy tính của PCAS-Air sẽ được giữ chắc và gài vào máy bay bằng Smart Rail. Bên cạnh đó, nó còn là một giải pháp rất kinh tế và nhanh chóng cho việc lắp đặt các thiết bị hỗ trợ điều khiển và radio để liên lạc với các đơn vị mặt đất.

Smart Rail là ứng dụng tiêu biểu của công nghệ plug-and-play trong lĩnh vực máy tính. Đây là công nghệ phần cứng tiên tiến cho phép các bộ phận bổ sung có thể hoạt động ngay khi cắm vào hệ thống chủ. Smart Rail có thể tích hợp trên các thiết bị hiện có cũng như trong tương lai, thậm chí có thể tương thích cả với UAV.

Theo ông Dan Patt, Smart Rail sẽ tạo ra một cuộc cách mạng giống như sự ra đời của giao thức kết nối qua USB trong lĩnh vực máy tính. Nó giúp các đơn vị nắm bắt các thông tin phục vụ hiệp đồng tác chiến trên không-mặt đất dễ dàng hơn rất nhiều, nhờ tiết kiệm được thời gian lắp đặt PCAS cũng như các hoạt động khác, bên cạnh đó là tiết kiệm được thời gian và chi phí phát triển công nghệ quân sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại